Xin thôi chức chủ tịch, đi đòi nợ đại gia vàng Bồng Miêu

Thứ năm, 20/04/2017, 09:24
Mặc dù được “bơm tiền” bảo lãnh để Công ty Vàng Phước Sơn sống sót, tuy nhiên, chủ nợ kiên quyết khởi kiện ra tòa khiến công ty phá sản. Hàng trăm chủ nợ, trong đó có cả chủ tịch thị trấn, phải xin từ chức để đi đòi nợ.

Đại gia vàng “nợ như chúa chổm”

Không phải đến khi TAND tỉnh Quảng Nam ra quyết định mở thủ tục phá sản đối với Công ty TNHH Vàng Phước Sơn (Vàng Phước Sơn) ngày 24/3/2017 khiến nhiều chủ nợ điêu đứng, mà trước đó nhiều năm, hơn 100 chủ nợ đã mất ăn mất ngủ kéo đến trụ sở của đại gia vàng này để đòi nợ nhưng bất thành.

Ông Đỗ Ngọc Thắng, nguyên Chủ tịch UBND thị trấn Khâm Đức (huyện Phước Sơn) đã phải làm đơn từ chức chủ tịch hồi năm 2014 để cùng vợ là giám đốc công ty Quảng An, đi đòi nợ.

Một hầm lò khai thác tại mỏ Đắk Sa của đại gia vàng Bồng Miêu

Số tiền mà Công ty vàng Phước Sơn nợ công ty Quảng An lên tới 17,5 tỷ đồng, song đến nay vẫn chưa trả đồng nào khiến gia đình ông Thắng lâm vào cảnh điêu đứng.

Bởi, đây là số tiền gia đình ông Thắng phải vay nợ khắp nơi để thực hiện những hợp đồng xây dựng, cung ứng cho Công ty vàng Phước Sơn trước đó.

Không chỉ ông Thắng, hàng chục người khác tại huyện Phước Sơn cũng khốn khổ trong việc đòi nợ đại gia vàng này.

Ông Lý Minh Tám, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Lý Châu Giang (thị trấn Khâm Đức), cho biết Vàng Phước Sơn đang nợ công ty ông hơn 1,5 tỷ đồng.

Còn bà Lê Thị Đô, chủ khách sạn Trung Đô nhẩm tính, riêng tiền ăn ở, lưu trú của cán bộ công ty từ năm 2013 chưa thanh toán đã là 197 triệu đồng.

Mới đây, bà Đô nhận được thông báo của TAND tỉnh Quảng Nam yêu cầu gửi giấy đòi nợ đối với Công ty Vàng Phước Sơn. Nhưng bà lo lắng chắc gì đã đòi được nợ, lại còn tốn tiền án phí nên bà chưa gửi.

Thống kê ban đầu hiện trên địa bàn huyện Phước Sơn, Công ty Vàng Phước Sơn đang nợ các doanh nghiệp và người dân trên địa bàn số tiền khoảng 22 tỷ đồng.

Còn theo cơ quan chức năng Quảng Nam, công ty này còn nợ hơn 140 đối tác trong và ngoài nước, từ nhiều năm nay.

“Hội nghị” chủ nợ để tìm hướng xử lý

Sau khi TAND tỉnh Quảng Nam ra quyết định mở thủ tục phá sản đối với Công ty vàng Phước Sơn, nhiều chủ nợ tỏ ra bất ngờ và lo lắng có thể không đòi được nợ.

Chủ nợ lớn nhất của Công ty vàng Phước Sơn chính là Cục Thuế Quảng Nam, với khoản nợ thuế kéo dài nhiều năm lên đến 335 tỷ đồng. Sau nhiều biện pháp chế tài đã buộc đại gia vàng này phải trả nợ dần, bắt đầu từ 19/7/2016.

Đến nay, số nợ thuế đã thanh toán được 224 tỷ đồng, hiện vẫn còn nợ 91 tỷ đồng.

Nhà máy chế biến vàng ở Bồng Miêu

Ngay sau khi có cam kết trả nợ thuế và đại gia ngân hàng bơm tiền để tái cơ cấu, Công ty vàng Phước Sơn đưa mỏ vàng Đăk Sa vào hoạt động trở lại vào 8/2016, với điều kiện 100% sản phẩm vàng khai thác phải xuất khẩu.

Nhưng, Ngân hàng Nhà nước hiện vẫn chưa đồng ý cấp giấy phép xuất khẩu cho Vàng Phước Sơn do tình trạng nợ nần của công ty.

Do không đòi được khoản nợ 19 tỷ đồng, Công ty CP Tư vấn và kỹ thuật Abel Việt Nam (Abel Việt Nam) khởi kiện Vàng Phước Sơn ra tòa, khiến TAND tỉnh Quảng Nam phải ra quyết định về việc mở thủ tục phá sản đối với công ty.

Người trực tiếp thụ lý và ra quyết định, Thẩm phán Cao Thị Huyền, khẳng định: Xét thấy có căn cứ chứng minh Công ty THNH Vàng phước Sơn mất khả năng trả nợ nên Tòa ra quyết định mở thủ tục phá sản công ty theo đúng quy định của pháp luật.

Hiện TAND tỉnh Quảng Nam đã gửi thông báo đến hơn 140 chủ nợ của Công ty Vàng Phước Sơn, yêu cầu họ gửi giấy đòi nợ. Sau khi tập hợp đầy đủ số chủ nợ, TAND tỉnh sẽ triệu tập “hội nghị” chủ nợ để xem xét trước khi tuyên bố phá sản theo luật định

Theo bà Huyền, với trường hợp này cần có thời gian và xem xét cụ thể theo đúng tình tự pháp luật.

Mới đây, ngày 10/4/2017, trên trang web của của Tập đoàn Besra - công ty mẹ của Công ty Vàng Phước Sơn và Bồng Miêu - đã chính thức thông báo ký thỏa thuận bán tất cả hai công ty này cho một công ty mới được thành lập ở Úc.

Tập đoàn Besra đã khai thác tại hai mỏ vàng lớn nhất Việt Nam hơn 10 năm nay. Mặc dù khai thác hàng tấn vàng, nhưng 2 đại gia vàng đều báo lỗ. Trong đó, công ty vàng Bồng Miêu đã báo lỗ lũy kế 30,1 triệu USD (tương đương khoảng 673 tỉ đồng) vào giữa năm 2014, trong khi vốn điều lệ chỉ có 3 triệu USD.

Còn công ty vàng Phước Sơn cũng có mức lỗ lũy kế gần 16 triệu USD (tương đương gần 360 tỉ đồng) trong khi vốn điều lệ là 5 triệu USD.

Điều nghịch lý là, tuy báo lỗ triền miên nhưng họ không hề có ý định đóng cửa mà ngược lại còn xin gia hạn giấy phép khai thác vàng.

Hiện mỏ vàng Bồng Miêu của Công ty khai thác vàng Bồng Miêu đã bị đóng cửa. Còn Công ty khai thác vàng Phước Sơn đã bị tòa ra quyết định mở thủ tục phá sản. Nhiều chủ nợ của 2 đại gia vàng như ngồi trên đống lửa.

Ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết, ông mới nghe thông tin về việc Công ty Vàng Phước Sơn bị mở thủ tục phá sản nhưng chưa được cơ quan chức năng báo cáo cụ thể.

“Đến nay, công ty chưa đề nghị gì đối với UBND tỉnh Quảng Nam. Tỉnh sẽ nắm lại tình hình để có hướng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để xử lý số nợ” - ông Thu nói.

Theo Vietnamnet

Các tin cũ hơn