Trung Quốc cho nổ lòng sông MêKong: Đáng sợ nhất là...

Thứ sáu, 28/04/2017, 09:28
Ủy hội sông Mê Kong cần đề nghị Trung Quốc trình bày mục đích và đánh giá xem khảo sát có ảnh hưởng gì đến quyền lợi của các nước hay không.

Sợ nhất là Trung Quốc làm các công trình nâng tàu

Trung Quốc vừa tiến hành thăm dò các thác ghềnh tại 15 điểm trên dòng Mê Kong, bắt đầu từ Tam Giác Vàng, vùng giao thoa của ba nước Lào, Myanmar và Thái Lan.

Các chuyên gia quốc tế lo ngại, Trung Quốc có thể dùng chất nổ đánh sập thác ghềnh để tạo thuận lợi cho giao thông.

Trao đổi với Đất Việt, GS.TS Nguyễn Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam cho rằng cần phải đánh giá, xem xét vấn đề này ở nhiều khía cạnh.

Theo GS Hồng, về mặt xây dựng, việc dùng chất nổ đánh sâp thác ghềnh nhằm phục vụ cho giao thông thuận tiện hơn, quốc tế không cấm và các nước được phép làm. Hơn nữa trong trường hợp này, Trung Quốc tiến hành hoạt động trên tại địa phận Thái Lan và đã được chính phủ nước này đồng ý.

Ủy hội sông Mê Kong cần đề nghị Trung Quốc trình bày mục đích và đánh giá xem khảo sát có ảnh hưởng gì đến quyền lợi của các nước hay không.

“Giao thông đường thủy mà có thác ghềnh thì bao giờ người ta cũng phải cải tạo. Việc này quốc tế cho phép và tôi nghĩ cũng không cần quá lo lắng. Chỉ khi nào hoạt động trên gây ô nhiễm môi trường, làm mất đường cá đi hay xây dựng thêm các công trình khiến khu vực hạ lưu bị mất nước, mất phù sa thì Việt Nam và Ủy hội sông Mê Kong mới cần lên tiếng.

Còn nổ mìn, phá đá dòng sông nhằm phục vụ giao thông thủy xuyên quốc gia thì quốc tế vẫn cho phép. Ủy hội sông Mê Kong cũng chỉ quan tâm là hoạt động này có độc quyền hay người nào cũng đi được? Nếu chỉ phá đá, thác ghềnh để phục vụ giao thông và không gây ảnh hưởng đến quyền lợi của quốc gia nào thì họ sẽ ủng hộ.

Trung Quốc đã từng làm việc này tại Miến Điện để nối các dòng sông với nhau và người ta đồng ý”, ông Hồng nhấn mạnh.

Dù khẳng định việc tác động đến thác ghềnh là được phép, tuy nhiên GS Nguyễn Trọng Hồng cho rằng cần phải tìm hiểu thật kỹ mục đích Trung Quốc khai thác các điểm trên sông Mê Kong.

“Việc này có đúng là để phục vụ giao thông hay xây dựng những công trình để nâng tàu. Tôi sợ nhất là Trung Quốc làm các công trình nâng tàu.

Chẳng hạn như dự án giao thông thủy xuyên Á trên sông Hồng vừa rồi, chính tôi đã phải lên tiếng phát biểu. Nếu làm theo những yêu cầu đưa ra thì dưới hạ lưu sẽ không có nước, ảnh hưởng đến đường di cư của cá và các loài thủy sinh khác vào mùa sinh sản”, ông Hồng nêu vấn đề.

Cùng đưa ý kiến, GS.TS Trương Đình Dụ, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam cũng khẳng định, không nên quá lo ngại trước việc Trung Quốc dùng chất nổ đánh sập thác ghềnh trên sông Mê Kong.

Theo ông Dụ, việc các chuyên gia môi trường của Thái Lan lo ngại và phản đối kế hoạch trên của Trung Quốc hoàn toàn dễ hiểu. Bởi lẽ việc này trong chừng mực nhất định sẽ ảnh hưởng và tác động đến cảnh quan tự nhiên trên các điểm sông Mê Kong. Tuy nhiên về lâu dài, vị chuyên gia cho rằng, việc phá bỏ các thác ghềnh sẽ giúp giao thông đi lại được thuận tiện hơn.

“Chính phủ Thái Lan cho phép, chứng tỏ họ đã có sự đánh giá tác động môi trường rồi. Tôi nghĩ khi Thái Lan đã có dự án phá bỏ ghềnh đá để phục vụ giao thông đường thủy, chúng ta cũng không nên quá lo lắng”, ông Dụ nhấn mạnh.

Trung Quốc phải giải trình rõ ràng

Trước kế hoạch trên của Trung Quốc, GS Nguyễn Trọng Hồng cho rằng, Việt Nam nên có ý kiến với nước bạn để đề phòng trước các tình huống có thể xảy ra.

“Mê Kong là dòng sông thông thương của các nước. Nếu Trung Quốc bạt đá và không xây dựng công trình nào để bắt tàu bè đi theo sự kiểm soát thì chúng ta ủng hộ. Nhưng nếu xây dựng công trình với mục đích kéo tàu lên tàu xuống mà phía Việt Nam đi phải xin phép thì chúng ta phản đối. Chúng ta nên đặt vấn đề này với nước bạn”, ông Hồng nói.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam cũng đề nghị Ủy hội sông Mê Kong có tiếng nói cụ thể hơn về vấn đề này đồng thời yêu cầu phía Trung Quốc công khai mục đích của dự án.

“Ủy hội sông Mê Kong cần đề nghị Trung Quốc trình bày mục đích và có đánh giá tác động việc triển khai kế hoạch trên có ảnh hưởng gì đến quyền lợi của các nước dùng chung dòng Mê Kong hay không. Đặc biệt vấn đề sinh thái, vấn đề môi trường, an ninh quốc phòng phải hết sức lưu ý.

Khi Trung Quốc trình bày xong các vấn đề trên thì Ủy hội sông Mê Kong sẽ có ý kiến. Tôi không rõ khi triển khai kế hoạch này phía Trung Quốc đã trình bày chưa? Nếu chưa trình bày thì họ nên công khai.

Trước đây, khi Lào làm thủy điện, họ phải thông báo với Việt Nam và các nước các thông số như: làm thủy điện cao bao nhiêu, xả nước khi nào”, ông Hồng dẫn chứng.

Đặc biệt, trong trường hợp sử dụng chất nổ tác động vào thác ghềnh trên sông Mê Kong, GS Nguyễn Trọng Hồng đề nghị Trung Quốc phải làm một đường riêng để cho cá, các loài thủy sinh di chuyển.

“Tôi nghĩ cá trú ngụ tại các chỗ trũng, chỗ xoáy để đẻ và sinh sản vào mùa khô cũng không nhiều lắm. Tuy nhiên các nhà khoa học lo ngại trên sông Mê Kong có những loài cá đi ngược dòng rồi đẻ.

Sau khi đẻ xong chúng sẽ đưa con xuôi xuống các thác. Do đó, để tránh các ảnh hưởng có thể xảy ra, tôi đề nghị phía Trung Quốc khi phá ghềnh thác phải làm một đường riêng bên cạnh cho cá đi lên”, vị Giáo sư chia sẻ.

Theo Đất Việt

Các tin cũ hơn