Dự án 3,5 tỷ USD của Berjaya: Chậm giải ngân, cam kết nhỏ giọt

Thứ năm, 20/04/2017, 13:59
Chủ đầu tư Dự án Khu đô thị Đại học Quốc tế Việt Nam (VIUT) vừa đưa ra cam kết mới và tiếp tục giải ngân. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nghi ngại xung quanh dự án 3,5 tỷ USD.

Chậm triển khai - giải ngân nhỏ giọt

Cần nhắc lại rằng, Dự án VIUT của Công ty Berjaya (Malaysia) được cấp phép đầu tư từ năm 2008, với diện tích 925ha và tổng mức đầu tư lên đến 3,5 tỷ USD.

Theo thiết kế, chủ đầu tư sẽ dành trên 100 ha để phát triển Dự án thành trung tâm đào tạo đại học hiện đại bậc nhất Đông Nam Á. Trong đó, ngoài các trường đại học, Khu đô thị sẽ cung cấp thêm 20 trường ở các bậc học từ mẫu giáo, tiểu học đến trung học phổ thông.

Hoang vắng đường vào Dự án VIUT của Berjaya tại xã Tân Thới Nhì, Hóc Môn, TP.HCM. Ảnh: Hồng Sơn .

Phần diện tích còn lại được quy hoạch thành khu phức hợp, gồm khu thương mại, khu dân cư, trung tâm hành chính văn hóa, trung tâm y tế quy mô 15 ha phục vụ chữa bệnh và hoạt động chuyên khoa của các trường đại học, câu lạc bộ thể dục thể thao và giải trí, khu công viên cây xanh…

Tuy nhiên, sau gần 10 năm được cấp phép, có thể khẳng định, tiến độ triển khai của “siêu dự án” này rất chậm. Thông tin mới nhất về dự án, bà Lê Thị Huỳnh Mai, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho biết, hiện nay Dự án mới chỉ xong được một số khâu như: phê duyệt quy hoạch nhiệm vụ chi tiết 1/500 vào năm 2011, phê duyệt phương án đền bù giải tỏa vào năm 2013, rà soát bom mìn được khoảng 500 ha, đền bù giải tỏa mặt bằng trên 100 ha, thực hiện vốn góp dự án được 96,5 tỷ đồng…

Cũng cần nói thêm, theo kế hoạch ban đầu nhà đầu tư đưa ra, Dự án được triển khai trong vòng 10 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đầu tư. Đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cũng cho biết, qua kiểm tra tiến độ mới đây cho thấy, Dự án này chậm tiến độ ở các khâu như chậm giải phóng mặt bằng, chậm trong góp vốn.

So với một số dự án khác trên địa bàn TP.HCM, Dự án VIUT có những khó khăn nhất định do công tác đền bù giải phóng mặt bằng khá phức tạp… Tuy nhiên, có thể thấy, dự án này sử dụng đất nhiều, vốn đầu tư cam kết lớn nhưng tỷ lệ giải ngân/vốn đầu tư đăng ký là rất thấp.

Có thể chưa thu hồi Dự án VIUT

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Hoài Nam, Tổng giám đốc Berjaya Việt Nam thừa nhận về sự chậm trễ trong triển khai Dự án VIUT. Lý giải vấn đề này, ông Nam cho rằng, hơn 6 năm qua là khoảng thời gian thị trường bất động sản trầm lắng và đây là khó khăn chung cho các nhà đầu tư, trong đó có Berjaya.

“Berjaya triển khai nhiều dự án trong hơn 10 năm đầu tư tại Việt Nam. Dự án VIUT có chậm, chủ yếu là bởi nguyên nhân thị trường bất động sản trầm lắng”, ông Nam nói và dẫn giải, nhiều dự án khác mà Berjaya tham gia như các dự án khách sạn, dự án xổ số điện toán Vietlott, dự án chứng khoán… vẫn đang được triển khai và có những kết quả tích cực.

Đại diện của Berjaya không đưa ra bình luận về số tiền đã giải ngân, nhưng cho rằng, số tiền mà chủ đầu tư đã thực sự bỏ ra cho dự án lớn hơn nhiều so với con số ghi nhận của cơ quan chức năng. Đơn cử, số chi phí dành cho khảo sát, kiểm đếm diện tích trên thực địa, thiết kế dự án… nhà đầu tư vẫn phải chi để thực hiện, nhưng có thể chưa được ghi nhận.

Cũng theo ông Nam, chủ đầu tư sẽ nghiêm túc thực hiện các yêu cầu của Thành phố trong triển khai dự án, đồng thời, cam kết có nhiều giải pháp mới để thực hiện dự án này.

Minh chứng cho những cam kết mới của chủ đầu tư, đại diện Berjaya cho phóng viên xem giấy đề nghị chuyển tiền qua ngân hàng ghi ngày 23/12/2016 cho Ban quản lý Đầu tư - Xây dựng Khu đô thị Tây Bắc Thành phố số tiền 50 tỷ đồng, với nội dung thanh toán: chuyển tiền đền bù, giải phóng mặt bằng 250 ha đất giai đoạn 1…

Dự án này chậm tiến độ ở các khâu như chậm giải phóng mặt bằng, chậm trong góp vốn.

Liên quan đến dự án này, ông Huỳnh Minh Cường, Phó trưởng Ban quản lý Đầu tư - Xây dựng Khu đô thị Tây Bắc Thành phố, khi trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư vào cuối tuần qua cho  biết, mới đây, Ban đã trình Thành phố tiếp tục cho triển khai dự án này. Không chia sẻ chi tiết,  song ông Cường cho rằng, những “vấn đề” của Dự án đã được giải quyết và đó là lý do để Ban đề nghị cho Dự án tiếp tục triển khai.

Trước đó, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cũng cho biết, gần đây, nhà đầu tư có nhiều động thái tích cực triển khai dự án và hiện nay, căn cứ những yếu tố thuận lợi, khó khăn cũng như mục tiêu cuối cùng, thì các sở, ngành Thành phố nghiên cứu đề xuất một trong nhiều phương án xử lý liên quan đến dự án này.

Có thể thấy, dù rất cương quyết trong việc rà soát các dự án lớn chậm tiến độ, thậm chí là mạnh tay trong việc thu hồi dự án vi phạm tiến độ thực hiện, song nhiều khả năng chính quyền TP.HCM sẽ chưa đưa ra quyết định thu hồi Dự án VIUT, ít nhất là trong thời gian ngắn tới đây.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, trước những động thái quyết liệt của chính quyền, sự bức xúc của người dân vì dự án chậm triển khai, nên nhà đầu tư đã có những cam kết mới, tiếp tục giải ngân theo kiểu nhỏ giọt. Liệu rằng, đây có phải là “chiêu” của nhà đầu tư nhằm tránh việc có thể bị thu hồi dự án?

Theo Báo Đầu Tư

Các tin cũ hơn