Tìm cách hạn chế xe cá nhân ở TP.HCM

Thứ sáu, 28/04/2017, 09:53
Ngày 27.4, UBND TP.HCM họp về tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội và quốc phòng - an ninh tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2017.
Hàng nghìn phương tiện nhích từng chút một trên đường Trường Chinh
Có hiện tượng tái chiếm vỉa hè
Ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó trưởng ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TP.HCM cho hay, sau 2 tháng ra quân lập lại trật tự lòng lề đường đã đạt được những chuyển biến đáng kể trên 24 quận, huyện so với những năm trước.
"Vỉa hè đó còn là trách nhiệm của chính quyền phải lo cho người dân, người bán hàng rong ở vỉa hè. Vừa phải lập lại trật tự nhưng không được đẩy người dân vào chỗ khó. Phải làm hài hòa thì mới giữ được sự bền vững".
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong
Tuy nhiên, đến thời điểm này, tình hình một số nơi bắt đầu chững lại, thậm chí có nơi có hiện tượng tái lấn chiếm vỉa hè. “Một số quận huyện làm tốt như 1, 3, 12, Bình Tân và H.Củ Chi. Có những nơi chậm chuyển biến như Q.2, 5, 8 và H.Bình Chánh.
Sắp tới Ban An toàn giao thông TP sẽ chỉ đạo đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra, đánh giá tình hình ở một số địa bàn. Cần phải nhắc nhở, phê bình, thậm chí kiểm điểm trách nhiệm những nơi làm chưa tốt”, ông Tường nói.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong khẳng định TP sẽ rất kiên trì trong việc tái lập trật tự vỉa hè, lòng lề đường và sẽ có biện pháp quyết liệt để không xảy ra tình trạng tái lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường.
“Ở Q.1, anh Hải (Phó Chủ tịch UBND Q.1 Đoàn Ngọc Hải - PV) xông xáo như thế nhưng không phải cái gì ảnh làm đều trúng hết đâu. Có những cái tôi phải mời anh Hải lên để uốn nắn ngay tức khắc. Tuy nhiên, với tinh thần xông xáo đó đã tạo ra hiệu ứng rất tốt. Vỉa hè đó còn là trách nhiệm của chính quyền phải lo cho người dân, người bán hàng rong ở vỉa hè. Vừa phải lập lại trật tự nhưng không được đẩy người dân vào chỗ khó. Phải làm hài hòa thì mới giữ được sự bền vững”, ông Phong nói.
Liên quan đến sai phạm ở Bệnh viện Mắt TP.HCM mà Thanh Niên nêu, ông Phong cho hay bệnh viện này có rất nhiều vấn đề mà nhiều năm qua không giải quyết được. Từ đó, Thường trực UBND TP.HCM đã có quyết định cho thanh tra toàn diện bệnh viện này. Về việc này, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh cho hay cần phải chờ đến sau khi Thanh tra TP kết thúc thanh tra toàn diện bệnh viện vào ngày 15.5 mới có thể làm rõ được sai phạm của lãnh đạo bệnh viện và những người liên quan.
Phải hạn chế xe máy
Không bắn pháo hoa vào dịp lễ 30.4
Tại cuộc họp, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Thu thông tin TP sẽ không bắn pháo hoa vào dịp lễ 30.4. Trước đó, Thành ủy, UBND TP đã đề nghị Ban Bí thư, Chính phủ cho phép TP được bắn pháo hoa từ nguồn kinh phí xã hội hóa nhưng không nhận được sự đồng ý.
Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Bùi Xuân Cường cho hay vấn đề cấp bách bây giờ của TP là phải tìm cách phát triển phương tiện giao thông công cộng và hạn chế phương tiện giao thông cá nhân.
Tính đến ngày 15.4, TP.HCM đang có khoảng 8 triệu phương tiện giao thông, trong đó có 642.000 ô tô và hơn 7,3 triệu xe máy. So với cùng kỳ năm 2016, lượng phương tiện đang tăng hơn 5,8%.
“Một ngày TP.HCM đang có 169 ôtô và 816 xe máy đăng ký mới. Vừa rồi UBND TP cũng đồng ý để Sở GTVT xây dựng đề án phát triển giao thông vận tải công cộng và kiểm soát xe cá nhân. Hiện Sở đang phối hợp với một đơn vị của Bộ GTVT là Viện Chiến lược và phát triển giao thông vận tải để thực hiện”, ông Cường cho hay.
Theo ông Cường, đến tháng 10.2017, Sở GTVT sẽ tập hợp kế hoạch để trình với UBND TP về kế hoạch toàn diện, lộ trình, giải pháp hạn chế xe cá nhân trong thời gian dài. Giám đốc Sở GTVT khẳng định trong thời gian tới phải hạn chế phương tiện xe cá nhân bởi ôtô, xe máy phát triển quá nóng trong khi hạ tầng giao thông chưa theo kịp.
Tuyến metro số 1 nợ nhà thầu 1.339 tỉ đồng
Thông tin về dự án metro số 1, ông Lê Nguyễn Minh Quang, Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM, cho biết tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đang nợ nhà thầu thi công 1.339 tỉ đồng. Theo ông Quang, vấn đề lớn nhất của tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên là phân bổ vốn từ T.Ư. Từ tháng 9.2016, Bộ Tài chính yêu cầu Kho bạc Nhà nước không thanh toán tiếp bởi vì thanh toán đã vượt vốn ODA của năm 2016.
Trước Tết, TP.HCM ứng khoảng 900 tỉ đồng để chủ đầu tư trả tiền cho nhà thầu thanh toán tiền cho công nhân về quê ăn Tết. Đến nay, TP đang nợ nhà thầu 1.339 tỉ đồng. “TP.HCM thúc nhà thầu làm càng sớm, càng tốt. Nhà thầu chấp thuận và làm quyết liệt nhưng họ cũng gay gắt trong việc yêu cầu thanh toán theo đúng tiến độ. TP.HCM cũng kiến nghị T.Ư nhưng hầu như các bộ án binh bất động”, ông Quang nói.
Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn