Sắp đến hạn chót của Trump, Mosul bế tắc trong thảm họa

Thứ ba, 18/04/2017, 15:53
Quân đội Iraq vẫn đang gặp khó khăn trong việc giải phóng 10% diện tích còn lại của Mosul. Trong khi đó, thời hạn 3 tháng theo kế hoạch sắp kết thúc  

Nhiệm vụ bất khả thi

Ngày 17/4, đà tiến công của các lực lượng Iraq tại khu Thành Cổ của thành phố Mosul đã chậm lại, khi chiến dịch quân sự của các lực lượng Iraq với sự hỗ trợ từ Mỹ nhằm tái chiếm Mosul từ nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng bước sang tháng thứ 7.

Giao tranh đã diễn ra ác liệt giữa các lực lượng an ninh Iraq và các tay súng của nhóm khủng bố IS. Tiếng súng và đạn cối có thể được nghe thấy từ các khu vực đối diện Thành Cổ ở bên kia sông Tigris, con sông chia cắt Mosul thành bờ Đông và bờ Tây.

Bạo lực cũng đã gây tổn thất nặng nề cho người dân tại thành phố này. Hàng trăm nghìn dân thường vẫn còn mắc kẹt bên trong thành phố Mosul. Lực lượng cảnh sát liên bang Iraq đang trải qua trận chiến khó khăn với IS tại Thành Cổ, nơi có mật độ dân số đông đúc.

Một phát ngôn viên của lực lượng cảnh sát Iraq cho biết, quân chính phủ đang tiến gần đến Thánh đường Hồi giáo al-Nuri. Tuy nhiên, đà tiến công đã chậm hơn vì có khoảng 400.000 người, tương đương 25% dân số trước chiến tranh của Mosul, hiện còn mắc kẹt tại những vùng do IS kiểm soát.

Giao tranh xảy ra ác liệt tại Mosul

Theo báo cáo của Liên hợp quốc (LHQ), gần nửa triệu dân thường đã sơ tán khỏi Mosul kể từ khi các lực lượng Iraq, với sự hỗ trợ của Mỹ, mở màn chiến dịch quân sự quy mô lớn hồi tháng 10 năm ngoái nhằm giải phóng thành phố Mosul, thành phố lớn thứ hai và là thành trì chủ chốt cuối cùng của nhóm khủng bố IS ở Iraq.

Văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo của LHQ (OCHA) ngày 17/4 cho biết, hơn 493.000 người đã rời bỏ nhà cửa ở Mosul đi lánh nạn, trong khi khoảng 500.000 người khác vẫn còn mắc kẹt tại khu vực Tây Mosul hiện do IS chiếm giữ.

LHQ cho biết thêm điều kiện cuộc sống của người dân tại Tây Mosul đang rất nghiêm trọng khi nguồn dự trữ lượng thực, thuốc men và nước uống tại đây sắp cạn kiệt.

Để ngăn cản đà tiến quân của lực lượng Iraq, ngày 16/4 vừa qua, phiến quân IS đã tiến hành một cuộc tấn công hóa học tại khu vực mới được giải phóng gần đây ở Tây Mosul. Theo RT, 6 binh sĩ Iraq đã bị thương trong vụ tấn công hóa học của tổ chức khủng bố IS.

Khu vực phía Đông của Mosul đã được giải phóng khỏi sự kiểm soát của IS vào ngày 24/1.

Tổng thống Donald Trump phát động chiến dịch tiếp theo bắt đầu vào tháng 2, đồng thời đặt mục tiêu giải quyết Mosul trong vòng 3 tháng.

Đến ngày 15/3 cho biết, các lực lượng Iraq đã giải phóng 90% thành phố Mosul từ tay phiến quân IS. Thế nhưng, kể từ đó đến nay quân đội Iraq vẫn chưa đạt được thêm thành tựu nào tại chiến trường này.

Thời hạn 3 tháng mà Tổng thống Mỹ đưa ra chỉ còn vài ngày, trong khi đó quân đội Iraq vẫn bị chôn chân tại Mosul. Liệu trong thời gian tới, kỳ tích sẽ xảy ra tại thành phố lớn thứ 2 của Iraq? xét theo tình hình hiện tại, điều này dường như là bất khả thi.

Thảm họa nhân đạo

Trước đó, hồi đầu tháng 4, tờ Sputnik dẫn lời Thiếu tướng Igor Konashenkov, Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga nói về sự khác biệt giữa hoạt động của không quân Nga ở Aleppo và không quân Mỹ ở Mosul.

Theo ông Konashenkov, tại Aleppo không quân Nga không được sử dụng trong khi đó tại Mosul, lực lượng không quân của Mỹ hoạt động với tần suất dày đặc.

''Tất cả mọi sự chú ý được tập trung vào hoạt động nhân đạo, cũng như cung cấp hỗ trợ toàn diện cho người dân địa phương. Tại Mosul, theo phát ngôn viên của liên minh Joseph Skrokka, bất chấp thương vong dân sự, liên minh không có ý định lùi bước, ngay cả khi cuộc chiến trở nên khó khăn'', Sputnik dẫn lời ông Konashenkov nhấn mạnh.

Đặc biệt, đại diện Bộ Quốc phòng Nga còn khẳng định, về một số khía cạnh, Không quân Mỹ tại Mosul không thể nói đến vấn đề hoạt động nhân đạo.

Các cuộc không kích của Mỹ tại Mosul đã gây ra cái chết cho nhiều dân thường

Người dân thành phố Mosul bày tỏ lại ngại về cuộc không kích của liên quân do Hoa Kỳ dẫn đầu vào khu vực này vài tuần gần đây có thể đã giết chết gần 200 dân thường. Đây là con số thương vong cao kỷ lục kể từ khi Mỹ và liên quân bắt đầu cuộc chiến ở Iraq.

Tướng Mohammed Mahmoud, chỉ huy lực lượng bảo vệ dân sự Mosul khi trao đổi với tờ Washington Post cũng thừa nhận thông tin về thiệt hại dân sự trong các cuộc không kích của liên quân là có thật.

''Chúng tôi là chuyên gia trong lĩnh vực này. Chúng tôi biết đó là lực lượng liên quân. Chúng tôi yêu cầu điều tra rõ vụ việc'', ông Mahmoud nhấn mạnh.

Thậm chí, bà Lise Grande, Điều phối viên Nhân đạo Liên Hợp Quốc về Iraq còn tuyên bố cảm thấy choáng váng vì những cái chết của dân thường vô tội ở Mosul, Iraq trong thời gian gần đây.

Theo Đất Việt

Các tin cũ hơn