Trên 3.604 tỉ đồng làm bể chứa nước cho TP.HCM

Thứ ba, 18/04/2017, 15:26
Sáng 17.4, Tổng công ty cấp nước Sài Gòn (Sawaco) phối hợp Sở GTVT TP.HCM tổ chức hội thảo nghiên cứu xây dựng các bể chứa quy mô lớn trong mạng lưới cấp nước TP.HCM.
Bể chứa nước thô tại Nhà máy nước Tân Hiệp
Theo ông Bùi Thanh Giang, Phó tổng giám đốc Sawaco, hệ thống cấp nước của TP.HCM đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, nổi bật là vấn đề suy giảm chất lượng nguồn nước thô do ô nhiễm môi trường và các tác động của biến đổi khí hậu.
Trước tình hình trên, Sawaco đã xây dựng những nhóm giải pháp chiến lược, trong đó có đề xuất xây dựng bể chứa phân phối kết hợp việc tái cấu trúc mạng lưới cấp nước. UBND TP.HCM đã chấp thuận chủ trương cho Sawaco nghiên cứu phương án, Sở GTVT chủ trì lấy ý kiến các nhà khoa học chuyên môn.
Theo phương án đề xuất, từ năm 2017 - 2024, TP.HCM sẽ xây dựng 5 bể chứa lớn (tổng kinh phí đầu tư hơn 2.738 tỉ đồng) với tổng dung tích 373.000m3 tại công viên văn hóa Gò Vấp, khu trung tâm, khu vực phía Nam, phía Tây TP và tại H.Bình Chánh.
Các bể chứa này không chỉ giúp tăng lượng nước tiêu thụ khu vực cuối mạng, mà còn giúp cho việc cấp nước được an toàn, tránh được nước bẩn xâm nhập. Ngoài ra, còn có 10 bể chứa quy mô nhỏ (cải tạo các thủy đài hiện hữu) có kinh phí đầu tư gần 865 tỉ đồng. Chi phí tổng cộng cho việc đầu tư 15 bể chứa lớn, nhỏ là hơn 3.604 tỉ đồng, chưa bao gồm chi phí đất.
Tại hội thảo, về cơ bản, các chuyên gia ủng hộ việc đầu tư này. Tuy nhiên, PGS-TS Trần Đức Hạ, Hội Cấp thoát nước VN, đề nghị làm rõ thêm về nguồn lực tài chính, đất đai... Có các ý kiến cho rằng việc đề xuất 5 bể chứa quy mô lớn để phân vùng áp lực như vậy là còn khiêm tốn, cần nhiều bể chứa hơn nữa, khoảng 16 bể chứa lớn.
Ông Võ Quang Châu, nguyên Phó tổng giám đốc Sawaco, đề nghị nên ưu tiên làm bể chứa nước theo dạng ngầm. Ông nói TP.HCM đặt mục tiêu đến năm 2025 người dân có thể uống nước tại vòi, vì vậy vấn đề bể chứa rất quan trọng, giúp kiểm soát được lượng clo dư.
Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn