|
Ba chiếc xe tăng cháy tại Lăng Cha Cả ngày 30/4. Ả |
Từ hình ảnh ba chiếc xe tăng cháy
Trong quá trình tìm hiểu quanh câu chuyện về ba chiếc xe tăng cháy, tôi đã gặp cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Ðình Thi, khi tham gia trận đánh tại Lăng Cha Cả ngày 30/4. Ông là Chính trị viên phó Ðại đội 2 (Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 24, Sư đoàn 10, Quân đoàn 3). Trận chiến ngày đó, ông đứng khá gần ba chiếc xe tăng cháy nên thấy rõ sự việc.
“Ðể biết trận chiến tại Lăng Cha Cả, trước hết cần nói đến trận đánh tại ngã tư Bảy Hiền” - CCB Nguyễn Ðình Thi mở đầu câu chuyện. Ông kể, chiều 29/4/1975, Trung đoàn 24 (E24) đã ở gần sân bay Tân Sơn Nhất, nhưng được lệnh dừng tại đó để chờ các cánh quân khác của chiến dịch, hôm sau sẽ đồng loạt tấn công.
Muốn đánh sân bay Tân Sơn Nhất và Bộ Tổng Tham mưu Việt Nam Cộng hòa (VNCH), trước hết phải vượt qua ngã tư Bảy Hiền. Cùng phối hợp đánh sân bay với E24 khi đó có Trung đoàn xe tăng 273. Hơn 6 giờ sáng 30/4, khi đại đội 2 cùng với các đơn vị khác của tiểu đoàn 4 vào tới đường Lê Văn Duyệt, cách ngã tư Bảy Hiền chừng 400 mét thì pháo của ta bắt đầu bắn vào sân bay Tân Sơn Nhất để đánh phủ đầu.
Do trước đó được lệnh chốt ở gần ngã tư Bảy Hiền nên tiểu đoàn 5 (E24) tấn công đầu tiên. Khi xe tăng 979 của đại đội trưởng Lê Hồng Tư (trung đoàn 273) đi cùng tiểu đoàn 5 vừa vào tới ngã tư Bảy Hiền đã trúng đạn địch, bốc cháy. Từ phía sau, các xe tăng 985 và 890 của ta vừa lao lên vừa bắn. Tới gần xe tăng M48 của địch, trưởng xe 985 Mai Trọng Hoạt lệnh cho lái xe Phùng Văn Tính đâm thẳng khiến xe địch bị xô lại phía sau, vội quay đầu chạy mất. Trong trận đánh khốc liệt này, ta đã thắng thế, nhưng số lượng xe tăng không tránh khỏi sứt mẻ.
Khi pháo chiến dịch bắn vào sân bay ngừng, đại đội 2 (tiểu đoàn 4) được lệnh điều 4 xe tăng lên tăng cường cho tiểu đoàn 5. Việc tăng cường đạt hiệu quả, khiến quân ta vượt qua được ngã tư Bảy Hiền. Tiếp đó, đại đội 2 cùng xe tăng đã vượt tiểu đoàn 5 để tiến vào khu vực Lăng Cha Cả. Số xe tăng, xe thiết giáp đi cùng tiểu đoàn 5 lát sau cũng có mặt tại đây.
Lăng Cha Cả là khu lăng mộ của một giáo sĩ người Pháp là Bá Ða Lộc, rộng chừng 2.000m2, có ba mặt trống rất thuận lợi cho việc phòng thủ. Từ đây tới cổng số 5 của sân bay Tân Sơn Nhất khoảng 200 mét, cách Bộ Tổng Tham mưu VNCH chừng 300-400 mét. Ðây là hai khu vực quân sự trọng yếu nên lực lượng phòng thủ của địch tại đây rất mạnh.
Ngoài quân số có sẵn, từ ngày 26/4 địch đã tăng cường tại hai khu vực này 1.000 quân tinh nhuệ. Bên cạnh đó, các xe tăng, xe bọc thép, hỏa lực các loại, hỏa tiễn chống tăng M72 cũng được trang bị đầy đủ. Trước tình hình đó, xe tăng, xe bọc thép của đại đội 2 (tiểu đoàn 4) và đại đội 7 (tiểu đoàn 5) đánh theo đường Võ Tánh tại khu vực Lăng Cha Cả. Khi chiếc xe tăng đầu tiên của ta vượt qua dãy phố đã trúng hỏa tiễn M72 của địch, bốc cháy.
