Theo đó, cơ cấu giá thành được tính dựa trên các yếu tố chi phí nhiên liệu, doanh thu/ghế/km và chi phí/ghế/km…
Nếu bỏ hẳn chi phí nhiên liệu (có nhiều nước trợ giá xăng dầu) mà chỉ tính chi phí hoạt động, hiện tại Vietjet Air đứng trong top 5 hãng hàng không có cơ cấu giá thành tốt nhất thế giới. Nếu tính trong khu vực, hãng cho hay chỉ thua Air Asa của Malaysia…
Ông Lưu Đức Khánh, Giám đốc điều hành VJC, chia sẻ rằng với cơ cấu giá thành này, doanh nghiệp coi đây là thế mạnh để cạnh tranh không chỉ trong ngắn hạn và về lâu về dài. "Mặc dù mức giá này sẽ được điều chỉnh theo quy luật cung cầu, rõ ràng chúng tôi muốn lấy cơ cấu giá là mục tiêu dài hạn để hướng tới", ông nói.
Với tình hình kinh doanh như hiện tại và là ngành kinh doanh đặc thù không có chi phí về tồn kho hay các khoản phải thu như các đơn vị kinh doanh khác, lượng tiền mặt thu về của VJC là rất lớn. Theo tính toán của lãnh đạo VJC, nếu chia trung bình cho 365 ngày trong năm, mỗi ngày, VJC thu về 80 tỷ đồng tiền mặt.
Việc bán hàng tốt được VJC cho biết đang giúp hãng thu về lượng tiền mặt lớn.Ảnh minh họa. |
Theo báo cáo hoạt động kinh doanh năm 2016 và định hướng năm 2017 của HĐQT, sau hơn 5 năm hoạt động trong lĩnh vực hàng không, VJC đã vận chuyển 34,05 triệu lượt khách, khai thác 204.356 chuyến bay với hơn 60 đường bay nội địa và quốc tế, vận chuyển 158.127 tấn hàng hóa.
Vốn cổ phần của công ty tăng từ 600 tỷ năm 2012 lên 3.000 tỷ năm 2016 (gấp 5 lần) và vốn chủ sở hữu tăng lên 4.734 tỷ đồng (12,7 lần) sau 5 năm, phần lớn từ nguồn lợi nhuận sau thuế.
Doanh thu vận chuyển hành khách tăng trưởng bình quân hơn 70% hàng năm trong giai đoạn 2012-2016. Chỉ tiêu về khả năng sinh lời trong năm 2016 cải thiện mạnh so với năm 2014.
Kết quả kinh doanh của VJC. Đồ họa: Quang Thắng. |
Kết thúc năm 2016, VJC đạt 27.499 tỷ đồng doanh thu và đạt 2.496 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, vượt 9% kế hoạch đề ra.
Về kế hoạch kinh doanh năm 2017, VJC đặt mục tiêu doanh thu 42.018 tỷ đồng (tương đương hơn 1,8 tỷ USD); lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 3.629 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu đạt 9.094 tỷ đồng.
Dự kiến đến cuối năm 2017, hãng sẽ khai thác 51 tàu bay với tổng số 98.124 chuyến bay và dự kiến vận chuyển 17 triệu hành khách.
Tăng room khối ngoại lên 49%
Theo quy định của pháp luật hiện hành, tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu của nhà đầu tư nước ngoài tại các hãng hàng không nội địa tối đa là 30%.
HĐQT VJC nhận thấy việc tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài là cơ hội tốt để tăng tính thanh khoản giao dịch, tạo điều kiện thu hút đầu tư và tăng khả năng huy động vốn cho công ty.
HĐQT VJC đã quyết định trình cổ đông thông qua chủ trương mở rộng giới hạn tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu của nhà đầu tư nước ngoài lên tối đa 49% và ủy quyền cho HĐQT tiến hành làm việc với các cơ quan chức năng để xin phép và thực hiện các thủ tục cần thiết có liên quan.
Trả lời cổ đông hỏi về việc giải quyết vấn đề quá tải hạ tầng hàng không có gây áp lực nhiều cho VJC khi có kế hoạch mở rộng quy mô đội bay, bà Thảo cho rằng sự quá tải của sân bay như là một bước phát triển của nền kinh tế.
"Không một thành phố nào có nền kinh tế phát triển mà sân bay thông thoáng cả. Hiện tại Việt Nam cũng chỉ quá tải ở 3 sân bay là Tân Sơn Nhất, Nội Bài và Cam Ranh, còn lại 22 sân bay khác vẫn chưa hoạt đọng hết công suất. Đây là cơ hội để VJC khai thác", lãnh đạo VJC chia sẻ.
Theo bà, với thực trạng này, bản thân các hãng cũng cần phải tự giải quyết bài toán cho mình, bằng cách đầu tư vào hạ tầng nhà ga hàng không, rồi mới nghĩ đến những chuyện to tát hơn là giảm thiểu tình trạng quá tải của sân bay.
Mở học viện đào tạo nhân lực hàng không
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO Vietjet Air, đã có trao đổi bên lề với Zing.vnvề kế hoạch mở học viện đào tạo nhân lực hàng không trong khi doanh nghiệp của bà là một hãng bay còn mới.
Bà cho biết nguồn nhân lực là một trong hai chiến lược được công ty tập trung đầu tư để phát triển lâu dài ổn định. Theo kế hoạch, chương trình học viện không chỉ cung cấp cho nhu cầu của công ty mà còn cho các hãng khác trên thế giới.
Chương trình được hỗ trợ bởi các nhà sản xuất động cơ, học viện chuyên môn trên thế giới. Bằng cấp, chứng chỉ được quốc tế công nhận.
“Nhu cầu về đào tạo kỹ sư điều phối bay, phi công và nhân viên hàng không rất cao. Chúng tôi nghĩ rằng đây là hoạt động mang lại hiệu quả. Cụ thể, hoạt động đào tạo mới bắt đầu năm 2016 đã mang về thu nhập khoảng 3 triệu USD", bà nói.
Theo Zing