Phận người sống dưới đáy sông

Thứ năm, 27/04/2017, 14:33
Bà con vùng sông nước Mũi Cà Mau thường gọi ông Nguyễn Văn Tốt (Năm Tốt) là ông Năm Thợ Lặn. Bởi lẽ, gần suốt đời ông kiếm sống bằng nghề thợ lặn. Ông còn truyền nghề thợ lặn để đàn con, đám cháu nối nghiệp, thành dòng họ “Yết Kiêu” lừng danh với tấm lòng hảo hán, tình thương người lúc hoạn nạn. Nhưng mấy ai tường, ai tỏ những người thợ lặn luôn phải đối mặt với hiểm nguy và tương lai cứ chập chờn theo con nước...  

Các cháu ông Năm Thợ Lặn vệ sinh tàu cá cho ngư dân.

Ông Năm Thợ Lặn

Ở cửa biển Sông Đốc (Trần Văn Thời, Cà Mau), không mấy người biết tên cúng cơm của ông là Nguyễn Văn Tốt (Năm Tốt) nhưng khi hỏi nhà ông Năm Thợ Lặn thì khối người biết. Bởi lẽ, cuộc đời của ông mang nghiệp chướng phải sống dưới đáy sông từ lúc nào ông không nhớ nổi.

Con hẻm nhỏ dẫn xuống bờ Sông Đốc, nhà ông Năm Thợ Lặn ở giữa cụm dân cư tự phát, chen chúc, chật chội. Căn nhà ông Năm cũng na ná như bao nhiều gia đình lân cận. Nhà khoảng 60m2, cột đước, mái tôn thấp, vách chắp vá. Dưới bến Sông Đốc, sau nhà của ông có vài chiếc tàu gỗ đầy thương tích, máy móc cũ kỹ và dây ống hơi lòng thòng.

Trong căn nhà nóng bức, ông Năm Tốt ngồi xếp bằng, ưỡn ngực lấy hơi giọng đứt quãng khó nhọc khi trả lời khách. Trông ông Năm Thợ Lặn già hơn tuổi 72 của mình. Da sần sùi, tóc cháy nắng, vàng hoe: “Mấy năm rồi không được khỏe, tôi không lặn mò kiếm ăn được nữa. Mọi thứ nhờ con cháu lo ăn, chút tiền mua thuốc uống”.

Cơ duyên nào ông chọn nghề thợ lặn và truyền cho con cháu? Ông Năm Thợ Lặn nói: “Tôi không nhớ biết lặn lúc nào, chỉ biết mình phải kiếm ăn để sống. Tôi từng lặn mò dưới Biển Hồ (Campuchia). Lặn mò bất cứ thứ gì bán được, có tiền mua gạo. Thỉnh thoảng có người mướn lặn mò tài sản, riết rồi thành quen, chớ có chọn lựa cái nghề này đâu!”.

Ông Năm Thợ Lặn kể rằng, ông sống với cha mẹ ở Biển Hồ bằng nghề  đánh bắt cá, lặn mò phế liệu, lặn thuê kiếm sống. “Hồi đó, gia đình tôi sống trên chiếc ghe cũ, lênh đênh trên Biển Hồ. Khoảng năm 1976, chiến tranh tán loạn, gia đình tôi chạy về Rạch Giá (Kiên Giang), rồi xuôi về cửa biển Sông Đốc (Trần Văn Thời, Cà Mau). Còn biết làm gì ngoài nghề đã quen bấy nay?

Bây giờ, vợ chồng, con cái ông được tạm cư trên bờ sông, cửa biển là may mắn. Ông kể: “Vợ chồng con cái sống trên chiếc tàu gỗ, bể be, vừa đi vừa lặn kiếm bất cứ thứ gì bán có tiền mua gạo đắp đổi qua ngày”- ông Năm Thợ Lặn kể.

Bà Hà Thị Lượm - vợ ông Năm lui cui, bưng chén thuốc nam cho ông, góp chuyện: “Hồi đó, thấy ổng nghèo vậy nhưng có tài lặn, chân chất, hiền lành nên tôi thương. Rồi đi tới đâu, con trai cũng được người ta kêu gã con gái. Con gái được người ta xin cưới. Bởi vậy, vợ chồng tôi dựng vợ gả chồng cho con “môn đăng hộ đối” đó là nghèo, không đất đai, kiếm sống bằng nghề lặn hụp dưới sông, dưới biển”.

