Trung Quốc và sự thực đau lòng Pakistan

Thứ sáu, 28/04/2017, 15:06
"Trung Quốc đang nắm quyền kiểm soát Pakistan thông qua các dự án kinh tế và hợp tác quân sự với mưu đồ đáng báo động".  

Nắm quyền kiểm soát

Mạng phân tích Á-Âu vừa có bài viết mô tả về mối quan hệ đặc biệt giữa Pakistan, một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân, với nước láng giềng khổng lồ Trung Quốc.

Quan hệ giữa Trung Quốc và Pakistan ngày càng khăng khít

Pakistan, một nước Cộng hòa Hồi giáo sở hữu hạt nhân, tự xưng là có tầm quan trọng địa chính trị toàn cầu và có vị trí chiến lược tương đương với Ấn Độ.

Theo bài viết trên mạng Á-Âu, Pakistan đã chấp nhận trước những áp lực địa chính trị của Trung Quốc trong những thập kỷ qua để cạnh tranh với Ấn Độ. Và cho đến nay, bất chấp những tuyên bố mạnh mẽ của mình, Pakistan dường như đã bị Trung Quốc chi phối hoàn toàn.

Những cụm từ hoa mỹ như “núi cao”“biển sâu” được dùng để mô tả mối quan hệ “anh em” giữa Trung Quốc và Pakistan bị coi là một sự che đậy bản chất nhằm đánh lừa người dân Pakistan.

Nặng nề hơn, bài viết còn cho rằng Pakistan của năm 2017 dường như được biết đến như một tỉnh Hồi giáo của Trung Quốc, giống như Tân Cương.

Ai giúp sức?

Câu hỏi đặt ra là mức độ Trung Quốc kiểm soát các tiến trình chính sách ngoại giao, thống trị tương lai kinh tế của Pakistan và đặc biệt, Trung Quốc đã thâm nhập vào hệ thống quân đội Pakistan tới mức nào, hay Quân đội Pakistan hiện lệ thuộc vào Trung Quốc đến đâu.

Nhiều người xuất thân trong giới hàn lâm và chiến lược hiện làm việc trong quân đội Pakistan, lực lượng chi phối chính sách đối ngoại của Pakistan với Ấn Độ và Afghanistan, và kể cả với các cường quốc như Nga hay Mỹ.

Theo mạng phân tích Á-Âu, chính sách ngoại giao của Pakistan đối với những nước này đều bị Trung Quốc chi phối, thông qua lực lượng ủy nhiệm là Quân đội Pakistan. Điều đó có nghĩa là Pakistan bị ép phải tính đến những nhạy cảm chiến lược của Trung Quốc khi thực hiện các quyết sách về Ấn Độ và Afghanistan, và xu hướng quan điểm của Pakistan đối với các cường quốc lớn cũng đã được xác định rõ.

Binh sĩ Trung Quốc và Pakistan tập trận chung

Trục Trung Quốc-Pakistan được thể hiện rõ nhất trong năm 2017 với sự “đồng lõa” của quân đội và giới chức Pakistan, cũng như các thế lực mới nổi. Các thế lực này đóng vai trò quan trọng như những nhân tố quyết định đến sự đảo ngược các quyết sách trước nay của Pakistan với Mỹ, Ấn Độ và Afghanistan.

Sự kiểm soát của Trung Quốc được tiến hành bằng cách thâm nhập vào tầng lớp quân đội và chính trị gia chiếm ưu thế ở Pakistan.

Hiện có nhiều nghi vấn như Trung Quốc dùng quyền phủ quyết để “che chở” cho những đối tượng khủng bố như Massod Azhar thoát khỏi sự trừng phạt của Mỹ, liên kết với các tổ chức cực đoan của Quân đội Pakistan để nhằm vào Ấn Độ.

Năm 2017, Trung Quốc thành công ở Pakistan trong mọi lĩnh vực kinh tế từ phát điện, phát triển cơ sở hạ tầng...đẩy Pakistan xuống vị trí là nguồn kinh tế dự phòng cho nền kinh tế Trung Quốc.

