|
Xóm Cầu Cụt, nơi Đề Bường bị bắt; hiện đang hạ cống để lấp con lạch chảy dưới cầu Cụt |
Đây là một sĩ phu cao tuổi, giàu tâm huyết, quê Phú Nhuận, nhà ở chân Cầu Kiệu.
Từ cuộc khởi nghĩa chống Pháp của cư dân Phú Nhuận...
Bên ngoài, ông mở nhà trọ, quán ăn để đón những thương nhân chở hàng bằng ghe đến cập bến Cầu Kiệu rồi lên Chợ Xã Tài (nay là chợ Phú Nhuận) buôn bán.
Bên trong ông bí mật chiêu mộ nghĩa quân, liên hệ với lực lượng yêu nước ở Hóc Môn, Cần Giuộc, Mỹ Tho, chuẩn bị ngày khởi nghĩa đánh Pháp.
Do sống với nghề sông nước, nên ông đã được mọi người tự tôn vinh là đề đốc - một chức quan thủy quân, kết hợp với tên gọi thành “Đề Bường”.
Kế hoạch khởi nghĩa đánh Pháp của Đề Bường được chuẩn bị khá chu đáo trong tháng Chạp trước Tết Giáp Thân (đầu tháng 2-1885).
Theo kế hoạch, lực lượng nghĩa quân Phú Nhuận chuẩn bị vũ khí và nhân sự để kết hợp với hai cánh quân của lực lượng Hóc Môn do Phan Công Hớn và Nguyễn Văn Quá lãnh đạo, tấn công chợ Xã Tài rồi kéo sang đốt chợ Đất Hộ (Đa Kao), đánh qua bên kia Cầu Kiệu, đột nhập chợ Tân Định trên đường Hai Bà Trưng. Tại đây, các nghĩa quân sẽ để phá một số công sở của Pháp, đốt phá các đồn bót, công sở rồi tiến vào nội ô Sài Gòn, rồi sau đó mở rộng ra giải phóng lục tỉnh.
Để thực hiện kế hoạch, Đề Bường đã liên lạc với nhóm tù nhân hẹn 20h tối 7 tháng Chạp Giáp Thân (21-1-1885) đốt Khám lớn, làm hiệu cho nghĩa quân tấn công Sài Gòn.
Khám lớn cháy từ đêm đến sáng mà cuộc kế hoạch không thành vì nghĩa quân lực lượng Hóc Môn và của Đề Bường bị Pháp chặn đánh, không đến được điểm tập trung.
Riêng Đề Bường đã bị Pháp bắt tại địa điểm nay là Xóm Cầu Cụt, cách bờ rạch Thị Nghè vài trăm mét.
Ngày 21-2-1885, Đề Bường bị Pháp kết án khổ sai chung thân, đày ra Côn Đảo. Ông mất tại đảo một năm sau đó, ở tuổi 70.
Riêng Cầu Cụt nay đã trở thành đoạn đường nối hai con đường Cô Giang và Phan Xích Long. Người ta đang hạ những chiếc cống hộp xuống, để lấp con lạch chảy dưới Cầu Cụt.
Năm 1993, chúng tôi phát hiện một bài vị khắc tên “Nguyễn Văn Bường” được thờ ở khu vực Tiền Hiền trong đình Sơn Trà ở số 113A Nguyễn Phi Khanh (P.Tân Định, Q.1).
Điều này cho thấy rằng cuộc khởi nghĩa chống Pháp của Đề Bường tuy thất bại, nhưng đã được người dân vùng Tân Định kính mến và đã đưa ông vào thờ trong đình Sơn Trà sau khi hay tin ông mất ở Côn Đảo.
|
Chùa Từ Vân (tức chùa Bà Đầm) trên đường Phan Xích Long, Q. Phú Nhuận, Tp.HCM |
|
Chùa Quán Thế Âm trên đường Thích Quảng Đức, Q. Phú Nhuận, TP.HCM |
|
Ngọn lửa tự thiêu của vị Hòa thượng trụ trì chùa Quán Thế Âm (Phú Nhuận, TP.HCM) Thích Quảng Đức chấn động dư luận thế giới, góp phần làm sụp đổ chế độ Ngô Đình Diệm năm 1963 |
|
Cầu Kiệu năm 1955, nhìn về phía trung tâm Sài Gòn |
|
Và cầu Kiệu nhìn về trung tâm TP.HCM những năm đầu thế kỷ 21 |
... Đến ngọn lửa Thích Quảng Đức
Trên địa bàn Phú Nhuận có hai ngôi chùa khá đặc biệt. Trước hết là chùa Quán Thế Âm (hiện nay ở số 90 đường Thích Quảng Đức, P.5, Phú Nhuận, TP.HCM).
