Triều Tiên hôm qua tiếp tục phóng một tên lửa, bất chấp các cảnh báo trước đó từ Mỹ cùng một số nước khác. Theo Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS), tên lửa của Triều Tiên xuất phát từ thành phố Sinpo và phát nổ ngay sau khi phóng.
Việc này diễn ra chỉ một ngày sau khi Triều Tiên tổ chức duyệt binh tại Bình Nhưỡng để kỷ niệm 105 năm ngày sinh nhà lập quốc - Kim Nhật Thành. Phó Tổng thống Mỹ đã tới Seoul (Hàn Quốc) hôm qua để bàn bạc vấn đề này, trong bối cảnh căng thẳng giữa Bình Nhưỡng và Washington liên tục gia tăng.
Những động thái giữa hai quốc gia này thời gian gần đây đã khiến nhiều nền kinh tế hàng đầu châu Á bị ảnh hưởng. Yen Nhật - đồng tiền rất được ưa chuộng trong thời kỳ khủng hoảng - đã tăng giá gần 3% so với won Hàn Quốc từ ngày 3/4. Đây là thời điểm Tổng thống Donald Trump cho biết Mỹ có thể đơn phương hành động chống Triều Tiên nếu cần thiết. Công ty chứng khoán Daiwa nhận định yen Nhật có thể tiếp tục leo cao nếu căng thẳng gia tăng.
Trung Quốc hiện là đối tác kinh tế lớn nhất của Triều Tiên. |
Cuối tuần trước, won Hàn Quốc đã mất 0,9%, trong khi yen tăng 1,9% so với USD. Đây là mức tăng lớn nhất một tháng của đồng yen. Chứng khoán Nhật Bản cũng giảm 5 tuần liên tiếp - dài nhất từ tháng 12/2015. Trong khi đó, chỉ số Kospi (Hàn Quốc) cũng mất 0,8% tuần qua. Tâm lý nhà đầu tư hiện bị thống trị bởi các diễn biến địa chính trị, trong đó có việc Mỹ không kích Syria và cuộc khủng hoảng tại Triều Tiên.
"Đồng won yếu phản ánh nguy cơ quan hệ của Hàn Quốc với Triều Tiên sẽ xấu đi, do ứng cử viên ủng hộ lập trường cứng rắn với Triều Tiên đang thắng thế trong cuộc thăm dò bầu cử Tổng thống Hàn Quốc", Yuji Kameoka - nhà phân tích tại Daiwa cho biết trên Bloomberg,"Nhật Bản có thể không tổn hại gì nếu có xung đột quân sự trên bán đảo và đồng yen sẽ được mua vào ồ ạt nếu tâm lý phòng trừ rủi ro tăng cao".
Đồng yen mạnh đồng nghĩa chính sách "Abenomics" của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe nhằm thúc đẩy tăng trưởng dựa vào xuất khẩu sẽ phá sản. Lợi nhuận của doanh nghiệp xuất khẩu sẽ lao dốc, và giá cổ phiếu cũng vậy.
Trong khi đó, Hàn Quốc đã phải chịu thiệt hại kinh tế vì căng thẳng Triều Tiên, khi Trung Quốc phản đối việc Hàn Quốc cho Mỹ lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD trên lãnh thổ nước mình.
Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc. Bắc Kinh đang gây sức ép kinh tế qua các biện pháp như hạn chế du khách sang Hàn Quốc, đóng các cửa hàng của Lotte và ngừng mua mỹ phẩm, TV show từ nước này.
Lệnh cấm du lịch có thể khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế Hàn Quốc giảm 20% năm 2017, Credit Suisse cảnh báo. Nhà băng này tính toán các tour du lịch của Trung Quốc đóng góp khoảng 0,5% GDP nước này.
Các lệnh trừng phạt này đã khiến cổ phiếu tiêu dùng của Hàn Quốc lao dốc. Chúng có thể còn giảm mạnh hơn nếu rủi ro tăng cao, theo hãng tư vấn Eurasia.
Trung Quốc đã ngừng nhập khẩu than từ Triều Tiên. Ảnh: AFP |
Trung Quốc cũng có thể chịu ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng này. Ông Trump được cho là đã cảnh báo Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình, rằng các lệnh trừng phạt mới lên Triều Tiên cũng có thể bao gồm trừng phạt lên các nhà băng và công ty Trung Quốc làm ăn với nước này.
Khoảng 90% thương mại của Triều Tiên là với Trung Quốc. Các mặt hàng chính mà Trung Quốc mua của nước láng giềng là than đá, quặng sắt, kẽm, hải sản và hàng dệt may.
Trung Quốc đã thực hiện lệnh cấm nhập khẩu than đá Triều Tiên từ ngày 19/2, nhằm tăng sức ép lên nước láng giềng. Tuy nhiên, số liệu mới nhất cho thấy thương mại giữa hai nước đã tăng khoảng 37% trong quý I năm nay.
Dù vậy, Bắc Kinh cũng đã cảnh báo Triều Tiên không nên có các động thái làm gia tăng căng thẳng. Vì quốc gia này có thể áp đặt thêm nhiều lệnh cấm chưa từng có, như hạn chế xuất khẩu dầu sang nước láng giềng.
Với việc nền kinh tế lớn nhất, nhì và tư châu Á đều đang gặp rủi ro, triển vọng kinh tế của khu vực có thể chịu cú sốc lớn nếu "chiến tranh lạnh" trên bán đảo Triều Tiên nóng lên. The Diplomat cho rằng đây sẽ là cuộc khủng hoảng địa chính trị tồi tệ nhất năm nay của châu Á.
Theo VNE