Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) đánh giá Triều Tiên là một trong những quốc gia "ít cởi mở" nhất thế giới với rất nhiều "vấn đề mãn tính về kinh tế". Họ nhận xét ngành công nghiệp Triều Tiên bị bỏ bê đầu tư nhiều năm nay. "Chi phí quân sự lớn đã rút cạn tài nguyên cần thiết cho đầu tư và tiêu dùng. Sản lượng công nghiệp và năng lượng đình trệ suốt nhiều năm qua. Mùa màng thất bát thường xuyên do thời tiết càng làm trầm trọng tình trạng thiếu lương thực, vốn đã xảy ra triền miên vì các vấn đề có tính hệ thống", cơ quan này nhận định.
Vài năm gần đây, Chính phủ Triều Tiên luôn nhấn mạnh mục tiêu cải cách mức sống của người dân. Tuy nhiên, CIA Factbook đánh giá nước này không có nhiều động thái để hiện thực hóa điều này. Năm 2013-2014, Triều Tiên thông báo lập thêm 20 khu vực phát triển kinh tế (EDZ) cho nhà đầu tư nước ngoài, nâng tổng số lên 25. Dù vậy, những sáng kiến này vẫn còn đang trong quá trình thai nghén.
CIA Factbook ước tính GDP theo ngang giá sức mua (PPP) của Triều Tiên vào khoảng 40 tỷ USD trong 3 năm 2012, 2013 và 2014. Khoảng 200 công ty niêm yết của Mỹ hiện còn có vốn hóa cao hơn. Trong khi đó, GDP danh nghĩa năm 2013 vào khoảng 28 tỷ USD, theo tỷ giá chính thức.
Khách sạn Ryugyong - tòa nhà cao nhất Triều Tiên. Ảnh: Reuters |
Ngân hàng Thế giới (World Bank) thậm chí không đưa tên Triều Tiên vào danh sách theo dõi GDP, vì không có số liệu. Cơ quan này chỉ xếp hạng thu nhập người dân Triều Tiên ở mức thấp.
Theo CIA Factbook, tốc độ tăng trưởng GDP ước tính năm 2014 của nước này là 1%. Còn GDP bình quân theo PPP năm 2014 vào khoảng 1.800 USD, đứng thứ 211 thế giới. Trong khi đó, con số này của Hàn Quốc vào khoảng 37.900 USD năm ngoái.
Các ngành công nghiệp chủ lực tại Triều Tiên là thiết bị quân sự, máy móc, điện, hóa chất, khai mỏ, luyện kim, dệt may, chế biến thực phẩm và du lịch. Nước này chủ yếu xuất khẩu kim loại, sản phẩm luyện kim, vũ khí, dệt may, nông nghiệp và ngư nghiệp; đồng thời nhập khẩu dầu mỏ, than đá, máy móc, thiết bị, ngũ cốc.
Lĩnh vực công nghiệp đóng góp 40% GDP cả nước, theo sau là dịch vụ và nông nghiệp. Lao động nước này cũng chủ yếu làm việc trong ngành công nghiệp và dịch vụ. Tỷ lệ thất nghiệp tại đây năm 2013 vào khoảng 25,6%.
Trước đây, kinh tế Triều Tiên chủ yếu dựa vào công nghiệp nặng. Cho đến giữa thập niên 70, họ vẫn là một trong hai quốc gia công nghiệp chính tại châu Á, cùng với Nhật Bản, Giáo sư Jim Hoare là giảng viên Trường nghiên cứu Phương Đông và Châu Phi thuộc Đại học London (Anh) cho biết. Thêm vào đó, dù không phải thành viên chính thức, Triều Tiên vẫn hưởng lợi từ Hội đồng tương trợ kinh tế của Liên Xô.
Tuy nhiên, sự sụp đổ của Liên Xô cùng hàng loạt thảm họa thiên nhiên đã khiến nền công nghiệp nước này trượt dốc từ thập niên 80. Đỉnh điểm là thập niên 90, khiến cả nền kinh tế gần như "sụp đổ". Triều Tiên còn thiếu dầu mỏ trầm trọng. "Họ từng nhập dầu từ Liên Xô, nhưng giờ lại không thể nữa", Hoare nói. Nông nghiệp cũng ngày càng sa sút vì quá phụ thuộc vào phân bón, khiến đất đai biến chất.
Hành khách đi xe bus qua một khu nhà mới xây ở Bình Nhưỡng. Ảnh: Reuters |
Từ năm 2006, Triều Tiên còn bị Liên hợp quốc áp đặt các lệnh trừng phạt vì chương trình hạt nhân gây tranh cãi. Mỹ và các nước đồng minh từ nhiều năm nay cũng thắt chặt nguồn cung tiền của Chính phủ Triều Tiên, đồng thời cô lập họ khỏi hệ thống ngân hàng toàn cầu.
Tuy nhiên, việc này chỉ càng khiến Bình Nhưỡng nghĩ ra nhiều biện pháp lách luật. Theo CNN, Triều Tiên bị cáo buộc xuất khẩu than, xuất khẩu lao động và tấn công mạng các tổ chức tài chính thế giới để kiếm ngoại tệ.
Quan hệ kinh tế giữa họ với nhiều nước láng giềng cũng ngày càng xuống cấp. Theo Hoare, đầu thập kỷ trước, Hàn Quốc là bạn hàng chính của Triều Tiên. Tuy nhiên, quan hệ hai nước ngày càng giảm sút khi cựu Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak lên nắm quyền. Trung Quốc sau đó dần trở thành đối tác thương mại lớn nhất tại đây.
Khi Triều Tiên ngày càng bị cô lập, nước này lại càng phụ thuộc vào Trung Quốc. Đây là đồng minh thân cận nhất, nhà cung cấp lớn nhất và cũng là nước có ảnh hưởng nhất với Bình Nhưỡng. Khoảng 75% trong số 4,15 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu của Triều Tiên là sang Trung Quốc. 76% kim ngạch nhập khẩu cũng là từ Trung Quốc.
Tuy nhiên, Trung Quốc gần đây đang dần mạnh tay với nước láng giềng. Tháng 11 năm ngoái, họ đã đồng ý áp dụng cứng rắn hơn các lệnh trừng phạt của Liên hợp Quốc với Triều Tiên. Từ ngày 19/2, họ còn ngừng nhập khẩu than đá của nước này, do Mỹ cáo buộc xuất khẩu than chính là cách Triều Tiên thu ngoại tệ nhằm phát triển vũ khí hạt nhân. Hãng hàng không Air China cũng vừa tuyên bố ngừng khai thác tuyến Bắc Kinh – Bình Nhưỡng vì doanh thu yếu.
Bên cạnh đó, hồi thập niên 90, khi còn chưa bị các nước tư bản cô lập, Triều Tiên cũng có thương mại khá lớn với Malaysia. Hai nước cũng có mối quan hệ thân thiết lâu đời. Tuy nhiên, sau việc một công dân Triều Tiên bị sát hại tại Malaysia, mối quan hệ này cũng đi xuống trầm trọng.
Trên Telegraph, giới phân tích nhận định những sự việc gần đây là mối đe dọa lớn với đà phục hồi kinh tế rất mong manh của Triều Tiên. Vì nước này ít chi cho cơ sở hạ tầng.
"Nếu cả Trung Quốc và Malaysia quay lưng với Triều Tiên, nước này rất có thể sẽ quay về thời kỳ khủng hoảng thập niên 90", Hazel Smith – Giám đốc Viện nghiên cứu Triều Tiên tại Đại học Central Lancashire (Anh) kết luận.]
Theo VNE