Xử lý SIM rác phải như bắt gà trong chuồng, đừng thả ra mới bắt

Thứ tư, 19/04/2017, 09:24
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Trương Minh Tuấn ví việc quản lý SIM rác phải làm như bắt gà khi chưa mở chuồng, chứ thả ra mới bắt là việc vô cùng khó khăn.

Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 18/4, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho rằng tin nhắn rác là vấn nạn khiến xã hội bức xúc thời gian qua. Bộ rất trăn trở và đang xử lý quyết liệt vấn đề này. Bộ trưởng nhận trách nhiệm cá nhân và coi đây là nhiệm vụ lớn, đảm bảo an ninh, an toàn thông tin.

Ông Trương Minh Tuấn lấy ví dụ về việc lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh từng bị tin nhắn rác khủng bố, đe dọa như một hệ quả của việc SIM rác gây mất nguy cơ an ninh, an toàn thông tin hiện nay.

Người đứng đầu Bộ TT&TT cho rằng xét về bản chất của tin nhắn rác là việc bán SIM điện thoại trả trước một cách tràn lan. Trách nhiệm thuộc về các cơ quan quản lý, trong đó có trách nhiệm của Bộ.

Việc xử lý SIM rác cần được thực hiện triệt để. Ảnh minh họa. D.S.

Theo Bộ trưởng, sở dĩ chưa giải quyết được triệt để vấn đề SIM rác là do “đụng chạm” tới lợi ích của nhiều bên. "Nhà mạng được hưởng lợi vì SIM rác giúp phát triển lượng thuê bao di động. Đại lý khai báo thông tin không chính xác, duy trì SIM thì có mức doanh số nhất định. Người dùng thì được hưởng lợi từ SIM do có khuyến mại nhiều", ông nói. Bộ trưởng cho rằng đây là hệ lụy tất yếu của nền kinh tế thị trường.

Ông cũng nhấn mạnh quan điểm của Bộ không còn coi số lượng thuê bao là thành tích của các mạng viễn thông bởi với hơn 92 triệu dân, chúng ta đã có hơn 131 triệu sim thuê bao.

Hơn nữa, việc SIM rác và tin nhắn rác tràn lan làm lãng phí tài nguyên kho số của quốc gia. Ông cho rằng tài nguyên kho số cũng như tài nguyên đất đai, khoáng sản… nếu sử dụng tràn lan sẽ dẫn tới cạn kiệt nguồn tài nguyên kho số. Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nhấn mạnh trong thời gian tới, đất nước bước vào thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ 4, tài nguyên kho số lại càng đóng vai trò quan trọng.

Nói về việc xử lý tình trạng tin nhắn rác và SIM rác, ông cho biết trong thời gian qua, Bộ đã thu hồi hơn 20 triệu SIM rác và xử lý nhiều đại lý. Tuy nhiên, cách làm này vẫn chưa đạt hiệu quả do không chỉ giải quyết được phần ngọn.

Theo ông, việc giải quyết SIM rác và tin nhắn rác phải chặn từ nguồn. Bộ trưởng ví như việc bắt gà khi còn ở trong chuồng, nếu thả ra mới bắt là việc vô cùng khó khăn. Theo đó, Bộ sẽ xử lý nhà mạng đầu tiên, coi như chặn từ nguồn ra đó là nhà mạng.

Số SIM rác của các nhà mạng bị thu hồi tính đến tháng 3/2017 sau 3 đợt ra quân. Đồ họa: Ngô Minh.

Bộ sẽ quy trách nhiệm cho các nhà mạng nếu ra tình trạng còn tồn tại SIM rác và tin nhắn rác. Nếu việc sử lý không hiệu quả sẽ xem xét trách nhiệm của người đứng đầu.

Bộ trưởng xác định rõ vai trò quan trọng của nhà mạng. Gốc vấn đề là nhà cung cấp dịch vụ, quản lý nhà phân phối. Nếu có giải pháp, chính sách, chế tài, thưởng phạt nghiêm minh thì sẽ giải quyết triệt để vấn đề trên.

Biện pháp thứ hai là Bộ TT&TT cũng phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tài chính để đề xuất cấp thẩm quyền quy định nâng cao mức phạt. “Hôm qua, ở Nghệ An có doanh nghiệp viễn thông bán SIM kích hoạt sẵn trên thị trường. Bộ sẽ phối hợp Bộ Công an xử lý, phối hợp Bộ Tài chính nâng mức phạt”, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nhấn mạnh.

Biện pháp thứ ba là cần phải tăng cường khuyến khích người dùng sử dụng SIM trả sau, tăng cường việc thu hồi SIM 11 số.

Ghi nhận quyết tâm và nỗ lực của Bộ trưởng, đại biểu chất vất thêm về các giải pháp của Bộ trưởng với các nhà mạng.

Nhắc lại quan điểm trước đó, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn lấy ví dụ một số giải pháp để chặn nguồn phát tán tin rác từ đầu nguồn là SIM rác. Ông nhấn mạnh Bộ đang phối hợp với Bộ Tài chính, bên cạnh phạt hành chính các nhà mạng vi phạm, sẽ nâng mức truy thu thuế với các doanh nghiệp này.

Theo Zing

Các tin cũ hơn