Đưa tàu sân bay tới Triều Tiên, Mỹ gửi thông điệp mạnh mẽ tới Trung Quốc

Thứ năm, 20/04/2017, 09:55
Mục đích của cuộc phô trương sức mạnh Hải quân của Mỹ là nhằm gây sức ép lên Trung Quốc và Triều Tiên, dọn đường cho sự trở lại vùng Viễn Đông như tham vọng của chính quyền Tổng thống Donald Trump.  

Nhiều dụng ý từ hành động đưa tàu sân bay tới Bán đảo Triều Tiên của Mỹ. Ảnh: US Navy

Tại cuộc thảo luận về vấn đề Triều Tiên với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hôm 19/4, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence khẳng định Washington cũng như Tokyo cam kết giải quyết căng thẳng trong khu vực bằng biện pháp hòa bình.

Tuy nhiên, Phó Tổng thống Mỹ cũng nhấn mạnh rằng “hòa bình đạt được bằng vũ lực, và kỷ nguyên ‘sự kiên nhẫn chiến lược’ của Washington đối với Bình Nhưỡng đã chấm hết”.

Ông Pence cũng kêu gọi chính quyền Triều Tiên không nên thử thách mức độ quyết đoán của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Phó Tổng thống Pence cũng bày tỏ ý định của Mỹ trong việc hợp tác với Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc để giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên.

Thủ tướng Nhật Bản và Phó Tổng thống Mỹ nhất trí tranh thủ sự tham gia nhiều hơn của Bắc Kinh trong việc kiềm chế chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng.

Mỹ lộ ý định trở lại vùng Viễn Đông

Chuyến công du châu Á của Phó Tổng thống Pence diễn ra trùng với giai đoạn khủng hoảng gay gắt nhất xung quanh vấn đề hạt nhân của Triều Tiên trong những năm gần đây.

Mỹ điều động đến Tây Thái Bình Dương, bần Bán đảo Triều Tiên nhóm tàu chiến do hàng không mẫu hạm hạt nhân Carl Vinson dẫn đầu.

Nhà khoa học chính trị Vladimir Shapovalov, Phó giám đốc Viện Lịch sử và Chính trị của Đại học Sư phạm quốc gia Moscow cho rằng, sự khoa trương lực lượng quân sự của Mỹ thực sự rất nguy hiểm.

“Mục tiêu cuộc phô trương lực lượng này không chỉ là chế độ Triều Tiên, mà thách thức cả lãnh đạo Trung Quốc. Tất cả các tuyên bố và đe dọa hướng đến CHDCND Triều Tiên, tất nhiên, phải được hiểu là Mỹ sẵn sàng gây sức ép quân sự và áp lực chính trị đối với Trung Quốc, trên thực tế là nhằm ‘trở lại’ vùng Viễn Đông.

Trong những thập kỷ gần đây, Mỹ đã để cho vị thế của mình trong khu vực bị suy yếu đáng kể, về quân sự, nhất là về kinh tế. Điều đó xảy ra đồng thời với việc tăng cường vị thế của Trung Quốc. Cho nên cuộc biểu dương sức mạnh quân sự hiện nay một phần được người Mỹ thiết kế để khôi phục và củng cố vị thế của mình”, chuyên gia Nga phân tích.

Vậy, liệu cuộc xung đột xung quanh Triều Tiên có thể dẫn đến giai đoạn chiến tranh hay không?

Theo nhà khoa học chính trị Vladimir Shapovalov, xét theo các hành động quân sự của Mỹ đối với Syria và Afghanistan mới đây, có thể thấy một cách rõ ràng rằng chính quyền Mỹ hiện nay sẽ không dừng lại trước bất cứ điều gì.

“Do đó, xác suất Mỹ mở cuộc tấn công vào Triều Tiên vẫn tồn tại, bất chấp thực tế rằng Triều Tiên có vũ khí hạt nhân. Tôi cho rằng, Washington có thể đi tới một nguy cơ rất lớn như vậy”, nhà khoa học chính trị Vladimir Shapovalov kết luận.

Theo Tiền Phong

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích