Trước khi giới thiệu tiếp bài thứ hai của Konstantin Sivkov, xin nhắc lại 2 tuyên bố “đầy mùi thuốc súng” của cả hai bên:
1/ Ngày 23/4, Bắc Triều Tiên tuyên bố sẵn sàng đánh chìm tàu sân bay USS Carl Vinson của Mỹ (không hiểu đánh chìm bằng cách nào);
2/ Ngày 24/4, Đại diện thường trực của Mỹ tại LHQ Nikki Haley, khi trả lời phỏng vấn của kênh truyền hình NBC cũng cho biết Mỹ không loại trừ khả năng tiến hành đòn tấn công CHDCND TT, nếu Bình Nhưỡng tiếp tục thử nghiệm tên lửa đạn đạo.
Còn đây là bài viết thứ hai của Konstantin Sivkov (các chức danh, học hàm học vị chúng tôi đã giới thiệu ở bài trước, xin không nhắc lại sợ phản cảm vì hàng ngày phải nghe nhiều học hàm học vị quá, thêm nữa, - sẽ có một số nội dung trùng lặp với bài trước nhưng chúng tôi vẫn dịch, mong bạn đọc thông cảm).
Bài này đăng trên “Bình luận quân sự" (Nga) ngày22/4/2017. Các ảnh trong bài là của tác giả.
Nếu Nhà Trắng quyết định tiến hành chiến tranh chống CHDCND TT, sẽ bắt đầu giai đoạn chuẩn bị chiến tranh. Mục tiêu của giai đoạn này – chuẩn bị các điều kiện chính trị, luật pháp quốc tế, tinh thần – tâm lý và quân sự - chiến lược đảm bảo khả năng và thành công của chiến cuộc.
Sẽ triển khai một chiến dịch phao thông tin giả về giới lãnh đạo CHDCND TT trên trường quốc tế, tại các quốc gia đồng minh và trong chính dân chúng Bắc Triều Tiên.
Một sự quan tâm đặc biệt sẽ được giành cho việc tìm kiếm những nhân vật trong giới tướng lĩnh chỉ huy quân đội và lãnh đạo đảng các cấp CHDCND TT, - những kẻ sẵn sàng phản bội để đảm bảo an toàn tính mạng và vì tiền.
Sẽ bắt đầu các hoạt động ráo riết tại LHQ nhằm để Hội đồng bảo an của tổ chức này ủy quyền tiến hành một chiến dịch quân sự chống CHDCND TT.
Những nỗ lực lớn sẽ được thực hiện trong lĩnh vực ngoại giao nhằm thành lập một liên minh các quốc gia sẵn sàng tham gia chiến dịch. Một vai trò đặc biệt sẽ được giành cho NATO. Liên minh này cần phải chứng minh được khả năng hành động toàn cầu.
Giai đoạn đầu, nếu căn cứ vào các kinh nghiệm hiện có, sẽ kéo dài từ nửa năm đến một năm rưỡi .
Tiếp theo sẽ là giai đoạn chuẩn bị chiến tranh trực tiếp, công khai. Cái cớ chính thức để khởi động chiến tranh sẽ là một sự cố, chắc chắn hơn cả - một vụ khiêu khích vũ trang ở gần biên giới trên biển hoặc trên bộ của CHDCND TT – dẫn đến những hành động đáp trả tương ứng của Quân đội Bắc Triều Tiên.
Mục đích của giai đoạn này – thành lập một cụm lực lượng vũ trang của Liên minh chống Bình Nhưỡng, tạo lập nguồn dự trữ vật chất – phương tiện kỹ thuật cần thiết, chuẩn bị tinh thần –tâm lý cho chiến tranh. Gánh nặng chủ yếu, dĩ nhiên, sẽ đặt lên vai người Mỹ.
Mỹ phải tiến hành chuyển quân chiến lược và vận chuyển phương tiện vật chất quân sự chiến lược (nói ngắn gọn – hàng quân sự chiến lược) với tổng khối lượng vào khoảng 5- 8 triệu tấn.
Đồng thời, sẽ tiến hành các chiến dịch bóp méo thông tin về giới lãnh đạo quân sự - chính trị CHDCND TT. làm nhụt ý chí kháng cự của nhân dân và Lực lượng vũ trang Bắc Triều Tiên, mua chuộc một số nhân vật riêng rẽ trong giới lãnh đạo chính trị và quân sự. Ngoài ra, phải làm công tác tư tưởng – tâm lý cho dân chúng và quân đội những nước tham gia cuộc chiến tranh sắp tới.
CHDCND TT – khi đối mặt với một cuộc xâm lược gần như không tránh khỏi – sẽ bắt đầu động viên lực lượng vũ trang và triển khai chiến lược các cụm quân ở những khu vực sẽ xảy ra chiến sự.
Trong lĩnh vực thông tin, Bình Nhưỡng sẽ tập trung vào công tác chuẩn bị tinh thần – tâm lý (giáo dục chính trị- tư tưởng) cho Quân đội và dân chúng chuẩn bị để chuẩn bị chiến đấu.
Thời gian tiến hành giai đoạn này sẽ vào khoảng 6-9 tháng.
Cuộc chiến tranh trên không
Trong thời gian đầu (của cuộc chiến), cuộc đối đầu vũ trang sẽ được tiến hành chủ yếu ở trên không.
Liên minh các quốc gia do Mỹ đứng đầu sẽ cố gắng ngay lập tức chiếm ưu thế trên không trước Bắc Triều Tiên, phá hủy hệ thống điều hành nhà nước, chỉ huy quân sự và sát hại các nhà lãnh đạo quốc gia (trước hết là Kim Chính Ân), vô hiệu hóa tiềm lực hạt nhân của nước này, đánh bại hoặc chế áp các cụm quân bộ binh tại những khu vực sẽ tiến hành các chiến dịch tấn công hoặc đổ bộ, tiêu diệt hải quân đối phương, cũng như thực hiện các đòn tấn công vào các mục tiêu dân sự để bẻ gãy ý chí chống cự của dân chúng CHDCND TT.
CHDCND TT sẽ tìm mọi cách để lực lượng phòng không và các cụm quân của mình không bị tiêu diệt hoàn toàn, duy trì khả năng phòng thủ và bảo vệ tiềm lực tên lửa – hạt nhân, đảm bảo cho các hệ thống điều hành nhà nước và chỉ huy bộ đội hoạt động bình thường, đảm bảo khả năng gây một số thiệt hại dù hạn chế cho các cụm quân không quân và bộ binh của đối phương trong phạm vi tầm bắn của vũ khí tên lửa và pháo binh, - mục tiêu chính là để đạt hiệu ứng tâm lý – tinh thần.
Nội dung chủ yếu (những hoạt động quân sự chính) trong giai đoạn này sẽ là tiến hành các đòn tấn công tên lửa – không quân của Liên minh Mỹ- Nam Hàn vào các mục tiêu của CHDCND TT và hoạt động của lực lượng phòng không CHDCND TT đánh trả các đòn tấn công trên.
Từ phân tích kinh nghiệm các cuộc chiến tranh gần đây nhất và căn cứ vào thực lực Lực lượng vũ trang Bắc Triều Tiên (đã giới thiệu ở bài trước –ND) ta thấy rằng Mỹ và các đồng minh sẽ triển khai một cuộc chiến tranh đường không gồm nhiều đợt tấn công và nhiều hoạt động (tác chiến) có hệ thống.
Chắc chắn hơn cả, Mỹ (và các đồng minh) sẽ là bên khởi động chiến tranh. Họ sẽ thực hiện các đòn tấn công tên lửa – đường không ồ ạt vào các mục tiêu chủ yếu trong hệ thống phòng không và tổ hợp hạt nhân Bắc Triều Tiên.
Cũng có thể Bắc Triều Tiên sẽ tiến hành các hoạt động quân sự trước – bằng các đòn tấn công tên lửa – pháo binh phủ đầu để làm giảm hiệu quả đợt tấn công tên lửa – đường không ồ ạt đầu tiên của đối phương. Tuy nhiên, nếu làm như vậy, Bình Nhưỡng sẽ làm hại chính mình, bởi vì cộng đồng thế giới sẽ coi Bắc Triều Tiên là kẻ xâm lược.
Các chiến dịch (chiến tranh) thông tin của Mỹ trong trường hợp như vậy (Bắc Triều Tiên khởi sự trước –ND), ngoài việc đảm bảo trực tiếp cho các hoạt động quân sự, sẽ còn được huy động để tạo ra những phàn ứng thuận lợi từ phía cộng đồng quốc tế, không để nước thứ ba, trước hết là Trung Quốc bị lôi kéo vào cuộc chiến cùng với CHDCND TT, cũng như để ngăn ngừa khả năng giới lãnh đạo Bắc Triều Tiên quyết định sử dụng vũ khí hạt nhân.
Nếu tính tới thực trạng lực lượng vũ trang CHDCND TT, cũng như kinh nghiệm từ các cuộc xung đột Nam Tư và Lybia, có thể cho rằng, giai đoạn chiến tranh đường không sẽ kéo dài từ 2-3 tháng đến 6 – 7 tháng hoặc có thể lâu hơn.
Giai đoạn này sẽ kết thúc hoặc là bằng việc chấm dứt các hoạt động quân sự hoặc là bên tấn công sẽ chuyển sang tiến hành các chiến dịch trên mặt đất. Chiến dịch quân sự có thể chấm dứt trong những trường hợp sau:
1. Giới lãnh đạo Bắc Triều Tiên chấm dứt các hoạt động kháng cự, - khả năng này phải thừa nhận là vô cùng thấp.
2. Cộng đồng quốc tế gây sức ép ngoại giao mạnh hoặc Trung Quốc trực tiếp can dự vào cuộc xung đột cùng với CHDCND TT.
3. Bình Nhưỡng đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân trực tiếp.
Nguyên nhân chấm dứt cuộc tấn công cũng có thể còn là: đã sử dụng hết đạn dược, những tổn thất không thể chịu đựng nổi của không quân, phong trào biểu tình chống chiến tranh của dân chúng trong các nước hàng đầu của Liên minh, những vấn đề kinh tế.
Trong giai đoạn này, cũng có thể CHDCND TT sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân, nhưng nhiều khả năng hơn cả chỉ ở mức độ phô trương (dọa dẫm), không gây thiệt hại cho đối phương, cốt đề hù dọa dân chúng và giới tinh hoa chính trị của các quốc gia đối đầu nhằm buộc các nước này phải đồng ý tiến hành các cuộc đàm phán hòa bình.
Khả năng xảy ra đòn đánh trả hạt nhân của Mỹ là gần như bằng không, bởi vì sẽ không tránh khỏi những phản ứng tiêu cực từ phía cộng đồng quốc tế.
Và như vậy, căn cứ vào kết quả của giai đoạn này, xác xuất chấm dứt các hoạt động tác chiến là tương đối cao.
Các chiến dịch mặt đất
Giai đoạn mặt đất sẽ bắt đầu sau khi bên xâm lược đã tạo đủ các điều kiện để tiến hành các chiến dịch tấn công trên bộ và đổ bộ đường biển thành công với những tổn thất ít nhất.
Một kịch bản như vậy là có thể nếu như chắc chắn chế áp được lực lượng chống đổ bộ của đối phương và phá hủy được hệ thống các công trình phòng ngự, ít nhất là ở một khu vực hạn chế trong toàn bộ hệ thống phòng thủ Bắc Triều Tiên.
Đối với bên xâm lược, mục tiêu của giai đoạn này là đánh bại Lực lượng vũ trang CHDCND TT và chiếm đóng lãnh thổ nước này. Còn đối với Bắc Triều Tiên – bẻ gẫy các chiến dịch tấn công và đổ bộ của đối phương bằng cách gây cho đối phương những tổn thất không thể chịu đựng nổi để buộc họ phải chấp nhận ngừng chiến. Thời gian của giai đoạn này được dự đoán là sẽ khoảng từ vài tháng đến một năm.
Cuộc tấn công trên bộ vào lãnh thổ CHDCND TT, nhiều khả năng hơn cả, sẽ bắt đầu bằng một chiến dịch đổ bộ không - biển ở quy mô chiến lược.
Tham gia vào chiến dịch này sẽ có đến 150 tàu chiến các lớp khác nhau, từ 150.000 đến 200 .000 quân của Lực lượng lính thủy đánh bộ, lực lượng đổ bộ đường không, các đơn vị cơ giới hóa và xe tăng, - những lực lượng này sẽ được đổ bộ lên bờ biển đối phương thành 3-4 tuyến, cùng phối hợp với những cánh quân trên sẽ là các lực lượng chủ yếu của cụm không quân Mỹ và các đồng minh.
Đặc điểm địa lý của chiến trường, mạng lưới công sự kiên cố, mạnh và rộng, tinh thần chiến đấu cao của Quân đội và dân chúng CHDCND TT sẽ dẫn tới những tổn thất lớn về sinh mạng và phương tiện kỹ thuật của cả hai bên.
Tổng tổn thất sinh mạng có thể vào khoảng 50.000- 60.000 người hoặc hơn, trong đó có không ít hơn 25-30% là của phía Liên quân.
Những tổn thất như vậy là quá sức chịu đựng đối với cụm quân của bên xâm lược, và vì thế, gần như chắc chắn buộc Liên quân phải chấm dứt các hành động quân sự và chấp nhận đàm phán hòa bình.
Một số nguyên nhân có thể khác dẫn đến quyết định chấm dứt chiến tranh trong giai đoạn này vẫn là sức ép ngoại giao của cộng đồng quốc tế, động thái can thiệp trực tiếp của Trung Quốc, tuyên bố đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân của CHDCND TT, các cuộc biểu tình chống chiến tranh của dân chúng và những hiện tượng khủng hoảng trong nền kinh tế các nước tham gia liên minh hàng đầu – Mỹ, Nam Triều Tiên, Nhật Bản.
Tấn công lẫn nhau bằng vũ khí hạt nhân
Đứng trước mối đe dọa thực tế sẽ bị đánh bại hoàn toàn, nhiều khả năng CHDCND TT sẽ đánh đòn tấn công bằng mọi phương tiện có thể.
Một quyết định như vậy có thể được đưa ra ngay sau chiến dịch đổ bộ bắt đầu. Đòn tấn công sẽ gồm: cho nổ mìn hạt nhân, phóng tên lửa tầm trung và với một xác xuất ít hơn – cho không quân ném bom.
Dự đoán sẽ có 2-3 đến 5-6 đơn vị (tính) vũ khí hạt nhân được sử dụng tùy thuộc vào khả năng đối phó của đối phương.
Các mục tiêu bị tấn công hạt nhân sẽ là các cụm quân của Liên quân, cơ sở hạ tầng quân sự đặc biệt quan trọng, các trung tâm hành chính – chính trị Nam Triều Tiên, một trong số các căn cứ quân sự của Mỹ.
Hậu quả - tổn thất cực kỳ lớn (vài trăm nghìn người, chủ yếu là dân thường Nam Triều Tiên, thiệt mạng) và một khu vực nhiễm xạ rất rộng khó vượt qua.
Đòn tấn công hạt nhân đáp trả của Mỹ sẽ được thực hiện bằng vũ khí hạt nhân chiến lược và vũ khí hạt nhân chiến thuật nhằm vào các trung tâm hành chính – chính trị chủ yếu của CHDCND TT, các mục tiêu hạt nhân được bảo vệ, các đầu mối quốc phòng chủ chốt.
Quy mô của đòn trả đũa của Mỹ dĩ nhiên sẽ chỉ ở mức hạn chế bởi vì cần phải giảm thiểu tối đa khu vực nhiễm xạ ở hướng Trung Quốc và Nga, cũng như ở hướng Nam Triều Tiên và Nhật Bản. Chính vì vậy, Mỹ sẽ sử dụng 6-8 đầu tác chiến hạt nhân công suất vừa và nhỏ.
Nhưng tổn thất sinh mạng trong dân chúng CHDCND TT sẽ là hàng trăm nghìn, thậm chí là hàng triệu người. Tiếp theo, Mỹ có thể tiến hành các đòn tấn công hạt nhân riêng rẽ bằng các đầu tác chiến hạt nhân công suất siêu nhỏ để phá hủy các công trình công sự đặc biệt kiên cố.
