Trung Quốc thử nguyên mẫu mặt đất của AG-600
Thủy phi cơ AG-600 mà Trung Quốc gọi là máy bay lớn nhất thế giới, đã có cuộc thử nghiệm đầu tiên thành công trên đường băng vào hôm 30/4, trong cuộc thử nghiệm khả năng di chuyển không tải trên mặt đất, được tổ chức tại một khu vực của thành phố Chu Hải (Quảng Đông).
Trong quá trình chạy thử nghiệm tốc độ thấp, các kỹ sư Trung Quốc đã kiểm tra khả năng chạy đường thẳng và điều chỉnh hướng đi và hệ thống phanh máy bay. Trong quá trình di chuyển, máy bay có khả năng quay 180 độ trên đường băng, đồng thời, các hệ thống đều hoạt động tốt.
Dự án phát triển thủy phi cơ AG-600 đã được Trung Quốc khởi động từ tháng 9/2009. Nguyên mẫu đầu tiên của chiếc thủy phi cơ AG-600 được Tập đoàn công nghiệp hàng không Trung Quốc (AVIC) bắt đầu lắp ráp tại thành phố Chu Hải, tỉnh Quảng Đông vào hồi tháng 7/2015.
Trước đó, Trung Quốc đã công bố kế hoạch vào giữa tháng 5 tới sẽ tiến hành các chuyến bay thử nghiệm đầu tiên từ mặt đất cho AG-600 nhưng không nêu ngày cụ thể. Cần lưu ý rằng, chuyến bay thử nghiệm đầu tiên từ mặt nước cũng được dự kiến tổ chức vào cuối năm 2017.
Ông Hoàng Lĩnh Tài, thiết kế trưởng của dòng thủy phi cơ cỡ lớn này cho biết, Giao Long AG-600 của Trung Quốc là loại phi cơ lưỡng dụng thủy - lục (thủy phi cơ) lớn nhất thế giới, vượt qua cả các loại máy bay cùng thế hệ như ShinMaywa US-2 của Nhật Bản hay Beriev Be-200 của Nga.
Giao Long AG-600 được coi là thủy phi cơ lớn nhất thế giới |
Chiếc máy bay được trang bị bốn động cơ phản lực cánh quạt WJ6. Ngoài ra, có nguồn tin cho rằng, Trung Quốc có thể sử dụng động cơ cải tiến D-30KP-2 trước đây đã mua với số lượng lớn của Nga, để lắp đặt trên các máy bay ném bom H6, máy bay vận tải Nga Il-76 và máy bay vận tải quốc nội Y-20.
Trọng lượng cất cánh tối đa của AG600 là 53,5 tấn, chiều dài thân máy bay là 39m; sải cánh 38,8m, phạm vi hành trình tối đa 4500 km, vận tốc tối đa có thể đạt vào khoảng trên 600km/h. Nó có thể cất hạ cánh ở điều kiện sóng cao 2m.
Kích thước của đoạn đầu loại máy bay rất lớn và dài 9,5m, phần nửa trên của nó áp dụng kết cấu khoang máy bay chở khách thông thường, còn phần nửa sau là kết cấu thân máy bay, loại kết cấu nay là hình thức kết cấu riêng được thiết kế để đáp ứng thủy phi cơ cất hạ cánh trên mặt nước.
Theo thiết kế, AG-600 có thể chở 50 người khi thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm và cứu nạn. Trong nhiệm vụ cứu hỏa, AG-600 có khả năng hút 12 tấn nước từ mặt hồ hoặc biển trong vòng chưa đến 20 giây, đựng trong 4 khoang chứa trên máy bay để dập tắt các đám cháy trên diện rộng.
Mặc dù thủy phi cơ này chưa cất cánh lần nào từ mặt đất cũng như mặt biển, nhưng ngày từ buổi lễ lắp ráp AG-600, các quan chức Trung Quốc đã tuyên bố rằng, tập đoàn chế tạo máy bay này đã nhận được 17 đơn đặt hàng từ các công ty trong nước.
Ngoài ra, một số quốc gia có nhiều đảo, như Malaysia hay New Zealand, đã bày tỏ sự quan tâm tới thủy phi cơ AG-600 và đã triển khai đàm phán với Trung Quốc.
