Sạt lở nguy hiểm ở An Giang: Nỗi lo thủy điện Mekong

Thứ sáu, 28/04/2017, 09:23
Bên cạnh tác động của dòng chảy, các thủy điện ở thượng nguồn sông Mekong, nạn khai thác cát quá mức khiến ngã ba sông Vàm Nao-sông Hậu sạt lở nghiêm trọng.

Tình trạng sạt lở ở ngã ba sông Hậu và sông Vàm Nao thuộc xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới, An Giang vẫn đang diễn biến phức tạp. Hiện Trung tâm Chỉnh trị sông và Phòng chống thiên tai (Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam) bước đầu đã có đánh giá sơ bộ về nguyên nhân chính gây ra hiện tượng sạt lở nghiêm trọng, làm 16 nhà dân bị nhấn chìm hôm 22/4.

Khu vực sạt lở ven sông Vàm Nao (An Giang) vẫn chưa cho thấy có dấu hiệu dừng lại.

Theo ông Lê Thanh Chương, Giám đốc Trung tâm Chỉnh trị sông và Phòng chống thiên tai, có 3 nguyên nhân chính gây ra vụ sạt lở.

Thứ nhất là do tác động của dòng chảy. Cách đây 7-8 năm, Trung tâm đã có dự án khảo sát, điều tra cơ bản khu vực này. Theo đó, đây là ngã ba sông Hậu-sông Vàm Nao nên dòng chảy rất phức tạp, có dòng xoáy tạo ra hố xói sâu. Ngay gần khu vực ngã ba này, các chuyên gia đã đo được hố xói sâu -44m.

"Thông thường, ngã ba sông hoặc khúc sông cong là những nơi tạo thành hố xói. Hố xói đó mở rộng dần, khi đến gần sát bờ sẽ tạo nên hàm ếch", ông Lê Thanh Chương cho biết.

Thứ hai, việc xây dựng các công trình nặng, chất hàng hóa trên bờ làm gia tăng tải trọng trên bờ, khiến khối đất bờ bị phá vỡ và lực gây trượt tăng lên. Nếu xây quá sát, quá nặng càng nguy hiểm.

Theo ông Chương, lẽ ra phải quản lý chặt hành lang bảo vệ bờ, sát khu vực có hố xói không nên xây dựng các công trình. Tuy nhiên, vì mưu sinh, để tiện vận chuyển hàng hóa từ dưới sông lên, người dân vẫn bấp chấp xây nhà, chất hàng hóa sát khu vực nguy hiểm.

Thứ ba, do khai thác cát quá mức, không theo quy hoạch. Giám đốc Trung tâm Chỉnh trị sông và Phòng chống thiên tai cho biết, có thể hoạt động khai thác cát không diễn ra tại chỗ mà được tiến hành ở nơi khác, cả ở thượng nguồn và trong nước cũng gây xói lở phía dưới.

Các đập thủy điện ở phía thượng nguồn như Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia, Lào chặn đập lại,  lượng bùn cát trên đó bị giữ lại rất nhiều, còn lượng bùn cát về dưới ít, khiến những chỗ xói không được bồi lấp.

"Nguyên nhân này cần phải nghiên cứu tổng thể để xem xét ảnh hưởng cụ thể thế nào. Đặc biệt, các công trình thủy điện trên thượng nguồn không chỉ giữ lại lượng bùn cát mà khi nó xả lũ hoặc phát điện, Việt Nam không kiểm soát được do không nắm được quy trình vận hành nên bị động, lúc thiếu nước, lúc thừa nước.

Ngay cả bờ biển của Việt Nam cũng bị ảnh hưởng. Lượng bùn cát từ ĐBSCL đưa ra  bờ biển rất quan trọng, bờ biển Việt Nam xói lở nhiều một phần do thiếu hụt cát", ông Chương chỉ rõ.

Trước mắt, Trung tâm cảnh báo, cần phải di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm. bởi nguy cơ sạt lở có thể tiếp tục xảy ra.

Trước đó, ngày 26/4, trên tuyến đường cặp sông Ông Chưởng, nối hai xã Kiến Thành và Kiến An, huyện Chợ Mới, xuất hiện vết nứt kéo dài hơn 200 m. Vết nứt ăn sâu vào đường nhựa khoảng 1m, rộng 2cm, đất mé sông bị sụp xuống. Đây là nhánh sông Hậu, cách điểm sạt lở sông Vàm Nao khoảng 10km.

Sau khi khảo sát, chính quyền địa phương nhận định có nhiều khả năng sạt lở nên đã phong tỏa không cho xe tải qua lại, đặt biển cảnh báo. 4 nhà dân nằm trong khu vực nguy hiểm nhất được di dời khẩn cấp.

Theo Đất Việt

Các tin cũ hơn