Nếu kịch bản trên được áp dụng, CHDCND TT sẽ mất hoàn toàn khả năng chống cự có tổ chức. Tuy nhiên, những tổn thất khủng khiếp của dân chúng Nam Triều Tiên và lực lượng Liên minh chống Bình Nhưỡng, các khu vực diện tích lớn bị nhiễm bức xạ, sức ép của cộng đồng quốc tế và sự can thiệp của Trung Quốc sẽ buộc các bên phải tìm kiếm phương thức kết thúc chiến tranh. Sau vụ “ trao đổi hạt nhân” này, các cuộc đàm phán hòa bình gần như là chắc chắn.
Nhưng nếu như CHDCND TT không quyết định sử dụng vũ khí hạt nhân, chiến tranh vẫn sẽ tiếp tục. Thậm chí sau khi (Liên quân) đã đánh bại các cụm quân chủ yếu của Quân đội Bắc Triều Tiên thì khả năng (Bắc Triều Tiên) chấm dứt kháng cự, nếu Bắc Kinh không gây sức ép lên Bình Nhưỡng, là cực kỳ thấp.
Một bộ phận trong giới lãnh đạo CHDCND TT, để duy trì quyền đại diện chính trị của đất nước trong điều kiện bị chiếm đóng, sẽ sơ tán sang Trung Quốc. Những đơn vị và binh đoàn còn duy trì được năng lực tác chiến sẽ tiếp tục chiến đấu một cách độc lập,- trên những khu vực lãnh thổ bị chiếm đóng sẽ bắt đầu một cuộc chiến tranh du kích.
Chiến tranh du kích
Giai đoạn tiếp theo của cuộc chiến tranh, nếu định nghĩa một cách chính xác hơn cả, sẽ là “giai đoạn kháng cự vô tổ chức”. Mục tiêu của bên xâm lược – thiết lập sự kiểm soát trên lãnh thổ Bắc Triều Tiên và xóa tên CHDCNDTT với tư cách là một quốc gia có chủ quyền trên bản đồ thế giới.
Những đại diện giới lãnh đạo Bắc Triều Tiên còn sống sót và các đơn vị còn khả năng chiến đấu sẽ làm tất cả để ngăn chặn việc tiêu diệt quốc gia CHDCND TT.
Xác xuất sử dụng vũ khí hạt nhân trong giai đoạn này là rất thấp bởi vì (Bắc Triều Tiên) đã không còn chỉ huy được quân đội, vũ khí hạt nhân đã bên xâm lược thu giữ hoặc đã bị hủy diệt. Giai đoạn này sẽ kéo dài ít nhất vài tháng, trong thời gian đó các đơn vị và binh đoàn còn sức chiến đấu của Quân đội Bắc Triều Tiên sẽ lần lượt bị tiêu diệt. Sau đó, giai đoạn tiếp theo – chiến tranh du kích, sẽ bắt đầu.
Hệ thống công sự kiên cố, địa hình rừng núi với thảm thực vật phong phú, nguồn dự trữ vũ khí, đạn dược và các phương tiện vật chất đáng kể được giới lãnh đạo Bắc Triều Tiên chuẩn bị từ trước cho phép (Bắc Triều Tiên) triển khai một cuộc chiến tranh du kích quy mô lớn, - cuộc chiến tranh này, có thể sẽ lan sang lãnh thổ Nam Triều Tiên. Hoạt động của các nhóm vũ trang (Bắc Triều Tiên) sẽ được điều phối và hỗ trợ vật chất từ những nước khác, trong đó có Trung Quốc.
Giai đoạn này có thể kéo dài vài năm. Từ kinh nghiệm của Iraq và Pakistan có thể thấy trước là Mỹ và các đồng minh sẽ phải rút khỏi Bắc Triều Tiên.
Giới lãnh đạo chính trị - quân sự Bắc Triều Tiên sẽ khôi phục lại chủ quyền quốc gia và kiểm soát hoàn toàn lãnh thổ nước này.
Theo Đất Việt