Nga nói sự thật về tình hình Triều Tiên

Thứ ba, 18/04/2017, 14:02
Chúng tôi vừa gửi tới bạn đọc bài “Mỹ không tấn công Triều Tiên dù Trump...tính khí bất thường” của Giáo sư A.Lankov 

Bài này gửi cho “Lenta.ru” ngày 12/4, tức trước lễ duyệt binh hoành tráng tại Bình Nhưỡng và vụ thử tên lửa sáng 16/4.

Lần này, xin được giới thiệu bài phân tích dành riêng cho báo RIA Novsti (Nga) đăng trên báo này ngay chiều 16/4 (sau vụ thử tên lửa) của một học giả Nga khác – Phó giáo sư Geborg Mirzaian, giảng viên Vụ chính trị học Trường đại học tài chính trực thuộc Chính phủ Liên Bang Nga.

Có một số cách nhìn trùng với A.Lankov, nhưng cũng có nhiều ý mới, nhất là từ góc độ tài chính và Trung Quốc, chúng tôi xin chuyển tải nguyên văn. Mong bạn đọc kiên nhẫn.

Ngày thứ bảy 15/4, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên (CHDCNDTT) tổ chức trọng thể Ngày Mặt trời (nói cho văn vẻ theo tình thần Triều Tiên - Ngày hội Ánh Dương) – lễ kỷ niệm ngày sinh (lần thứ 105) của Người sáng lập nước Cộng hòa này là Kim Nhật Thành.

Tổng thống Donald Trump cũng đề xuất gửi quà mừng đến cho nhân dân Triều Tiên – ông điều đến bờ Bán đảo Triều Tiên một cụm tàu do tàu sân bay “Carl Vinson” chỉ huy.

Kèm theo, Tổng thống Mỹ cũng “gửi lời” đe họa sẽ tiến hành đòn tấn công vào CHDCNDTT trong trường hợp nếu Kim Jong –un (phiên âm Hán Việt cho dễ đọc – Kim Chính Ân) lấy các thử nghiệm tên lửa đạn đạo để chào mừng thay cho bắn pháo hoa.

“Triều Tiên – đấy là cả một vấn đề. Và vấn đề này sẽ được giải quyết”, - ông chủ Nhà Trắng đã khẳng định rõ như vậy.

Trong suốt cả tuần qua (từ 10 đến 16/4) các “nhà phân tích” Nga thi đua nhau mô tả các kịch bản chiến tranh.

Nhưng đa số các “chuyên gia phân tích” đều mắc một sai lầm rất cơ bản. Họ cho rằng Bắc Triều Tiên về mặt bản chất cũng giống như Ukraine và Syria, chỉ khác mỗi một điều là nằm ở góc bên kia của thế giới.

Nhưng trên thực tế (thì) xung đột xung quanh Bắc Triều Tiên là trường hợp có một không hai – tại đây tồn tại một nguy cơ rất cao, nhưng xác xuất khởi động một cuộc chiến tranh thực sự lại rất thấp.

Các nguyên tắc cuộc chơi

Trên bán đảo Triều Tiên (mọi người) thực sự căm ghét lẫn nhau, thường xuyên “trao qua đổi lại” những tuyên bố đe dọa (những phát biểu kiểu “chúng tôi sẽ đáp trả sự xúc phạm bằng sự hủy diệt hạt nhân” liên tục được nhắc tới trong các tuyên bố chính thức của các quan chức Bắc Triều Tiên), nhưng dù như vậy, không một bên nào sẵn sàng đánh đòn tấn công trước (tấn công phủ đầu).

Giới tinh hoa (lãnh đạo) Bắc Triều hiểu rằng, bất kỳ một cuộc chiến tranh nào trên bán đảo Triều Tiên cũng sẽ kết thúc bằng việc Bình Nhưỡng bị chiếm đóng, và khi đó thì, vĩnh biệt nhé, cuộc sống tươi đẹp.

Về phần mình, người Mỹ, người Nhật và người Nam Hàn cũng hiểu rõ không kém là cái giá phải trả cho việc chiếm đóng Bình Nhưỡng sẽ vô cùng đắt, và vấn đề thậm chí không chỉ ở các tốn thất quân sự mà các đồng minh phải hứng chịu khi phải xử lý triệt để một quân đội có quân số hàng triệu người và (khác hẳn với Quân đội của Saddam Hutsein ) - có động cơ chiến đấu cao của Bắc Triều Tiên.

Vấn đề không chỉ ở ô nhiễm hạt nhân. Thứ nhất, Seoul sẽ không còn nữa – trong trường hợp chiến tranh nổ ra thì thủ đô Nam Hàn nằm cách biên giới chỉ 50km sẽ bị pháo binh tầm xa Bắc Triều san phẳng.

Thứ hai, sẽ làm gì với với Bắc Triều Tiên khi nước này đã bị chinh phục? Hội nhập với Nam Hàn ư? Các chuyên gia tin chắc rằng, cái giá (kinh phí) thậm chí cho một tiến trình tái hòa nhập (thống nhất) Bắc Triều Tiên vào Nam Hàn một cách hòa bình cũng là gấp mấy lần GDP của Nam Hàn, còn trong trường hợp Bắc Triều Tiên đã bị chiến tranh tàn phá thì cái giá để “hội nhập” còn cao hơn nữa.

Và cuối cùng, lấy đâu ra đảm bảo là Trung Quốc sẽ không tham chiến để bảo vệ Bắc Triều Tiên (xin nhắc lại là Trung Quốc đã tham gia vào cuộc chiến tranh trước (1950-1953), không thèm để ý đến việc lúc đó Mỹ đang sở hữu vũ khí hạt nhân).

Kịch bản tấn công hạn chế (ví dụ, chỉ vào các mục tiêu hạt nhân Bắc Triều Tiên) cũng không thể chấp nhận được. Phần lớn các mục tiêu đó nằm sâu dưới lòng đất và được bảo vệ bằng các tầng đá vững chắc, chính vì thế mà ngay các chuyên gia Mỹ cũng không dám đảm bảo chắc chắn khả năng hủy diệt được chúng.

Ngoài ra, đòn tấn công không thể chỉ dừng ở mức “hạn chế” – trong trường hợp (Mỹ và các đồng minh) tấn công vào các mục tiêu hạt nhân Bắc Triều Tiên, Bình Nhưỡng sẽ đánh giá hoặc đây là sự khởi đầu chiến tranh và sẽ tiến hành đòn tấn công tổng lực đáp trả, hoặc đó là một cái tát vào mặt Kim Chính Ân và sẽ tấn công ở quy mô tương ứng, và điều đó, theo lôgich đường xoáy trôn ốc, sẽ dẫn đến sự đáp trả từ phía Mỹ và Nam Hàn – và cứ như thế - chiến tranh với mọi hậu quả kèm theo.

Chính vì thế mà không một tổng thống Mỹ nào dám quyết định tấn công Bắc Triều Tiên, và cũng không một cuộc khủng hoảng nào trên bán đảo Triều Tiên, dù nghiêm trọng đến mấy (trong vòng 25 năm trở lại đây, các cuộc khủng hoảng nhiều đến nỗi dùng cả mười đầu ngón tay và mười đầu ngón chân cũng không đủ để đếm hết) dẫn đến chiến tranh.

Tất cả các bên đều hiểu rất rõ những quy tắc cuộc chơi, đều nhìn thấy lằn ranh đỏ và đã không vượt qua các “giới hạn đỏ” đó.

Họ (các bên) tiến sát đến đường ranh đỏ, hò hét dọa dẫm nhau, nhưng sau đó đều bò lùi ngược về phía sau một cách hết sức cẩn trọng.

Nhân tố Donald Trump

Một số “chuyên gia” tin rằng, nói chung, lần này thì các tính toán của Bắc Triều có thể sẽ không phát huy tác dụng, bởi vì trong những tính toán đó đã xuất hiện một “nhân tố” mới – Donald Trump.

Vị Tổng thống Mỹ khó lường trước này có thể hoặc là không hiểu đường ranh đỏ đó là gì, hoặc là (tuy hiểu nhưng) sẽ vượt qua làn ranh đó đúng theo tinh thần Cowboy (Cao bồi).

Tuy nhiên, sự nhầm lẫn chủ chốt của các “chuyên gia” nói trên nằm ở chỗ là họ thực sự tin vào một hình ảnh như vậy của D. Trump. Nhưng trên thực tế, cách hành xử của Tổng thống Mỹ trong toàn bộ chính sách đối ngoại cho đến thời điểm hiện tại, tuy hơi phiêu lưu, nhưng lại cực kỳ logich.

Điều đó (cách hành xử) cũng đúng như vậy khi xử lý những vấn đề liên quan đến những căng thẳng quanh Bắc Triều Tiên lần này – D.Trump đã tận dụng tối đa một hình ảnh (khó lường) của mình, phô diễn “quyết tâm” vượt qua lằn ranh đỏ.

Bằng cách đó ông đã gây sức ép với Trung Quốc, để Trung Quốc phải nhượng bộ và đến lượt mình, nước này phải gây sức ép lên Bắc Triều Tiên, buộc Bình Nhưỡng phải trở nên mềm mại hơn và như vậy đã đảm bảo cho D.Trump một chiến thắng mang tính biểu tượng trước một bộ phận nữa của cái người Mỹ gọi là “Trục ma quỷ”.

Tính phiêu lưu của tình huống này lại nằm trong chính quan điểm sai lầm của người Mỹ về khả năng của Trung Quốc (gây sức ép lên Triều Tiên). Nhiều người Mỹ cho rằng, vì Trung Quốc là nước cung cấp chủ yếu lương thực và nhiên liệu cho Bắc Triều Tiên, nên điều đó có nghĩa là, Chủ tịch Tập chỉ cần một cú điện thoại cũng đủ để buộc Kim Chính Ân phải làm tất cả những gì mà Trung Quốc muốn.

Điều đó, nói một cách nhẹ nhàng nhất, không hẳn như vậy. Quan hệ giữa Trung Quốc và Bắc Triều Tiên làm ta nhớ đến các quan hệ giữa người lớn và những “teenagers” (nguyên văn-tuổi teen như ta thường nói–vị thành niên).

Bắc Triều Tiên không chỉ luôn khẳng định sự độc lập của mình trước Trung Quốc (trong đó có cả việc hạ sát tướng lĩnh thân Trung Quốc, thậm chí cả anh trai của Kim Chính Ân–người mà theo một số nguồn tin được cho là có quan hệ với Tình báo Trung Quốc), mà đôi khi còn làm những việc trêu ngươi “người nuôi dưỡng” mình. Ví dụ, tổ chức phóng tên lửa trong thời điểm đang diễn ra một chuyến thăm rất nhạy cảm của đoàn đại biểu cấp cao Nhật Bản tại Trung Quốc.

Bình Nhưỡng dám hành xử như vậy vì hiểu quá rõ là Bắc Kinh không sẵn sàng chấm dứt sự ủng hộ chế độ Bắc Triều Tiên bởi vì sự sụp đổ của chế độ này buộc người Trung Quốc phải trả một cái giá rất, rất đắt.

Và đó chính là sự thiệt hại kinh tế nhiều tỷ đôla, là hàng triệu người tỵ nạn, là hàng trăm nghìn binh sỹ Triều Tiên với vũ khí hạng nặng không thể kiểm soát, là khả năng ô nhiễm hạt nhân, là các căn cứ quân sự Mỹ ngay sát biên giới với Trung Quốc.

Và Triều Tiên chỉ lùi bước (trước Trung Quốc) một chút nào đó, khi và chỉ khi nhiệt độ tức giận của Bắc Kinh đã gần đạt điểm sôi–và chỉ để sau đó lại tiếp tục dọa dẫm người hàng xóm phía Tây của mình (Trung Quốc).

