Mỹ đòi 1 tỷ USD vì THAAD: Triều Tiên thành mối lợi ?

Thứ bảy, 29/04/2017, 13:36
Khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên là cơ hội tốt cho việc kinh tế hoá chính trị của Trump và đe doạ “Tomahawk bay vào Triều Tiên” chỉ là để kiếm tiền...

Tomahawk Mỹ ngày càng xa Triều Tiên

Không khí sôi sục tại khu vực Đông Bắc Á chưa hạ nhiệt vì Kim Jong-un vẫn cho phóng tên lửa, còn Donald Trump thì cho biết sự kiên nhẫn cũng đã cạn dần. Một cuộc chạm trán quân sự lần đầu tiên sau hơn nửa thế kỷ giữa Mỹ và Triều Tiên tưởng như khó tránh khỏi, nhưng cuối cùng vẫn chỉ là sự đe doạ, thách đố lẫn nhau.

Nguy cơ bùng nổ xung đột Mỹ - Triều được nhìn nhận là có khả năng cao khi Trump vừa thực hiện tấn công quân sự Syria. Trong khi “vũ khí hoá học Syria” còn đứng sau “vấn đề hạt nhân Triều Tiên” trong sự quan tâm của Trump nhằm thiết lập một trật tự thế giới mới theo ý đồ của Washington, song cuối cùng vẫn chỉ là lời nói.

Tomahawk Mỹ ngày càng xa Triều Tiên

Tình hình trên bán đảo Triều Tiên nóng lên từng ngày, từng giờ khi Bình Nhưỡng liên tục có hành động được cho là đã tới “giới hạn đỏ” của Trump. Hải quân Mỹ được cho là đã điều hàng không mẫu hạm trang bị vũ khí nhằm “dạy cho Kim Jong-un một bài học”. Tình huống tồi tệ nhất đã không xảy ra.

Cho đến giờ phút này, với những gì đang diễn ra, giới phân tích cho rằng những quả tên lửa Tomahawk của Mỹ chưa thể, thậm chí là không thể bay vào Triều Tiên. Giới quan sát rất ngạc nhiên, còn dư luận thì bán tín bán nghi với kế hoạch trừng phạt Triều Tiên của Trump.

Phải chăng Washington không muốn đưa mình vào thế tiến thoái lưỡng nan sau khi Trump quá vội vã cho “Tomahawk Mỹ bay vào Syria”? Hay phải chăng đó có thể chỉ là đòn gió của Washington với Nga, Trung – thể hiện sự kiên quyết với Bình Nhưỡng, vốn vừa là đồng minh chiến lược của Bắc Kinh, vừa là nơi tạo ảnh hưởng của Moscow trong ngoại giao nước lớn?

Phải chăng chiến dịch phá hoại tên lửa của Triều Tiên mà cựu Tổng thống Obama phát động từ năm 2014 đã đạt được kết quả khiến Trump “bất chiến tự nhiên thành”?

Hay đó thực ra chỉ là đòn gió của Washington với Nhật, Hàn - nguy hiểm hoá mối đe doạ từ xứ Bắc Hàn để thăm dò thái độ về thay đổi sự đóng góp của Tokyo và Seoul với “sự nghiệp bảo trợ” của Washington đối với các đồng minh?

Reuters ngày 28/4 đưa tin, trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với hãng tin này của Anh, Tổng thống Donald Trump cho biết ông muốn Hàn Quốc trả 1 tỷ USD cho Mỹ trong việc triển khai Hệ thống Phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD).

"Tôi thông báo với Hàn Quốc rằng họ phải trả tiền mới là hợp lý. Đó là một chương trình tiêu tốn tới 1 tỷ USD".

THAAD là một hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến của Mỹ có thể kiểm tra sức mạnh của liên minh giữa Seoul và Washington vào thời điểm căng thẳng với Triều Tiên.

Khi đòi tiền THAAD, Trump sẽ không dùng "tên lửa bắn lạc đà" nữa

Giới phân tích cho rằng, lời đề nghị của người đứng đầu Nhà Trắng với Hàn Quốc về việc trả kinh phí cho THAAD có thể được xem là lời nhắc nhở các đồng minh chiến lược Đông Bắc Á về kinh phí cho việc phóng tên lửa Tomahawk vào Triều Tiên.

Hành động của Kim Jong-un được nhìn nhận có tính thách thức Mỹ thì ít mà đe doạ Hàn, Nhật thì nhiều vì vậy để xoá tan mối đe doạ thì các đồng minh chiến lược của Mỹ phải trả tiền cho Mỹ.

Trump chắc chắn sẽ không lặp lại việc “dùng tên lửa bắn lạc đà” như cho “Tomahawk bay vào Syria”, để rồi nhận chỉ trích và qua đó gia cố lồng nhốt quyền lực của mình.

Tuy nhiên, phản ứng từ xứ sở kim chi đã không như mong muốn của Trump. Ông Kim Ki-jung, một cố vấn chính sách đối ngoại hàng đầu của Nhà Xanh cho rằng đề xuất Hàn Quốc phải trả cho THAAD là không thể thực hiện.