Con ông Hai Sến chuẩn bị đi lặn trên biển

Lừng danh thợ lặn

Ông Năm Thợ Lặn kể: “Thằng trai đầu lòng là Nguyễn Văn Sến (Hai Sến) ở Vàm Xoáy, xã Đất Mũi (Ngọc Hiển), thằng con trai thứ 6 là Nguyễn Văn Đông (Sáu Đông) có biệt tài lặn mò đồ cổ dưới biển. Bây giờ, vợ chồng tôi nương tựa thằng con trai út là Nguyễn Văn Tiền cũng làm nghề lặn”.

Tìm dấu vết dòng di cư của các con ông Năm Thợ Lặn như một huyền thoại dòng họ “Yết Kiêu” miệt biển Cà Mau. Ông Nguyễn Văn Đá, ở ấp Mũi, xã Đất Mũi (Ngọc Hiển) kể: Mùa biển động năm 2000, có một tàu cá bị sóng lớn, gió lốc đánh chìm ngoài khơi. Ba ngư phủ bị xô ngã, trôi dạt trên biển, được cứu vớt, nhưng còn 2 ngư phủ mất tích, theo con tàu chìm giữa biển.

Chủ tàu cầu cứu nhiều thợ lặn ở xã Đất Mũi. Theo chủ tàu cung cấp tọa độ, họ tìm được vị trí tàu chìm, ở độ sâu 35 sải nước (tức gần 60m). Khi biết độ sâu tàu chìm, những thợ lặn lắc đầu, không dám lặn xuống vớt xác ngư phủ và trục vớt tàu chìm. Có người mách, ở cửa biển Sông Đốc (Trần Văn Thời) có ông Năm Thợ Lặn giỏi lắm.

Chủ tàu cá tức tốc chạy xuồng máy từ Đất Mũi đến Sông Đốc hơn 60km, cầu cứu ông Năm Thợ Lặn. Lúc đó ông Năm đã già, ngại đi xa, cử con trai là Nguyễn Văn Sến (Hai Sến) và cháu nội là Nguyễn Văn Lâm - con ông Sến giúp đỡ người bị nạn.

Ra tới biển, trời âm u, Hai Sến đứng nhìn xác định chính xác nơi tàu chìm. Con trai ông là Nguyễn Văn Lâm cho máy nổ bơm oxy sẵn sàng. Hai Sến ngậm ống thở nhảy đùng xuống biển. Những người thợ lặn đi theo hỗ trợ, hồi hộp, đăm đăm vào cử động sợi ống oxy từ từ hút xuống biển. Gần một tiếng đồng hồ, những người có mặt trên tàu, nín thở, lắng nghe tiếng máy.

Bất ngờ Hai Sến nổi phịch lên mặt biển, tháo kính lặn, vuốt mặt, leo lên tàu. Mọi người nhao vào hỏi han: “Hai Sến có ra máu lỗ tai không? Có khó thở không? Có sao không?” Hai Sến thở hổn hển: “Không sao, hơi bị lạnh”. Con trai ông Hai Sến đưa cho cha ca nước mắm cốt, ông ực một cái, rồi kêu mọi người chuẩn bị thùng phuy, can nhựa để trục vớt con tàu chìm.

Cách trục vớt tàu chìm của ông Hai Sến là dùng vật chứa không khí để “kích” tàu chìm lên mặt nước. Chiếc tàu cá từ từ được nâng lên cùng xác 2 ngư phủ bị kẹt trong ca- bin.

Sau vụ đó, gia đình ông Nguyễn Văn Sến đến ở Vàm Xoáy, thuộc ấp Mũi, xã Đất Mũi định cư, kiếm sống bằng nghề thợ lặn. Gia đình ông Hai Sến có con, rể đều cùng làm thợ lặn kiếm sống bằng việc vệ sinh tàu cá, lặn mò phế liệu cứu hộ tàu bị nạn.