Thành tựu của Trung Quốc trong việc thuyết phục được Pakistan dám đặt cược cả hiện tại và tương lai nền kinh tế thịnh vượng của mình đã được thể hiện trong tuyên bố của ông Tập Cận Bình vào năm 2015 về dự án đầy phô trương trị giá 46 tỷ USD, mang tên Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC).

Tầm nhìn từ một chốt gác của quân đội Pakistan xuống phía cảng Gwadar do Trung Quốc "tài trợ" xây dựng và gần như toàn quyền sử dụng

CPEC thực chất chỉ là một âm mưu để Trung Quốc kiểm soát Pakistan một cách lâu dài, cả về chiến lược lẫn kinh tế. Theo đó, Pakistan buộc phải đi vay các khoản khổng lồ từ các ngân hàng Trung Quốc với lãi suất cao để bơm tiền cho CPEC và một số chuyên gia cho rằng Pakistan có thể mất tới gần 40 năm mới trả được các khoản nợ Trung Quốc.

Lời cảnh tỉnh

Tại Pakistan, cũng có nhiều ý kiến công khai bày tỏ nghi vấn về những lợi ích kinh tế của CPEC đối với Pakistan, đồng thời chỉ ra rằng những lợi ích kinh tế thực thụ chỉ dồn hết vào Trung Quốc. Dù lợi ích kinh tế có chảy vào Pakistan thì thực tế đều chỉ có lợi cho quân đội Pakistan và tỉnh Punjab do lực lượng này thống trị.

Mạng phân tích Á-Âu đã chỉ một sự thật “đau lòng” đối với Pakistan là họ đã bị “chia để trị” theo hình mẫu đô hộ cổ điển. CPEC chủ yếu chỉ hoạt động tại trung tâm tỉnh Punjab.

Quân đội Pakistan chưa bao giờ “bán linh hồn” cho Mỹ dù trong nhiều thập kỷ Mỹ là một “nhà bảo trợ chiến lược” của Pakistan và còn bơm thêm cho Pakistan hàng tỷ USD viện trợ. Trái lại, quân đội Pakistan vẫn bị gọi là kẻ hai mặt với Mỹ. Thế nhưng, nay họ lại “bán linh hồn” cho Trung Quốc dù Trung Quốc không thể hào phóng bằng Mỹ.

Quân đội Pakistan được cho là nguồn lực trợ giúp chủ yếu đối với Trung Quốc trong việc thực thi CPEC. Chính quân đội Pakistan đã cam kết sẽ là lực lượng bảo vệ an ninh duy nhất cho CPEC, thậm chí còn đang tranh cãi với chính phủ dân sự khi thể hiện tham vọng toàn quyền kiểm soát dự án CPEC.

Chiến đấu cơ JF-17 của không quân Pakistan "công nghệ" Trung Quốc

Nhìn lại lịch sử, bài viết trên tạp chí phân tích Á-Âu cho rằng kho vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của quân đội Pakistan có được hoàn toàn là nhờ công nghệ và sự hỗ trợ của Trung Quốc.

Nếu trong tương lai, Pakistan có hy vọng thoát khỏi Trung Quốc thì có lẽ Quân đội Pakistan phải mất đến hàng thập kỷ.

Đáng chú ý hơn, Trung Quốc luôn là “cố vấn” cho Pakistan bất cứ khi nào đối mặt với khủng hoảng liên quan tới Ấn Độ.

Như vậy, Trung Quốc đã lợi dụng được mâu thuẫn này để nắm được Pakistan. Lời cảnh báo được đưa ra đối với Ấn Độ là họ không chỉ đối mặt với một mình Pakistan mà cả với một Trung Quốc đang có âm mưu chiến lược ở Nam Á. Pakistan đã trở thành một lực lượng ủy nhiệm trong nỗ lực của Trung Quốc nhằm đối phó Ấn Độ.

Theo Đất Việt

Các tin cũ hơn