Nhà chính trị Hàn Quốc đưa ra hai lý do. Thứ nhất, "ngay cả khi chúng tôi mua THAAD, hoạt động chính của nó vẫn nằm trong tay của Mỹ". Thứ hai, khoản chi phí để mua THAAD có thể bị coi là phạm luật của Hàn Quốc.

Với THAAD đã triển khai và gần hoàn tất, lại mang tính phòng thủ chiến lược lâu dài cho Hàn Quốc mà còn như thế, vì vậy làm sao Seoul chịu trả tiền cho những quả “Tomahawk bay vào Triều Tiên”. Do đó, Tomahawk Mỹ ngày càng xa Triều Tiên.

Thương vụ làm ăn với Bắc Kinh?

Liệu Trump đã tách biệt công - tư trong các phi vụ kinh tế hoá chính trị?

Là một nhà kinh doanh khi bước vào chính trường, Trump đã rất thành công trong phi vụ kinh tế hoá chính trị độc nhất vô nhị của mình, đó là được bước vào Nhà Trắng, ngồi trên chiếc ghế quyền lực tối cao của nước Mỹ.

Tuy nhiên, khi ở cương vị Tổng tư lệnh của nước Mỹ, vị Tổng thống doanh nhân luôn bị đặt câu hỏi liên quan đến lợi ích tư – công, cho dù nhà lãnh đạo Mỹ đã có những động thái cho thấy đã gạt quyền lợi của một doanh nhân để thực thi tốt nhất quyền lực của một tổng thống Mỹ.

Nhưng hoài nghi của giới chính trị, giới truyền thông Mỹ không phải là không có cơ sở.

Trung Quốc đã nhanh chóng phê duyệt 38 đề nghị đăng ký thương hiệu, trong số 70 thương hiệu mà Tổng thống Trump sở hữu tại Trung Quốc. Nếu không có phản đối thì những thương hiệu này sẽ chính thức được đăng ký trong vòng 90 ngày, theo AP ngày 8/3/2017.

Theo BBC, các chuyên gia trong chính trường Mỹ nói rằng việc cấp giấy phép đăng ký thương hiệu này có thể được xem như một "khoản thù lao" - một từ để chỉ tiền lương hay lợi nhuận do một chính phủ ngoại quốc cung cấp. Và theo Hiến pháp Mỹ thì những khoản thù lao như vậy là bất hợp pháp.

Tuy nhiên, ông Richard Painter, một cựu luật sư phụ trách khía cạnh đạo đức của Tổng thống George W. Bush, thì cho rằng con số đăng ký thương hiệu được phê duyệt không hẳn là bất hợp pháp, nhưng nó đặt ra câu hỏi về việc liệu Bắc Kinh đang có những ưu tiên cho Tổng thống Trump và không loại trừ khả năng có những sự lại quả.

Khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên là cơ hội tốt nhất để Trump kiếm tiền?

"Một đăng ký thương hiệu, bản quyền thông thường từ một chính phủ ngoại quốc không có nhiều khả năng là một khoản thù lao vi hiến, nhưng với con số đăng ký thương hiệu nhiều như vậy được phê duyệt trong một thời gian ngắn như thế khiến nảy sinh câu hỏi liệu có sự ưu tiên ở đây không”, BBC dẫn lời phân tích của ông Painter.

Triều Tiên đang ngày càng muốn thoát khỏi cái bóng của Bắc Kinh, mà việc ra tay để uốn nắn ngưởi anh em ương ngạnh này không phải dễ dàng với Bắc Kinh, trong vị thế người bảo trợ. Không những vậy, nó sẽ là lợi bất cập hại nếu Bắc Kinh không có đủ lý do hợp lý trong những hành xử của mình.

Nếu khai thác sự khiêu khích của Kim Jong-un đối với Donad Trump, dường như, đó là một lý lẽ xác đáng cho nước đi này.

Ông Trump càng đe doạ Bình Nhưỡng thì vai trò của Bắc Kinh trong tình thế ngàn cân treo sợi tóc càng lớn và lúc đó thì dù che chở hay trừng phạt Bình Nhưỡng đều giúp cho Trung Nam Hải dễ đường ăn nói.

Ở phía ngược lại, giới phân tích cho rằng có thể không chỉ 38 thương hiệu của Trump sớm được đăng ký, mà thậm chí phần còn lại của 70 thương hiệu mà Trump sở hữu ở Trung Quốc cũng sẽ sớm được phê duyệt và cho đăng ký tại Trung Hoa đại lục.

Một phản ứng tự nhiên, hệ quả của những hành động mới đây là, người dân Hàn Quốc phẫn nộ, chính giới Hàn Quốc thất vọng khi ông Trump cho biết tàu sân bay USS Carl Vinson đang tiến về bán đảo Triều Tiên, trong lúc nó đang tập trận ở mãi tận Tây Thái Bình Dương. Những điều đó không có gì đáng ngạc nhiên.

Theo Đất Việt

Các tin cũ hơn