Gia đình Hai Sến trở thành chỗ dựa cho bà con ở Đất Mũi khi gặp nạn trên biển, trên sông. Khi có người xấu số đuối nước, cha con ông Hai Sến sẵn lòng giúp đỡ, tìm xác nhưng quyết không lấy tiền. Có người nài nỉ không được, chở vài chục ký gạo để trước nhà gọi là một chút tri ân...

Ông Nguyễn Văn Tốt (Năm Thợ Lặn) có 3-4 đời là con, cháu nối nghiệp

Mù mịt đáy sông

Vì sao các con trai, rể và cháu nội, ngoại đều chọn nghề thợ lặn như định mệnh? Ông Năm Thợ Lặn nói: “Không kiếm sống được trên bờ đành lặn xuống sông mò tìm miếng ăn. Mưu sinh dưới đáy sông được chăng, hay chớ, mịt mờ như cuộc đời cha con tôi”.

Ông Hai Sến nhớ lại:

Khoảng năm 1990, trong một lần lặn tìm tàu chìm, ông bị “ép nước” đau đầu, phải lên tàu nằm nghỉ giữa chừng nhưng đau đầu dữ dội. Tai ù, mắt hoa rồi ngất lịm. Bà Trần Thị Thủy- vợ ông Hai Sến kể: “Sau lần đó, anh Hai Sến phải chữa trị mấy tháng trời ở Sài Gòn. Các bác sĩ cho biết do bị thiếu ô- xy lên não vì áp suất nước khi lặn quá sâu. Rồi thằng Quân (con ông Sến) cũng bị thủng màng nhĩ, rối loạn tâm thần”.

Bà Thủy không thể nhớ hết có bao nhiêu người bị thần kinh, tàn phế, phải nuôi suốt đời vì trót sinh nghề từ nghiệp. Bà nhẩm tính, cả bên vợ bên chồng có đến hơn 20 gia đình làm nghề lặn. “Không biết chữ chỉ có mấy đứa nhỏ sau này biết đọc”- bà Thủy nói.

Trong ngôi nhà của ông Năm Thợ Lặn treo rất nhiều giấy khen ông và con cháu tham gia Hội Chữ thập đỏ, tham gia cứu người, tìm kiếm cứu nạn. Ông Năm kể: “Hồi bão số 5 (năm 1997), cha con tôi đi vớt tàu chìm, vớt xác người suốt ngày. Rất may, mấy năm nay, không có bão lớn, cha con tôi đỡ cực”.

Chiều tà, mặt trời dát trên mặt nước chảy ra cửa biển Sông Đốc một màu vàng rực, óng ánh. Nước sông khi lớn khi ròng, khi trong khi đục, nhưng người làm thợ lặn cả đời cứ đói nghèo quanh năm. Nghe họ kể mới hiểu tại sao nghề lặn thuê cứ cha truyền con nối, anh em thân tộc kết đoàn đi lặn chung: “Nghề này bạc bẽo lắm, ai không đất cát, vốn liếng mới mang nghề này vào thân”- bà Hà Thị Lượm vợ ông Năm mắt nhìn ra bến sông đúc kết.

Các con cháu của bà sau một ngày lặn hụp dưới nước để kiếm sống trở về gia đình.

“Ăn của sông, của biển không dễ bao giờ. Đáy sông tối đen mờ mịt, nước lạnh căm căm. Ai khỏe lắm theo nghề chỉ vài năm là biết... mùi.  Tai không thối cũng bị ù, tức ngực, khó thở. Trên bờ sơ sẩy mình có thể cứu kịp chứ dưới đáy sông thì cầm chắc cái chết”

Ông Năm Thợ lặn

Ông Năm có 3 người con trai và mấy rể đều làm nghề thợ lặn. Rồi cháu nội, cháu ngoại cũng theo cha mẹ chúng lặn từ nhỏ, phụ cha mẹ kiếm sống. Chủ tàu các cửa biển thuê thợ lặn vệ sinh tàu, tháo lắp chân vịt. Những ngày tàu ra biển, thợ lặn lặn xuống đáy sông tìm kiếm phế liệu mưu sinh qua ngày.

Theo Tiền Phong

Các tin cũ hơn