Con đường tơ lụa Trung Quốc đứt đoạn đầu tiên?

Thứ năm, 20/04/2017, 16:31
Dù mâu thuẫn, Trung Quốc vẫn mời Ấn Độ tham gia vào đại kế hoạch "Một vành đai- Một con đường" nhưng bị từ chối thẳng thừng.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hôm 18/4 tuyên bố mời Ấn Độ tham gia và trở thành thành viên của cộng đồng doanh nghiệp và tài chính nước này tham gia hội nghị  'Con đường tơ lụa mới' hay sáng kiến 'Một vành đai, một con đường' (OBOR).

Ấn Độ sẽ là một trong số 92 quốc gia có thể đưa đại diện chính thức tham dự diễn đàn về đại kế hoạch trên sẽ được tổ chức vào ngày 14/5 tới.

Thủ tướng Ấn Độ sẽ không tham gia vào hội nghị OBOR.

Lời mời Ấn Độ tham gia đại dự án của Trung Quốc được đưa ra giữa lúc Bắc Kinh và New Delhi bất đồng vì chuyến viếng thăm của Đức Đạt Lai Lạt Ma đến Tawang thuộc bang Arunachal Pradesh ở Ấn Độ, nơi mà Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền lãnh thổ.

Cùng với lời mời tham gia OBOR, Ngoại trưởng Vương Nghị cũng nhắc lại quan điểm của Trung Quốc "không chính trị hóa" đối với việc mở Hành lang kinh tế Trung Quốc- Pakistan đi qua khu vực Kashmir mà Ấn Độ và Pakistan đang tranh chấp.

Điều này đã cho thấy vị trí chiến lược của Ấn Độ mà Trung Quốc cố gắng tìm cách kiềm chế các vấn đề dễ gây căng thẳng để tìm cách đưa bằng được New Delhi vào đại kế hoạch.

Dẫu thể hiện sự nhiệt tình như vậy, Ấn Độ đang thể hiện không mấy mặn mà với dự án kinh tế lớn của Trung Quốc- quốc gia mà từ lâu New Delhi đã muốn thay thế nền kinh tế của Trung Quốc ở châu Á.

Jagannathe Panda, thành viên cao cấp của Viện Nghiên cứu và Phân tích Quốc phòng của Ấn Độ cho biết, nước này có nhiều khả năng từ chối đại kế hoạch kinh tế của Bắc Kinh.

“Sáng kiến OBOR hấp dẫn về mặt thương mại, nhưng chúng tôi sẽ không tham gia vì lý do chính trị. Nếu chúng tôi tham gia, thì điều này sẽ đồng nghĩa với việc từ bỏ chủ quyền đối với Kashmir, một vị trí chiến lược hiện vẫn do Pakistan quản lý”, ông Panda nói.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cũng vắng mặt tại hội nghị tháng sau dù hội nghị này hội tụ đầy đủ những khách mời tham dự thân Trung Quốc như Nga, Pakistan, Philippines, Malaysia, Campuchia...

OBOR bao gồm việc xây dựng một nhóm các kết nối hạ tầng giữa Trung Quốc, Nga, Trung Á và Ấn Độ Dương. Một loạt các cảng và các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng đi kèm dọc Ấn Độ Dương được gọi là Con đường tơ lụa trên biển (MSR), bổ sung con đường hàng hải cho các kết nối trên đất liền với Ấn Độ Dương.

Ấn Độ thực chất không mặn mà với Con đường tơ lụa trên biển MSR do quan ngại an ninh từ sự hiện diện của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương. Hồi tháng 6/2015, Thư ký Ngoại giao Ấn Độ S Jaishankar đã gọi MSR là: “một sáng kiến đa quốc gia của Trung Quốc được thiết kế để gắn kết lợi ích của quốc gia này và các quốc gia khác không có nghĩa vụ phải chấp nhận nó".

Với tiềm năng kinh tế và vị trí địa lý của Ấn Độ, Con đường tơ lụa trên biển của Trung Quốc sẽ không có khả năng thành hiện thực nếu thiếu New Delhi.

Ấn Độ có những mối quan ngại an ninh về việc xây dựng các tuyến đường nối Trung Quốc với các tiểu bang ở đông bắc do tiềm tàng nguy cơ Trung Quốc “thuộc địa hóa” trên thực tế khu vực còn chưa phát triển về mặt kinh tế này.

Con đường tơ lụa Trung Quốc sẽ gặp trắc trở.

Hiện Trung Quốc đã đang bồi lấp biển ở Sri Lanka nhằm biến thành phố ven biển ở quốc gia này thành một trung tâm thương mại của thế giới với tên gọi "thành phố cảng Colombo". Dự án này có trị giá 1,4 tỉ USD, với quy mô 233 ha được thực thi bằng nguồn đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) của Trung Quốc.

Điều đáng ngại là những dự án thương mại này có thể phục vụ cho các mục đích khác, ví dụ như quân sự. Và mối lo ấy càng được xác thực khi tàu ngầm và tàu chiến Trung Quốc được triển khai tới Cảng Nam Colombo vào năm 2014.

Điều này ắt hẳn đã khiến Ấn Độ bất bình và thêm vào danh sách những lý do không nhiệt tình tham gia vào đại dự án con đường thương mại kéo dài từ châu Á sang châu Phi của Bắc Kinh.

Nếu Ấn Độ thực sự không mặn mà hoặc cho rằng OBOR là chiến lược thâu tóm và bành trướng sức mạnh của Trung Quốc trên khắp châu lục, thì khi đó “siêu dự án” này có thể thành công ở nhánh khác nhưng ở nhánh Nam Á xem ra khó trở thành hiện thực.

Con đường tơ lụa gập ghềnh

Cùng với sự từ chối của Ấn Độ, các nước phương Tây cũng không mấy mặn mà với đại dự án này.

Chỉ có một lãnh đạo nước lớn phương Tây sẽ tham dự sự kiện ngoại giao về chiến lược OBOR.

Reuters dẫn các nguồn tin ngoại giao ở Bắc Kinh nói Trung Quốc hy vọng ít nhất một số lãnh đạo nước lớn phương Tây sẽ tham dự, bao gồm Thủ tướng Anh Theresa May. Nhưng danh sách các nước tham dự được Ngoại trưởng Vương Nghị công bố chỉ có một lãnh đạo từ nhóm các nước phát triển G7 là Thủ tướng Ý Paolo Gentiloni.

Châu Âu không mấy mặn mà với Con đường tơ lụa mới.

Khi được hỏi Trung Quốc có thất vọng vì sự vắng mặt của hầu hết các lãnh đạo phương Tây hay không, ông Vương nói: “Đây là thỏa thuận kinh tế mang tính hợp tác, tích cực và chúng tôi không muốn chính trị hóa nó”.

Ông cũng khẳng định, Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond đại diện Thủ tướng May trong khi Đức và Pháp cũng cử các đại diện cấp cao thay mặt nguyên thủ.

Trong khi Trung Quốc ra sức tuyên truyền rằng sáng kiến “Con đường tơ lụa mới” là nỗ lực thực tâm nhằm chia sẻ những thành tựu phát triển của nền kinh tế số 2 thế giới và tài trợ cho các thiếu hụt hạ tầng, nhiều nước phương Tây quan ngại về sự thiếu cụ thể, thiếu minh bạch của dự án và nghi ngờ ý đồ chính trị sâu xa hơn của Trung Quốc.

Theo Đất Việt

Các tin cũ hơn