Ông Nguyễn Văn Cảnh được cho đã có bước thăng tiến “thần tốc” khi chỉ trong vòng 5 tháng kể từ lúc được tuyển dụng vào làm công chức ở Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Bình Định năm 2013 đã được bổ nhiệm giữ chức Chánh Văn phòng cơ quan này, khiến dư luận xôn xao.
Ông Nguyễn Văn Cảnh tại cuộc tiếp xúc cử tri ở thị trấn Phù Mỹ (huyện Phù Mỹ, Bình Định) ngày 27/4 |
Đề cập về vấn đề dư luận xôn xao về việc thăng chức quá nhanh, ông Cảnh thẳng thắn trả lời: “Quyết định là của tổ chức. Còn nguyện vọng thôi đại biểu chuyên trách là vì điều kiện gia đình kinh doanh nên tôi xin về để phục vụ gia đình. Về trách nhiệm đại biểu Quốc hội đối với cử tri thì tôi vẫn thực hiện tốt. Khi cử tri có đề nghị, yêu cầu giải trình gì tôi cũng giải trình. Những vấn đề về tổ chức, cán bộ, công chức chắc ai cũng biết là do tổ chức thôi. Cá nhân tôi thì trả lời như vậy”.
“Theo quy định, những nội dung liên quan đến Quốc hội đã có Tổng thư ký Quốc hội, đại diện bên Công tác đại biểu Quốc hội trả lời. Tôi cũng theo quyết định của tổ chức chứ không có nội dung gì trả lời thêm” - ông Cảnh nói.
Về vấn để bổ nhiệm ông Cảnh, lãnh đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy Bình Định xác nhận là đảm bảo quy trình nhưng tại Bình Định chưa có trường hợp nào bổ nhiệm nhanh đến vậy nên dư luận xôn xao.
Trong khi đó, trao đổi với phóng viên, ông Cảnh cho hay: “Khi tôi nộp đơn vào tất cả đều theo hướng dẫn của bên Sở Nội vụ cũng như Ban Tổ chức Tỉnh ủy, nên việc quyết định là do Ban Tổ chức Tỉnh ủy quyết định. Trách nhiệm cá nhân, tôi còn là đảng viên thì phải thực hiện theo quy định của Nhà nước. Hồ sơ thủ tục của tôi thì tổ chức làm, cá nhân tôi có bằng cấp gì thì nộp. Còn đánh giá năng lực thì cũng tổ chức đánh giá chứ tôi cũng không tự nhận mình giỏi hay dở. Các anh em có thể tìm hiểu các văn bản của tổ chức hàng năm đánh giá”.
Nói về lý do từ một doanh nghiệp xin vào làm công chức Nhà nước nhưng bây giờ lại xin thôi chuyên trách về kiêm nhiệm để quản lý doanh nghiệp, ông Cảnh chia sẻ: “Trước đây tôi là doanh nghiệp, sau khi vào đại biểu Quốc hội là đại diện cho doanh nghiệp nhưng khi vào thì thực tế tôi cũng nhìn nhận lại. Đối với đại biểu chuyên trách có điều kiện tiếp xúc với chính quyền, các văn bản pháp luật, đặc biệt là các chủ trương của Đảng và Nhà nước nên sẽ có nhiều điều kiện tốt để phục vụ người dân. Nhưng mỗi cá nhân có một điều kiện riêng, đối với điều kiện hoàn cảnh hiện tại thì tôi xin thôi đại biểu chuyên trách để về phục vụ nhu cầu phát triển doanh nghiệp của gia đình là phù hợp. Bây giờ, quay về làm doanh nghiệp và vẫn làm đại biểu chuyên trách của địa phương tôi cũng hết sức đóng góp đối với trách nhiệm của đại biểu đối với cử tri đã tín nhiệm”.
Ông Nguyễn Văn Cảnh có buổi tiếp xúc cử tri ở thị trấn Phù Mỹ (huyện Phù Mỹ, Bình Định) ngày 27/4. |
Chia sẻ về những điều dư luận xôn xao thời gian qua có làm ảnh hưởng đến uy tín cũng như tư cách đại biểu không, ông Cảnh nói: “Đối với đại biểu, trước hết là trách nhiệm đối với cử tri, vấn đề hoạt động của đại biểu trên nghị trường cũng như các phản ánh của tri mà được đề bạt tới quan chuyên môn. Tôi thấy từ hồi vào đại biểu khóa XIII tới giờ, tôi vẫn cố gắng thực hiện tốt và cũng có những phát biểu được tiếp thu, xây dựng chính sách. Thực sự qua báo chí phản ánh, còn về uy tín thì tôi chưa nghe cử tri nói trực tiếp”.
Trước đó, PV đã đưa tin, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội mới đây đã ban hành Nghị quyết cho thôi nhiệm vụ đại biểu Quốc hội chuyên trách ở Trung ương đối với ông Nguyễn Văn Cảnh, rời vị trí ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ & Môi trường của Quốc hội từ 15/2/2017.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng đã yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định tiến hành kiểm điểm về những thiếu sót, khuyết điểm trong công tác cán bộ tại địa phương, trong đó có việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Cảnh.
Sau khi trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII, từ tháng 3 - 8/2013, ông Nguyễn Văn Cảnh (40 tuổi, quê ở xã Cát Tài, huyện Phù Cát, Bình Định) có sự thăng tiến “thần tốc” trong quá trình công tác tại Văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội và đoàn đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Định.
Theo Dân Trí