|
Nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên thị sát tên lửa đạn đạo của nước này. Ảnh: Rodong Sinmun |
Vụ phóng tên lửa diễn ra vào 21h21 (giờ GMT ngày 15/4), vài giờ trước khi Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đến Hàn Quốc. Tuy nhiên, quả tên lửa đã phát nổ ngay sau khi rời khỏi bệ phóng.
Một số chuyên gia cho rằng, vụ phóng thất bại lần này cho thấy Triều Tiên đang gặp khó khăn trong việc phát triển các động cơ nhiên liệu rắn cho một loại tên lửa mới hoặc cho tên lửa Scud-ER.
Tuy nhiên, cũng có nhiều chuyên gia cho rằng, đây là thất bại có toan tính của Triều Tiên.
Cần phải lưu ý rằng, trước khi chính quyền Bình Nhưỡng tiến hành thử lên lửa, tình hình bán đảo Triều Tiên căng như dây đàn, chiến tranh dường như “có thể nổ ra bất cứ lúc nào”.
Đặc biệt, việc Mỹ huy động cùng lúc 3 tàu sân bay đến gần Bán đảo Triều Tiên là điều hiếm hoi và bất thường.
Bên cạnh đó là những cách hành xử mạnh mẽ từ Nhà Trắng đối với “các quốc gia cứng đầu” chỉ trong khoảng thời gian ngắn. Như việc Tổng thống Mỹ Donald Trump lệnh cho hai tàu chiến USS Porter và USS Ross của Mỹ ở Địa Trung Hải khai hỏa 59 tên lửa hành trình Tomahawk vào căn cứ không quân Al Shayrat ở tỉnh Homs (Syria) với lý do Syria đã sử dụng vũ khí hóa học.
Tiếp đó quân đội Mỹ lần đầu tiên sử dụng bom phi hạt nhân lớn nhất GBU-43, vốn có biệt danh "mẹ của các loại bom" phá hủy các hang động của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Afghanistan.
Đây có thể là những "cảnh báo" đối với Triều Tiên một khi chính quyền của ông Kim Jong-un đi quá giới hạn.
Theo phân tích của tờ báo South China Morning Post, việc Triều Tiên không tiến hành thử nghiệm hạt nhân mà thay vào đó chỉ tổ chức diễu binh phô diễn sức mạnh quân sự và phóng tên lửa “thất bại” là dấu hiệu cho thấy nước này đang vừa thách thức nhưng cũng rất kiềm chế trước Mỹ.
Thực tế, mặc dù thử tên lửa thất bại, nhưng ông Kim Jong-un vẫn đảm bảo được quyền uy của mình trong đội ngũ lãnh đạo cấp cao và dân chúng Triều Tiên. Bởi nếu không tiến hành thử vũ khí vào ngày kỷ niệm trọng đại này, sẽ phát đi tín hiệu cho cộng đồng quốc tế thấy được rằng Triều Tiên sợ Mỹ, đồng thời sẽ làm ảnh hướng tới việc củng cố quyền lực của Kim Jong-un.
Tuy nhiên, việc thử tên lửa vào thời điểm nhạy cảm này hoàn toàn có thể dẫn tới sự phản kích của Mỹ. Chính vì vậy Kim Jong-un đã áp dụng sách lược "phóng tên lửa thất bại". Với mục đích là nhằm phát đi tín hiệu "thất bại chỉ là lý do kỹ thuật, còn về căn bản Triều Tiên không sợ Mỹ".
Hơn nữa, Kim Jong-un còn đặc biệt cho mời hàng trăm phóng viên nước ngoài tới Triều Tiên đưa tin. Việc có sự hiện diện của các phóng viên nước ngoài sẽ đảm bảo rằng Mỹ không thể tiến hành "đánh đòn phủ đầu" Triều Tiên trong khi Triều Tiên tiến hành duyệt binh.
Đặc biệt Kim Jong-un muốn thông qua các phóng viên nước ngoài để cho thế giới thấy được sức mạnh quân sự của Triều Tiên.
Trước đó giới phân tích dự đoán Triều Tiên sẽ tiến hành thử hạt nhân lần thứ sáu để chào mừng sinh nhật lần thứ 105 của cố Chủ tịch Kim Nhật Thành. Tuy nhiên, những gì diễn ra khác xa so với dự đoán của cộng đồng quốc tế.
Bình Nhưỡng đã không tiến hành thử nghiệm hạt nhân, thay vào đó là một vụ thử tên lửa nhưng lại "thất bại". Thất bại này là nước cờ đầy khôn ngoan của ông Kim Jong-un trong việc đối phó với tình hình căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên thời gian tới.
Theo Tiền Phong