Từ phía sau, xe bọc thép K63 do đại đội trưởng đại đội 7 Trịnh Bá Tư chỉ huy lao lên cũng trúng tiếp hỏa tiễn của địch. Lách qua hai xe tăng bị cháy, xe tăng thứ ba húc vào dải phân cách để tiến lên, nhưng vừa nhô khỏi khoảng trống cũng bị bắn cháy… “Ba chiếc xe tăng của ta bị cháy sau đó được phóng viên hãng Corbis chụp, thể hiện sự khốc liệt đến tận giờ chót của cuộc chiến giải phóng miền Nam”- CCB Nguyễn Ðình Thi nói.
Rồi ông lấy iPad, mở cho tôi xem một hình ảnh khác về 3 chiếc xe tăng bị cháy. “Ðây là hình ảnh tôi mới được một người bạn gửi. Không rõ bức ảnh này với bức ảnh vừa đề cập có phải cùng một người chụp không? Nhưng căn cứ vào hình ảnh hai thiếu nữ Sài Gòn đạp xe có trong bức ảnh, thì thời điểm chụp bức ảnh này sau bức ảnh trước khá lâu” - CCB Nguyễn Ðình Thi cho biết.
|
Cựu chiến binh Nguyễn Ðình Thi xem lại bức ảnh ba chiếc xe tăng cháy năm xưa. |
Nỗi đau ngày đại thắng
CCB Nguyễn Ðình Thi cho biết, khi ba chiếc xe tăng bị cháy tại Lăng Cha Cả, ông đứng cách đó khoảng 30 mét. Khi thấy một số đồng đội của đại đội 2 ở trên chiếc xe tăng bị cháy đầu tiên nhảy xuống, Nguyễn Ðình Thi cùng họ nép vào hè đường tránh đạn. Khi bị địch bắn rát quá, các anh được một người dân cho vào nhà núp, rồi mở cửa hậu để tất cả đi phía đằng sau.
Khi Nguyễn Ðình Thi cùng đồng đội trở lại trận chiến thì gặp đội hình tiểu đoàn 5 đánh tới khu vực đầu Lăng Cha Cả. Xe tăng, xe bọc thép của ta cũng dồn tại đây. Tại vị trí chiến đấu, Nguyễn Ðình Thi cùng đồng đội dùng súng cối bắn, vì lúc này vướng nhà nên hỏa lực xe tăng không phát huy được.
Ðang lúc cam go, bỗng có một nhóm thanh niên tay đeo băng đỏ, ngồi trên các chiếc xe lam có cắm cờ giải phóng chạy từ phía ngã tư Bảy Hiền tới, hô lớn: “Dương Văn Minh đầu hàng rồi, hòa bình rồi các chú ơi!”. Nguyễn Ðình Thi vội chặn đường, nói: “Yêu cầu tất cả quay lại, ở đây còn đang đánh nhau”. Các thanh niên vẫn chưa tin, nhưng đúng lúc đó pháo địch bắn tới khiến họ vội tản đi nơi khác.
Sau tuyên bố đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh vào khoảng 11giờ 30, tiếng súng ở các nơi trong nội đô Sài Gòn thưa dần, nhưng tại khu vực Lăng Cha Cả cuộc chiến vẫn diễn ra quyết liệt. Lãnh đạo E24 dùng bộ binh chia thành các đội nhỏ, luồn lách qua các ngôi nhà đánh vào trong để tiêu diệt các ổ hỏa lực của địch ở phía trước Lăng Cha Cả và cổng sân bay Tân Sơn Nhất. Xe tăng, xe thiết giáp cơ động phía sau hỗ trợ bộ binh tấn công. Khoảng 12 giờ 30 phút, E24 mới làm chủ hoàn toàn sân bay Tân Sơn Nhất.
