Dân bị "hành" về giấy tờ
Bộ GTVT đã ra quyết định từ ngày 24/4, giảm 100% giá vé qua cầu Bến Thủy 1 cho người dân một số huyện của Hà Tĩnh và Nghệ An qua cầu Bến Thủy 1. Thế nhưng, những ngày qua, nhiều chủ phương tiện “kêu trời” vì thủ tục miễn phí BOT cầu Bến Thủy.
Theo phản ánh, từ sáng ngày 15/4, sau khi Chi nhánh BOT tuyến tránh Vinh mở cửa trở lại, hàng trăm chủ phương tiện trú ở TP Vinh, huyện Hưng Nguyên (tỉnh Nghệ An), huyện Nghi Xuân và TX.Hồng Lĩnh (tỉnh Hà Tĩnh) đã tập trung tại đây để đăng ký được cấp thẻ miễn phí qua cầu.
Tuy nhiên nhiều người bức xúc và phải ra về với lý do công chứng các giấy tờ chưa đúng chỗ (không công chứng ở địa phương sở tại).
Trao đổi với PV về vấn đề này, anh Nguyễn Hải H. (huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) cho biết, do ngày trạm BOT mở cửa trở lại để làm thủ tục cấp thẻ miễn phí cho người dân vào ngày cuối tuần nên văn phòng hành chính ở địa phương đều nghỉ. Để kịp thời gian quy định, anh đã công chứng các giấy tại một văn phòng công chức trên địa bàn TP.Vinh.
Người dân bức xúc vì các quy định về thủ tục giấy tờ tại trạm BOT. |
“Tôi không hiểu vì sao trạm BOT lại không đồng ý làm thủ tục với những giấy tờ tôi đã công chứng đầy đủ, có giá trị pháp lý đàng hoàng. Việc đi lại, chuyển đổi giấy tờ rất mất thời gian mà không cần thiết”, anh H. nhấn mạnh.
Anh Lê Văn T. (TP.Vinh, Nghệ Anh) cũng bức xúc trước các quy định khó hiểu của phía trạm BOT chi nhánh Vinh.
Theo anh T. trong hướng dẫn trước đó, phía BOT không yêu cầu cụ thể là phải công chứng ở đâu do đó người dân tiện chỗ nào làm ở đó.
“Tôi và nhiều người dân đến làm thủ tục phải ra về. Việc này hết sức đơn giản nhưng phía BOT lại làm khó người dân”, anh T. nói.
Trái chỉ đạo của Bộ GTVT?
Chiều 17/4, trao đổi với Đất Việt, ông Phạm Tiến Hưng – Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân khẳng định đã nắm được thông tin trên.
Ông Hưng cho biết, mấy ngày qua ông có được báo cáo về tình trạng người dân địa phương gặp khó khăn khi đi làm các thủ tục cấp thẻ miễn phí qua trạm BOT cầu Bến Thủy.
Theo ông Hưng, việc trạm BOT yêu cầu người dân phải công chứng ở địa phương sở tại là trái với chỉ đạo của Bộ GTVT và các quy định pháp luật hiện hành.
“Tôi mới nhận được văn bản Bộ GTVT ký hôm 13/4 về việc thực hiện cấp thẻ miễn phí qua trạm thu phí. Ở đây, Bộ chỉ yêu cầu có các bản sao giấy tờ có công chứng hoặc chứng thực đúng quy định. Ngoài ra Bộ đề nghị các địa phương cung cấp chính xác số lượng các phương tiện và hàng quý có báo cáo tăng giảm để họ theo dõi.
Tôi không hiểu sao phía BOT lại có những quy định như vậy. Quy định như vậy là gây khó dễ cho người dân, không thiện chí. Mấy hôm vừa rồi trạm thu phí không công nhận giấy tờ đó nên bà con phải về làm lại.
Tuy nhiên theo tôi, người dân ở Nghi Xuân có thể sang TP.Vinh chứng thực và có giá trị pháp lý như ở Nghi Xuân.
Khi đã ký kết, chứng thực thì người đó phải hoàn toàn chịu trách nhiệm. Chính phủ có quy định UBND các cấp có thẩm quyền chứng thực. Chữ ký của Phó Chủ tịch xã hay chủ tịch xã đóng dấu UBND cũng có giá trị pháp lý như của công chứng viên tại phòng công chứng nhà nước”, ông Hưng nhấn mạnh.
Ông Hưng cũng cho biết, sau khi có thông báo chính thức của Bộ GTVT thì dân làm việc trực tiếp với trạm BOT. Theo quy định, đến ngày 20/4 BOT phải thống kê xong và đến ngày 24/4 phải giải quyết xong các thủ tục cho người tham gia giao thông.
“Lượng người dân thuộc diện miễn giảm rất lớn, lên tới mười mấy ngàn phương tiện nhưng hiện nay phía BOT chỉ mới làm một phần nhỏ thôi, chưa làm được 50% số lượng giảm phí qua cầu Bến Thủy”, ông Hưng nói.
Cùng ngày, trao đổi thêm với PV, ông Trần Xuân Thủy - Chủ tịch UBND xã Xuân Lĩnh (huyện Nghi Xuân) cũng xác nhận người dân tại địa phương này đang làm trực tiếp thủ tục giấy tờ với phía trạm BOT để giảm phí.
Tuy nhiên ông Thủy cho biết, chưa nhận được phản ánh nào về việc bị BOT gây khó dễ khi đi công chứng các giấy tờ.
“Thực tế số xe tại địa phương cũng ít. Chúng tôi cũng mong trạm BOT giải quyết nhanh chóng để người dân được miễn giảm theo đúng quy định”, ông Thủy chia sẻ.
Theo Đất Việt