Trung Quốc sẽ triển khai AG-600 xuống Biển Đông
Việc Trung Quốc tuyên bố nghiên cứu, phát triển thủy phi cơ AG-600 cho “những mục đích dân sự” khiến nhiều chuyên gia nghi ngờ về mục đích này.
Với một máy bay tuần tra thông thường cũng có thể hoàn thành nhiệm vụ trinh sát phát hiện tàu ngầm, mà với nhiệm vụ cứu hỏa thì các máy bay vận tải đời cũ được cải tiến và tái trang bị có thể đảm nhiệm, thì lý do phát triển thủy phi cơ khiến người ta khó có thể chấp nhận.
Hồi cuối năm 2015, Tạp chí quân sự Kanwa Defence Review của Canada đã từng nhận định rằng, nếu công năng của AG-600 như giới thiệu, gần như chắc chắn Trung Quốc sẽ không đơn thuần sử dụng thủy phi cơ này vào mục đích dân sự.
Thay vào đó, Bắc Kinh sẽ sử dụng chúng vào mục đích quân sự như một phương tiện vận chuyển và đổ bộ quân tại vùng Biển Đông và biển Hoa Đông mà nước này đang đòi hỏi chủ quyền phi pháp đối với các đảo của Nhật Bản và các nước Đông Nam Á.
Cùng chung nhận định với tạp chí Kanwa, ông Gennady Zagonov - Tư lệnh lực lượng hàng không hạm đội Biển Đen, hải quân Nga cho rằng, với thủy phi cơ AG-600, Trung Quốc có thể trở nên nguy hiểm hơn rất nhiều trên Biển Đông.
Các nhận định này càng trở nên đáng chú ý hơn khi trong một cuộc phỏng vấn, Hoàng Lĩnh Tài từng nhấn mạnh rằng, AG-600 có thể thực hiện nhiệm vụ trong 75 - 80% điều kiện thời tiết của Biển Đông, hỗ trợ đắc lực cho các hoạt động cứu hộ các sự cố đột xuất của các giàn khoan, tàu chở dầu, tàu cá.
Cận cảnh dây chuyền lắp ráp và chân vịt của Giao Long 600 là JL-4A-1 |
Với các sự cố này, do cách bờ biển khá xa, nếu dùng tàu để cứu hộ thì tốn rất nhiều thời gian, trong khi đó, hiệu suất thực hiện nhiệm vụ ở biển gần của máy bay trực thăng rất cao, nhưng một khi vượt khoảng cách 500km thì bán kính nhiệm vụ của nó lại không đủ.
Với bán kính nhiệm vụ 1000km, 2 tiếng đồng hồ sẽ có thể đến hiện trường xảy ra sự cố, với khả năng cất-hạ cánh trong điều kiện sóng cao 2m, nên máy bay có thể kịp thời đến nơi, tiến hành cứu hộ đối với nhân viên, một chuyến nhiều nhất có thể cứu hộ 50 người.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia Nga, hải quân Trung Quốc mới là lực lượng chủ chốt cần tới thủy phi cơ Giao Long AG-600, bởi nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của lực lượng hải quân nước này là chuẩn bị cho khả năng xảy ra xung đột ở Biển Đông.
Ở khu vực này, lợi thế là ở số lượng các đảo mà Bắc Kinh nắm quyền kiểm soát, nhưng các đảo ở khu vực Biển Đông tương đối nhỏ, khó bố trí quân, dùng máy bay trực thăng để vận chuyển thì quá xa, dùng máy bay vận tải cánh cố định sẽ không có đường băng đủ lớn để cất, hạ cánh.
Giới chuyên gia nhận định, nếu có thủy phi cơ, Trung Quốc sẽ nắm được ưu thế rất lớn, bởi loại máy bay này có thể hạ cánh ở vùng nước gần bờ và rìa các đảo, sử dụng nó để điều chuyển binh lực và cung cấp vật tư trang bị cho các đảo sẽ rất thuận tiện cho hoạt động tác chiến trên Biển Đông.
Theo Đất Việt