AP Photo/ Wong Maye-E. Duyệt binh tại Bình Nhưỡng. 15 /4/ 2017

Câu trả lời chuẩn

Quả thực vào thời điểm hiện tại, Trung Quốc đang quan ngại “nhân tố Trump” và tìm cách làm cho Bình Nhưỡng hiểu được quan điểm đó của mình.

Trong những động thái (của Trung Quốc) mà thiên hạ nhìn thấy, có việc từ chối mua than của Triều Tiên và tạm thời dừng tuyến bay của Air China đến Triều Tiên “vì lý do bán không đủ số lượng vé”.

Trong cùng thời gian đó, người Trung Quốc lại một lần nữa cố tìm cách giải thích cho những đối tượng “chậm hiểu” mối nguy hiểm của tình hình. “Nếu như chiến tranh thực sự xảy ra, thì tất cả sẽ thua. Sẽ không có ai trở thành kẻ thắng”. Bộ trưởng ngoại giao (Trung Quốc) Vương Nghị đã phát biểu như vậy.

“Chính vì thế mà chúng tôi (Trung Quốc) kêu gọi tất cả các bên tham gia chấm dứt việc đe dọa nhau bằng lời nói hoặc việc làm, và không cho phép tình hình trở nên không thể đảo ngược và vượt khỏi tầm kiểm soát”. Cũng theo lời ông này, Trung Quốc sẵn sàng ủng hộ bất kỳ một cuộc đối thoại nào–dù chính thức hay không chính thức, song phương hoặc đa phương.

Nhưng kết quả cuối cùng, Trung Quốc đã không giải quyết được vấn đề. Bắc Triều Tiên không chỉ tiến hành một cuộc duyệt binh hoàng tráng phô diễn tên lửa (trong đó có cả những tên lửa mới cho tàu ngầm), mà còn tiến hành các vụ thử nghiệm tên lửa đúng như đã “hứa”.

Và mặc dù dân chúng Bắc Triều Tiên không biết gì về các vụ thử tên lửa này (tên lửa nổ ngay sau khi phóng), nhưng cả thế giới thì đều đã biết.

Mọi người cứ tưởng, có vẻ như D.Trump đã rơi vào bẫy–vì đã cam kết là sẽ tấn công (nếu Bắc Triều Tiên thử tên lửa). Tuy nhiên, ông đã thoát ra khỏi bẫy một cách ngoạn mục.

Sau những “yêu cầu công khai khẩn thiết” của không chỉ Trung Quốc, mà còn cả của Nam Hàn về việc không tiến hành các đòn tấn công, Chính quyền Mỹ đã ra quyết định không tấn công, mà tập trung vào chiến lược kiềm chế (có nghĩa là làm đúng những gì mà các chính phủ tiền nhiệm của ông đã làm).

Căn cứ vào tất cả những gì đã xảy ra, những biện pháp kiềm chế sẽ được công bố trong khuôn khổ chuyến thăm mới bắt đầu của Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence tới Hàn Quốc và Nhật.

Nhiều khả năng (các biện pháp kiềm chế đó) sẽ lại là các cuộc tập trận mới (ở những nơi mà Kinh Chính Ân đã ở thế yếu–Bắc Triều Tiên lại sẽ lớn tiếng về sự cuồng nộ của mình, nhưng lại cũng sẽ hành động theo đúng quy tắc cuộc chơi và không tiến hành đòn tấn công trước), tiếp đó, là (Mỹ) củng cố mối quan hệ hợp tác quân sự - chính trị với Nam Hàn và Nhật.

Dĩ nhiên, không chỉ để chống Bắc Triều Tiên, mà còn để kiềm chế Trung Quốc, và có lẽ đây mới là mục tiêu cuối cùng trong chiến lược của D. Trump trong bối cảnh căng thẳng ở Bắc Triều Tiên hiện nay.

Sau những nước cờ như vậy, liệu có ai còn dám gọi ông D.Trump là một Tổng thống dốt nữa hay không?

Theo Đất Việt

Các tin cũ hơn