Chiều 30/4, Nguyễn Ðình Thi và một số người của đại đội 2 được giao nhiệm vụ giải quyết công tác tử sĩ tại khu vực ba chiếc xe tăng cháy. Trong số đồng đội hy sinh, Ðình Thi nhận ra anh Khúc Duy My, trợ lý tác chiến của tiểu đoàn nằm ở bên trái chiếc xe tăng cháy đầu tiên. Lúc chiến đấu, anh My đi theo quân số đại đội 2 trên chiếc xe tăng này.
“Khi ở Ban Tuyên huấn trung đoàn cùng tôi, Khúc Duy My là đội trưởng đội tuyên văn, có biệt tài kéo nhị và diễn hài. Sáng 30/4, lúc dừng chân ở đường Lê Văn Duyệt trò chuyện cùng tôi, anh còn nói sau bao năm chờ đợi nay đất nước sắp giải phóng rồi. Vậy mà anh đã hy sinh vào thời điểm cuối của cuộc chiến. Ngoài anh My, còn nhiều đồng đội khác nữa hy sinh mà có người tôi nhận ra, có người thì không thể…”- CCB Nguyễn Ðình Thi nghẹn lời, không kìm được nước mắt.
|
Khu vực Lăng Cha Cả ngày nay |
Cuối buổi nói chuyện, CCB Nguyễn Ðình Thi cho tôi biết, nhà văn Bảo Ninh, tác giả cuốn tiểu thuyết nổi tiếng “Nỗi buồn chiến tranh” từng là lính trinh sát của tiểu đoàn 5, E24. “Chúng tôi cùng có mặt ở Lăng Cha Cả ngày 30/4/1975, nhưng hồi đó chưa biết nhau. Sau này khi biết nhau thì luôn gặp gỡ”- CCB Nguyễn Ðình Thi nói. Rồi ông cho tôi xem cuốn truyện ký “Lính Sư 10” do Nhà Xuất bản Hội nhà văn xuất bản năm 2016 và cho biết nhà văn Bảo Ninh cùng ông đều có bài viết trong đó.
Xem cuốn sách, tôi thấy trong “Lính Sư 10” Nguyễn Ðình Thi có hai bài, trong đó một bài nói về trận chiến ở Lăng Cha Cả. Hồi tưởng thêm về trận chiến này, ông nói: “Chiến tranh không tránh khỏi mất mát, hy sinh. Và điều đó càng làm chúng ta trân trọng hơn thành quả của độc lập, thống nhất đất nước”.
Cuộc gặp tại nhà CCB Nguyễn Ðình Thi hôm đó, tôi có dịp nói chuyện qua điện thoại với nhà văn Bảo Ninh. Nhà văn cho biết tại Lăng Cha Cả ngày 30/4/1975, ngoài ba chiếc xe tăng nói trên, còn có xe tăng nữa của ta bị cháy. “Trận chiến hôm đó thật ác liệt. Nhiều đồng đội chúng tôi đã ngã xuống khi chiến thắng đã ở rất gần”- Nhà văn bồi hồi nói.
CCB Nguyễn Ðình Thi cho biết, sau ngày giải phóng, mỗi lần từ miền Bắc vào thành phố Hồ Chí Minh, ông đều trở lại Lăng Cha Cả để tìm dấu tích năm xưa và thắp nén nhang cho đồng đội. Lần trở lại gần đây, ông thấy khu vực này đã đổi khác hoàn toàn. Nơi đây giờ là một nút giao thông rộng lớn, người đi lại nhộn nhịp suốt ngày đêm.
“Tại đây, nếu có một tấm bia ghi dấu trận đánh kéo dài nhất trong ngày 30/4/1975, thì những người qua lại nơi đây và thế hệ mai sau sẽ không quên những người đã ngã xuống tại mảnh đất này khi chiến thắng đã cận kề”- CCB Nguyễn Ðình Thi bày tỏ.
“Sáng 30/4, lúc dừng chân ở đường Lê Văn Duyệt trò chuyện cùng tôi, anh còn nói sau bao năm chờ đợi nay đất nước sắp giải phóng rồi. Vậy mà anh đã hy sinh vào thời điểm cuối của cuộc chiến. Ngoài anh My, còn nhiều đồng đội khác nữa hy sinh mà có người tôi nhận ra, có người thì không thể…”. Cựu chiến binh Nguyễn Ðình Thi |
Theo Tiền Phong