Tập đoàn Exxon Mobil xin được làm ăn lại với Nga

Thứ năm, 20/04/2017, 10:48
Tập đoàn dầu khí Exxon Mobil đã đệ đơn lên Bộ Tài chính Mỹ, xin được miễn trừ khỏi các lệnh trừng phạt kinh tế mà Mỹ hiện đang áp lên Nga.

Trong một bức ảnh của năm 2012, Tổng thống Nga Putin (giữa) gặp gỡ với ông Igor Sechin (trái) là giám đốc điều hành tập đoàn Rosneft và ông Rex W. Tillerson (phải), khi đó là giám đốc điều hành tập đoàn Exxon Mobil - Ảnh: Reuters

Báo Wall Street Journal (WSJ) ngày 19-4 cho biết tập đoàn năng lượng Mỹ, từng do đương kim Ngoại trưởng Rex Tillerson điều hành, đã nộp đơn xin được cấp phép trở lại cho việc hợp tác làm ăn với tập đoàn dầu khí Rosneft của Nga.

Báo New York Times (NYT) dẫn nguồn tin từ một cựu quan chức Bộ Ngoại giao cho biết có sự việc này và một quan chức khác trong ngành dầu khí cũng đã xác nhận thông tin đó là đúng.

Cũng theo NYT, một số quan chức chính quyền cho biết đơn xin miễn khỏi lệnh trừng phạt của tập đoàn Exxon đã được đệ trình từ thời tổng thống Barack Obama, và Exxon vẫn chưa từ bỏ đề nghị đó.

Tập đoàn Exxon mong muốn được chính quyền của Tổng thống Trump cho phép tiếp tục trở lại hoạt động khai thác cùng tập đoàn Rosneft tại Biển Đen.

Cũng theo tờ WSJ, để ra quyết định về việc "miễn trừ" liên quan tới lệnh trừng phạt đó, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng sẽ góp một tiếng nói quan trọng.

Kiến nghị của tập đoàn Exxon đã không được nêu ra trong các phiên điều trần ở Thượng viện để thông qua vị trí Ngoại trưởng cho ông Rex W. Tillerson, sếp cũ của Exxon Mobil.

Một quan chức ngành dầu khí chia sẻ thông tin với NYT cho biết, trong đơn xin miễn trừ khỏi lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ với Nga đệ trình từ năm 2015, tập đoàn Exxon cho biết họ có thể bị mất các quyền khai thác theo hợp đồng tại Biển Đen nếu không bắt đầu triển khai các hoạt động khai thác vào cuối năm 2017.

Và nếu thế, các công ty châu Âu, cụ thể là tập đoàn Eni, một tập đoàn dầu khí của Ý có thể sẽ giành được công việc này.

Theo các chuyên gia năng lượng quốc tế, các lệnh trừng phạt kinh tế của châu Âu áp dụng với Nga không bao gồm một số hợp đồng mà các tập đoàn của họ đã ký trước đó với Nga. Tuy nhiên các lệnh trừng phạt của Mỹ có phạm vi áp dụng cứng rắn hơn.

Mỹ và châu Âu áp các lệnh trừng phạt với Nga từ tháng 3-2014 sau khi Matxcơva sát nhập Crimea vào lãnh thổ của mình.

Theo TTO

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích