Hiện nay trạm BOT trên quốc lộ dày đặc, xe lăn bánh là phải nộp phí. Tuy nhiên, có thực trạng trạm thu phí đặt “nhầm chỗ” nên người dân đi một đường lại phải nộp phí một nẻo, không đi cũng phải nộp phí. Rõ ràng, sự bức xúc của người dân là chính đáng và cần được giải quyết.
Trao đổi với PV, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường thừa nhận hiện có trạm thu phí đặt “nhầm chỗ”, đặt trạm trên tuyến này để thu hộ phí cho tuyến khác.
“Nếu chuyển trạm thu phí đi sẽ rất tốn kém, trong khi đó thời gian thu phí hoàn vốn chỉ còn lại ít năm. Việc chuyển 1 trạm thu phí mất cả trăm tỷ đồng nhưng thời gian thu phí còn lại chỉ còn khoảng 40 tỷ đồng. Vì vậy nên chọn phương án đợi cho thời gian thu phí hết đi rồi xóa bỏ trạm” - Thứ trưởng Trường cho biết.
Lãnh đạo Bộ GTVT cũng thông tin thêm rằng vấn đề này đã được cấp Chính phủ trả lời, đổi lại cho việc người dân Hà Nội phải gánh phí cho người dân Vĩnh Phúc thì Chính phủ sẽ bù đắp bằng cách đầu tư cho TP Hà Nội nhiều công trình hạ tầng khác để người dân được hưởng thụ tốt hơn.
“Hiện Bộ GTVT đã giải quyết được khoảng 98% tình trạng trạm thu phí đặt “nhầm chỗ” trên toàn quốc. Bộ GTVT đang phấn đấu để không còn tình trạng này và cố gắng giải quyết dứt điểm trong năm 2017” - Thứ trưởng Trường khẳng định.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường: "Bộ GTVT đang cố gắng giải quyết xong tình trạng trạm thu phí đặt nhầm chỗ trong năm 2017". |
Cũng liên quan đến vấn đề thu phí BOT, tại buổi tọa đàm “Giải pháp giải quyết bất cập về trạm thu phí” ngày 19/4, ông Nguyễn Danh Huy - Vụ trưởng Vụ Đối tác công tư (PPP), Bộ GTVT - đề cập tới sự tiếp cận chưa toàn diện về BOT nên dẫn tới hiểu sai.
“BOT phức tạp nên chúng ta rất khó có thể luận giải một cách rõ ràng. Trên thế giới, có 2 hình thức thu phí kín và hở. Về vấn đề làm BOT trên đường cũ, ở Mỹ cũng có. Đã thu phí lượt, phí hở thì chắc chắn sẽ có bất cập là không thể mang lại sự công bằng tuyệt đối cho tất cả các đối tượng. Người làm chính sách, nếu làm tốt thì phải mang lại lợi ích cho đại đa số người dân” - ông Huy nói.
Theo Vụ trưởng PPP, phản ánh của người dân có lý nhưng cần sự chia sẻ chung. Người dân bị bất cập nhưng nhà đầu tư cũng bất cập. Do đó nhà đầu tư và doanh nghiệp cần có sự chia sẻ với những khó khăn của đất nước, không thể công bằng một cách tuyệt đối được. Trước đây có trạm thu phí nhưng không ai phản đối, người dân khi đó rất chia sẻ với Chính phủ. Nay cách tiếp cận của chúng ta với BOT chưa toàn diện nên giờ đây người dân nói là nhà đầu tư lãi khủng, họ không còn niềm tin nữa.
Nói về các trạm thu phí đặt ngoài vị trí dự án, ông Nguyễn Danh Huy cho biết gồm trạm Bắc Thăng Long - Nội Bài (Hà Nội) thu phí hoàn vốn cho đường tránh TP Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc), trạm ở Bỉm Sơn (Thanh Hóa), thu phí Quốc lộ 5 hoàn vốn cho đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.
Xe đi qua trạm Bắc Thăng Long - Nội Bài phải thu phí hoàn vốn cho dự án BOT tuyến tránh TP.Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc |
Theo ông Huy, đã thu phí thì đều có bất cập cả. Ngay từ lúc làm, Bộ Tài chính cũng dự liệu một số bất cập và đưa ra một số biện pháp như dùng vé tháng, giải quyết vấn đề bất cập cần có thời gian, không thể giảm phí ngay mà phải có quy trình.
“Về giải pháp lâu dài để giải quyết tình trạng bức xúc tại tram thu phí hiện nay, Bộ GTVT sẽ cùng các Bộ ngành liên quan, nhà đầu tư, ngân hàng xây dựng một chính sách chung theo hướng miễn giảm cho người dân xung quanh trạm thu phí tuỳ khoảng cách và mức độ. Chẳng hạn như cách trạm thu phí bao nhiêu km sẽ được miễn hoàn toàn, cách bao nhiêu km sẽ được miễn 70%, 50% hay 20% trạm thu phí…” - ông cho biết thêm.
Theo Dân Trí