Ai chịu trách nhiệm nếu xảy ra căng thẳng trạm phí BOT?

Thứ năm, 20/04/2017, 10:54
Tại toạ đàm “Giải pháp nào giải quyết căng thẳng trạm thu phí?” do báo Tiền phong tổ chức ngày 19/4 nhiều ý kiến nhận định, tình hình căng thẳng tại các trạm thu phí tiếp tục diễn ra và cần xác định các cơ quan trực tiếp chịu trách nhiệm, xử lý?  

Sau cầu Bến Thuỷ, tình trạng tập trung đông người phản đối trạm thu phí tiếp tục xảy ra tại trạm Cầu Rác (Hà Tĩnh).

Như PV phản ánh, trong sự việc người dân tập trung đông người kéo dài nhiều tháng, nổi cộm tại trạm thu cầu Bến Thuỷ, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình đã phê bình Bộ GTVT và UBND tỉnh Hà Tĩnh vì chậm trễ giải quyết nguyện vọng của người dân, làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự an toàn xã hội.

Chỉ vài ngày sau, Bộ GTVT lập tức cử thứ trưởng Lê Đình Thọ vào làm việc với UBND tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An và quyết định không thu phí qua trạm đối với người dân 4 huyện/thị lân cận cầu Bến Thuỷ. Nhờ đó, tình hình phức tạp tại cầu Bến Thuỷ tạm thời được giải quyết.

Nhưng ngay sau đó, người dân xung quanh trạm thu phí cầu Rác (tại huyện Cầu Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) đã tập trung đông người yêu cầu miễn phí, uy hiếp tình hình an ninh trật tự, an toàn giao thông.

Tại buổi toạ đàm, các nhà đầu tư BOT cho rằng, thời gian qua, có hiện tượng các bộ ngành và địa phương “bỏ rơi” nhà đầu tư, đặc biệt trong việc giải quyết các bức xúc, để doanh nghiệp đối diện trực tiếp với người dân. Nhiều nhân viên thu phí bị đánh, bị chửi bới, tâm lý không ổn định, nhà đầu tư mất niềm tin.

Cụ thể, Bộ GTVT chậm ban hành chính sách miễn giảm đối với người dân quan trạm nên nhà đầu tư phải tự bỏ chi phí miễn giảm cho người dân (đơn cử, các năm qua, Cienco 4 – nhà đầu tư BOT từ Vinh – Hà Tĩnh bỏ ra khoảng 4 tỷ đồng/năm).

Việc Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Khánh có công văn đề nghị thay đổi vị trí trạm thu phí cũng thể hiện sự thiếu nhất quán trong quan điểm ở địa phương (trước đó, vị trí đặt trạm đã được lãnh đạo UBND tỉnh Hà Tĩnh nhiệm kỳ trước đồng ý).

Ông Nguyễn Tuấn Huỳnh,Tổng giám đốc Cienco 4 còn cho hay, khi tiến hành miễn phí, nhà đầu tư đề nghị UBND tỉnh Hà Tĩnh cung cấp danh sách các đối tượng được miễn giảm nhưng nhận được trả lời đây là trách nhiệm của nhà đầu tư nên việc giải quyết triển khai chậm, phát sinh căng thẳng.

Nói về trách nhiệm, ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ đối tác công tư (Bộ GTVT) cho biết với trách nhiệm của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong dự án BOT, Bộ GTVT “không bỏ rơi và không thể bỏ rơi” nhà đầu tư.

Bộ GTVT đã lên kế hoạch xây dựng chính sách để miễn, giảm phí cho tất cả các trạm thu phí theo hướng: Sẽ miễn phí hoàn toàn với người dân gần trạm và giảm phí đối với người dân xa trạm.

Tuy nhiên, ông Huy cho rằng, để giải quyết cụ thể cần có vai trò của địa phương. “Bộ có trách nhiệm nhưng Bộ ở Hà Nội, nước xa không cứu được lửa gần nên địa phương cần chủ động vào cuộc để cùng nhà đầu tư tháo gỡ, giải quyết bức xúc của người dân” – ông Huy cho biết.

Tại toạ đàm, Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng – Uỷ viên thường trực Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội  và chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh và cho rằng, người dân tập trung phản đối vừa qua chủ yếu là người dân gần trạm thu phí, các lái xe vận tải đường dài không tham gia, cần giải quyết rốt ráo để tránh việc các đối tượng xấu kích động làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự an toàn giao thông. Hai diễn giả cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến các bức xúc của người dân là việc lập dự án, chọn địa điểm thu phí không lấy ý kiến người dân và cần có chính sách để khắc phục vấn đề này. 

Theo Tiền Phong

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích