|
Thiếu cửa với khách Trung Quốc
Trước thông tin khách du lịch Trung Quốc được xếp hạng chi tiêu nhiều nhất thế giới, nhưng lại luôn lựa chọn tour 0 đồng, chi tiêu ít tại Việt Nam, trao đổi với Đất Việt, ngày 17/4, bà Trang - đại diện bộ phận quản lý khách du lịch inbound quốc tế, Công ty du lịch quốc tế Đại Việt cho biết: "Chúng tôi cũng làm khách quốc tế inbound nhưng thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản là chính. Đây cũng là do định hướng công ty, chúng tôi không hướng vào mảng khách Trung Quốc, vì đã có một số công ty lớn làm.
Hơn nữa, Trung Quốc họ cũng thành lập các chi nhánh, các công ty có người Việt Nam làm giám đốc tại Việt Nam để họ tự làm, tự hình thành các tour, dẫn khách, nên việc kết nối cũng như tổ chức tour cũng khó khăn".
Riêng về mức chi tiêu của khách Trung Quốc, theo bà Trang, cũng phụ thuộc vào thu nhập của từng dòng khách, khách thu nhập thấp thì chi tiêu ít, thậm chí khách thu nhập cao cũng chi tiêu ít, bởi quan trọng là do khách mua tour như thế nào. Điểm quan trọng ở đây chủ yếu là do công ty ở Việt Nam bán tour như thế nào với khách.
|
Du khách Trung Quốc |
"Gần như khách Trung Quốc sang đây chi tiêu chủ yếu vào vé tham quan, khách sạn, ăn rất ít, mà ăn thì cũng ăn của nhà hàng Trung Quốc, vào shop thì cũng chỉ mua các sản phẩm từ Trung Quốc vì các điểm dừng chân của họ đều là của người Trung Quốc đứng đằng sau. Đấy là đối với dòng khách chi phí thấp.
Với khách đi bằng đường bay thì cũng chia nhiều mức, mức cao, mức thấp, vì họ cũng có nhiều cách làm giảm chi phí chi tiêu xuống, cái này phụ thuộc vào các công ty bán tour", bà Trang cho biết.
Trong khi đó, cũng chia sẻ với Đất Việt, ông Đông - đại diện công ty Đại Việt Tour cho biết: "Chúng tôi cũng không làm tour khách quốc tế inbound từ Trung Quốc, chủ yếu là Hàn Quốc, Hongkong (Trung Quốc), thường chỉ có một số công ty lớn họ để ý đến thị trường này".
Khách Trung Quốc thực chất là khách "sộp"
Trong khi đó, cũng chia sẻ với Đất Việt, ông Nguyễn Văn Mỹ - một chuyên gia du lịch cho biết: "Người Trung Quốc ra nước ngoài đông nhất, trên 100 triệu người, đồng thời là du khách chi tiêu nhiều nhất, thậm chí là khách "sộp", tính theo đầu người. Khách Trung Quốc luôn đứng đầu bảng xếp hạng lượng khách du lịch của các nước và vùng lãnh thổ lân bang.
Hơn nữa, khách Trung Quốc dễ tính, mê đánh bài, thích mua sắm, chi tiêu mạnh, lại đông đảo, nên luôn được chờ đợi và chào đón nồng nhiệt.
Thế nhưng, công ty đón khách du lịch inbound của Trung Quốc tại Việt Nam hiện không nhiều lắm vì cũng chỉ mới đây, khách Trung Quốc lựa chọn thị trường Việt Nam là điểm đến, còn trước đó rất ít".
Chỉ ra một khó khăn khác, theo ông Mỹ, chúng ta đang tồn tại thực trạng bán giấy phép, tức là nguyên tắc phải có một công ty Việt Nam đứng ra làm tour đón khách từ Trung Quốc sang thì mới được, ở đây Trung Quốc bỏ tiền mua một công ty Việt Nam, rồi đưa vào trực tiếp, việc này đã được báo động lâu rồi".
Không lạ trước việc du khách Trung Quốc ít chi tiêu tại Việt Nam, theo ông Mỹ, thứ nhất, qua Việt Nam khách không biết mua cái gì, có nước nào xài đồ Trung Quốc nhiều như Việt Nam, chả lẽ đi mua hàng rởm của chính nước mình mang về làm quà.
Thứ hai, chúng ta quản lý kém, nên để họ tự do tung hoành, Trung Quốc chi tiêu nhiều, đi chơi đông nhất, nhưng pháp luật các nước nghiêm vẫn quản lý được. Tức là khách sang Việt Nam chưa hẳn là nghèo, nhưng vì cách làm của chúng ta còn nhiều lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ.
Phải biết cách "móc hầu bao"
Nói về tour 0 đồng hiện nay của khách Trung Quốc xuất hiện tại Việt Nam, theo ông Mỹ, bán tour 0 đồng cho du khách Trung Quốc đến Việt Nam là một hình thức kinh doanh không tốt bởi giá mua sắm, dịch vụ bị đẩy lên cao gấp 3, 4 lần.
Du lịch địa phương hầu như không được hưởng lợi, bởi toàn bộ dịch vụ phục vụ số khách này đều do doanh nghiệp Trung Quốc bao thầu. Khách được đi tham quan rất ít, chủ yếu được đưa vào các điểm mua sắm, hàng lưu niệm, ăn uống với giá cao và hiện tượng các cửa hàng chỉ bán cho khách Trung Quốc.
Bên cạnh đó là tình trạng nhồi nhét khách, giảm suất ăn chính hay thậm chí tắt điều hòa trên xe để buộc khách phải xuống điểm mua sắm... Thực trạng nêu trên không chỉ gây thất thoát nguồn thuế mà còn làm xấu hình ảnh du lịch địa phương, rộng hơn là hình ảnh du lịch Việt Nam và dẫn đến hậu quả là nhiều du khách “một đi không trở lại”.
Tuy nhiên, vấn nạn khách Trung Quốc, nước nào cũng gặp nhưng mỗi nước có cách giải quyết riêng, hợp tình, hợp lý. Lỗi này không chỉ do khách chủ quan, mà còn do chủ xuề xòa, bị động, thiếu phương án cụ thể. Chưa kể, có doanh nghiệp còn bán giấy phép cho công ty nước ngoài núp bóng nên càng khó kiểm soát.
Để giải quyết thực trạng trên, ông Mỹ nhận định: "Việt Nam cần có hướng quản lý đúng đắn để khai thác đối tượng khách tiềm năng này. Bởi theo đánh giá của thế giới, khách Trung Quốc là “sộp” nhất. Nếu làm theo “tour 0 đồng”, Việt Nam có số lượng nhưng sẽ không thu được gì vì không người Trung Quốc nào muốn sang Việt Nam mà phải bỏ tiền ra để mua đồ Trung Quốc.
Chưa kể các doanh nghiệp buôn bán cho du khách Trung Quốc mà làm ăn đàng hoàng cũng không có cơ hội “chen chân” vào mô hình khép kín kia.
Quan trọng phải là chất lượng, có những cách để họ tự nguyện móc hầu bao thì lợi ích thu về còn lớn hơn gấp nhiều lần mà vẫn giữ được hình ảnh đẹp cho du lịch Việt”.
Theo Đất Việt