Ông Trump có "siêu bom để tấn công Triều Tiên"

Thứ năm, 20/04/2017, 09:30
Báo The Daily Beast hôm 19-4 bình luận nếu có ý định nghiêm túc trừng phạt Triều Tiên về chương trình hạt nhân và tên lửa, Mỹ sẽ triển khai máy bay ném bom tàng hình mang siêu bom phi hạt nhân.  

Loại bom mà Washington nhiều khả năng sử dụng để tấn công Triều Tiên không phải là Massive Ordnance Air Blast (MOAB – còn gọi là “Mẹ của các loại bom”) nặng 11 tấn được thả xuống căn cứ của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Afghanistan vào ngày 13-4. Thay vào đó, loại bom được sử dụng sẽ lớn hơn nhiều, đạt tới cấp độ “siêu bom”.

Theo tờ báo, từ lâu Mỹ đã phác thảo kế hoạch tấn công các căn cứ quân sự được bảo vệ nghiêm ngặt nhất ở Triều Tiên, bao gồm việc triển khai máy bay ném bom tàng hình tầm xa. Bắt đầu vào giữa những năm 1990, Tổng thống Mỹ khi đó là Bill Clinton và các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa đã nhen nhóm ý tưởng này. Dưới thời cựu Tổng thống George W. Bush, ý định ném bom Triều Tiên trở thành một trong những phương án quân sự hàng đầu.

Vào những năm 1990, Triều Tiên chưa phải là một cường quốc hạt nhân nhưng có tiềm năng phát triển vũ khí hạt nhân. Chính quyền của cựu Tổng thống Clinton muốn đè bẹp tham vọng nguyên tử của Bình Nhưỡng. Nguy cơ Triều Tiên bị Mỹ tấn công hiển hiện trước mắt, dự báo thương vong khổng lồ nếu Washington mở chiến dịch không kích. Cho tới khi ông Jimmy Carter lên nắm quyền và đưa ra các biện pháp khắc phục bằng con đường ngoại giao, nguy cơ trên mới bị dập tắt.

Massive Ordnance Air Blast (MOAB – còn gọi là “Mẹ của các loại bom”) của quân đội Mỹ.

Năm 1994, Bộ Ngoại giao Mỹ ký kết một thỏa thuận khung với Triều Tiên. Qua đó, Bình Nhưỡng sẽ ngừng phát triển các lò phản ứng hạt nhân cấp độ vũ khí. Đổi lại, Washington sẽ giúp nước này xây dựng các lò phản ứng hạt nhân không phục vụ mục đích chế tạo vũ khí hủy diệt. Đến năm 2004, chính quyền cựu Tổng thống George W. Bush chấm dứt thỏa thuận. Hai năm sau, Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân đầu tiên.

Giữa năm 2002, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khi ấy là Donald Rumsfeld đã chỉ đạo Lầu Năm Góc viết lại kế hoạch chiến tranh “OPLAN 5027” nhằm đối phó Triều Tiên, cho phép Washington không kích (dự phòng) vào các cơ sở hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Tuy nhiên, trước đó, từ những năm 1960, Triều Tiên đã xây dựng được khoảng 8.000 cơ sở dưới lòng đất. Dưới thời cựu Tổng thống Bush, quân đội Mỹ thiếu phương tiện để phá hủy những căn cứ ngầm này.

Trong cuộc chiến Vùng Vịnh 1991, Mỹ chế tạo loại bom xuyên phá nặng hơn 2,2 tấn có thể xuyên qua lớp đất dày 30m (hoặc bê-tông dày 6m) trước khi phát nổ. Vài năm sau, Lầu Năm Góc phát triển loại bom nặng khoảng 900kg, hiệu suất tăng 25% so với loại bom cũ khi phá hủy công sự ngầm.

Trong suốt hơn 1 thập kỷ, hai loại bom nói trên là những vũ khí tốt nhất của quân đội Mỹ để phá hủy các cơ sở hạ tầng quân sự ngầm.

Thế nhưng, như vậy vẫn chưa đủ. Bộ Quốc phòng Mỹ ước tính nếu muốn phá hủy các công sự ngầm kiên cố nhất, nước này phải sử dụng quả bom nặng 10-15 tấn thả xuống lối vào đường hầm, tạo ra luồng sóng xung kích mạnh mẽ.

Chính quyền Tổng thống Bush từng cân nhắc chế tạo loại bom xuyên phá hạt nhân mới, gọi tắt là RNEP, có vỏ cứng hơn so với bình thường để xuyên sâu vào lòng đất. Tuy nhiên, loại bom này có thể rò rỉ một lượng phóng xạ lớn nên bị loại bỏ.

Năm 2004, Lầu Năm Góc đổ tiền vào dự án “Massive Ordnance Penetrator” (MOP) – loại bom 15 tấn được thiết kế đặc biệt, có thể phá hủy tất cả những căn cứ ngầm sâu nhất ở Iran và Triều Tiên. MOP đã sẵn sàng được đưa vào sử dụng từ năm 2011. Mỗi máy bay ném bom tàng hình B-2 của không quân Mỹ tại căn cứ Whiteman có thể mang 2 quả MOP, mỗi quả dài 6,4m.

Đây được xem là lựa chọn phi hạt nhân tối ưu nếu đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn tấn công phủ đầu Triều Tiên ngay lúc này, theo The Daily Beast.

Theo NLĐ

Các tin cũ hơn