Chùa vốn do một số lính thủy Pháp - Việt xây dựng năm 1920, do tin Bồ tát Quán Thế Âm cứu nạn. Quan trọng hơn, ngày 27-5-1963, vị Hòa thượng trụ trì chùa là Thích Quảng Đức đã từ đây đến ngã 4 đường nay là Cách mạng Tháng Tám - Nguyễn Đình Chiểu để tự thiêu, phản đối chế độ Ngô Đình Diệm; chấn động dự luận thế giới và góp phần quan trọng lật đổ chế độ này.
Ngoài ra còn một ngôi chùa khá đặc biệt khác là chùa Từ Vân (hay chùa Lý Dương Sanh - nay toạ lạc tại số 62 đường Phan Xích Long, P.1, Phú Nhuận). Chùa do bà Lý Thị Ly (vợ một công chức người Pháp) đã cho xây dựng năm 1932, vì thế dân gian quen gọi là chùa Bà Đầm, bởi vì người lập chùa có lối sinh hoạt không khác những phụ nữ người Pháp chính cống. Bà Đầm là tiếng đọc trại từ “madame” (“bà” trong tiếng Pháp).
Và hai nhân vật Phú Nhuận ấn tượng
Suốt thập niên 1940, Hương cả làng Phú Nhuận là một người Pháp tên là Louis Vidal, người Việt mình thường kêu là Cả Đành (gọi trại tên Vidal).
Ông Cả Đành vốn lính hải quân Pháp, qua làm thơ ký Nha Bưu điện. Về hưu, Louis Vidal nhận đất Phú Nhuận làm quê hương thứ hai, học tiếng Việt sành sỏi, ăn nước mắm, mặc áo dài khăn đóng, ăn cơm bằng đũa, cưới một người vợ Việt và hai vợ chồng đều theo đạo Phật.
Chỗ ông cư ngụ trước kia ở cổng số 10 đường Võ Di Nguy Phú Nhuận (nay là đoạn đường xe lửa chạy ngang qua đường Nguyễn Kiệm).
Ông Cả Đành tánh bình dân, ăn mặc lôi thôi, thích ăn trầu và uống nước trà Huế hơn là uống rượu Tây. Tại công sở luôn có nồi trà Huế để sẵn, khi khát nước thì ông tự tay đi múc lấy mà uống.
Tuy mang dòng máu người Pháp, nhưng ông Cả Đành rất hiền lành, tử tế. Từ ngày lãnh chức Hương cả làng Phú Nhuận, ông có nhiều uy tín với người Pháp, nhưng đồng thời che chở cho dân làng Phú Nhuận rất nhiều, không hại ai.
Ông làm Hương Cả từ năm 1946 đến năm 1953 thì mãn phần. Trước ngày mất, ông căn dặn vợ con rước lễ nhạc Việt Nam, rước nhà sư ở chùa đến tụng niệm, làm y phong tục người Việt.
Một nhận vật khác là Đội Có từng được mệnh danh là tỉ phú. Đội Có tên thật là Nguyễn Văn Có; thời Pháp, khoảng năm 1937, làm cảnh sát ở xã Phú Nhuận; sau lên chức Đội, phụ trách trật tự chợ Phú Nhuận.
Về sau, Đội Có nghỉ việc về nhà, kinh doanh nhiều ngành nghề như cho vay, cho thuê hay bán nhà đất nằm dọc hai bên đường Võ Di Nguy (nay là đường Phan Đình Phùng); cho thuê hàng chục biệt thự ở Đà Lạt; cho ngoại kiều thuê nhiều chung cư ở Sài Gòn, có hãng xe đò Bửu Hiệp chạy trên tuyến Sài Gòn - Đà Lạt; có đất vườn trồng hoa ở Đà Lạt đem về Sài Gòn bán.
Ông đội này còn có gara xe hơi ở số 86 đường Yên Đỗ (nay là Lý Chính Thắng); kinh doanh cả chó berger Đức và ngựa đua; sau cùng là hùn vốn với ông Nguyễn Tấn Đời mở "Tín Nghĩa Ngân hàng" (ngân hàng tư nhân đầu tiên ở sài Gòn) và được cử làm phó giám đốc.
Sau 1975, Đội Có ra nước ngoài sống với con cái.
Theo Thanh Niên