|
Hình ảnh máy bay do thám Mỹ chụp được cho thấy Trung Quốc đang tăng cường bồi đắp trái phép ở Biển Đông. (Nguồn: WSJ) |
Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 30 được tổ chức tại Manila, Philippines, từ 28 đến 29/4. Phát biểu trước thềm hội nghị, Tổng thống Duterte nói ông sẽ không dùng hội nghị này để gây sức ép với Trung Quốc trong chuyện họ bành trướng ở Biển Đông.
“Nó (đảo nhân tạo) không thể là một vấn đề nữa. Nó đã hiện diện ở đó rồi. Mục đích của cuộc thảo luận sẽ ra gì nếu bạn không làm được gì nữa”, Reuters dẫn lời ông Duterte nói với các phóng viên.
“Ai có thể ngăn những điều đó? Chúng ta ư? Chỉ có Mỹ mà thôi. Nhưng vì sao họ để điều đó diễn ra”, Tổng thống Philippines nói. Ông cho rằng, Mỹ có thể dùng hải quân để ngăn Trung Quốc bồi đắp, cải tạo trên Biển Đông từ vài năm trước. Tổng thống Philippines nói rằng, ông sẽ không nêu vấn đề phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế trong cuộc họp thượng đỉnh của ASEAN lần này. “Tôi sẽ bỏ qua phán quyết. Nó không phải vấn đề trong ASEAN. Đó chỉ là chuyện giữa Philippines và Trung Quốc nên tôi sẽ bỏ qua”, ông Duterte nói.
Tổng thống Philippines cho biết ông thích việc bàn về COC hơn. Các nhà ngoại giao Philippines trước đó nói rằng, bộ khung COC có thể được hoàn tất vào tháng Sáu. Ông Duterte tỏ ra lạc quan rằng, COC sẽ bảo đảm được tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông.
“Bộ quy tắc ứng xử trên biển là một câu chuyện khác. Nó phải được nói đến”, ông Duterte có ý nhắc đến nội dung Hội nghị cấp cao ASEAN lần này. Giới phân tích cho rằng, Trung Quốc đã trì hoãn thương lượng về COC từ khi nó được đề xuất 15 năm trước, và dùng thời gian đó để xây các đảo nhân tạo, hoàn tất hệ thống nhằm kiểm soát các thực thể tranh chấp.
Kêu gọi nêu lại phán quyết của Tòa Trọng tài
ABS-CBN News dẫn lời một quan chức giấu tên của Philippines nói rằng, một quốc gia ASEAN có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông đã kêu gọi các nước trong khu vực nhắc lại phán quyết của Tòa Trọng tài về vụ kiện trên Biển Đông trong cuộc gặp của các lãnh đạo ASEAN lần này.
Vấn đề này được nêu ra trong các cuộc thảo luận không chính thức trước khi đại diện các thành viên ASEAN chuẩn bị dự thảo văn bản. Lời kêu gọi này được coi là nhằm vào Philippines - nước chủ tịch ASEAN năm nay và là đương đơn trong vụ kiện mà Tòa Trọng tài quốc tế tại La Hay, Hà Lan ra phán quyết vào tháng 7/2016. “Họ cho rằng, ít nhất cũng phải đề cập đến phán quyết”, vị quan chức giấu tên nói.
Trước đó, Bắc Kinh hoan nghênh việc Manila quyết định không nói đến phán quyết của Tòa Trọng tài trong các cuộc gặp của ASEAN năm nay. “Tôi rất thích điều đó”, Đại sứ Trung Quốc Triệu Giám Hoa nói với báo giới nhân dịp Philippines bắt đầu đảm trách cương vị Chủ tịch ASEAN từ tháng 1. Cựu cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Roilo Golez cảnh báo rằng sẽ rất mất mặt nếu một bên liên quan khác trên Biển Đông nêu vấn đề phán quyết của Tòa Trọng tài vào năm Philippines làm chủ tịch.
Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết, tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 30, dự kiến lãnh đạo các nước sẽ trao đổi về những tiến bộ đã đạt được trong quá trình triển khai các kế hoạch tổng thể về xây dựng Cộng đồng ASEAN, từ đó định ra các biện pháp đẩy mạnh tiến trình xây dựng Cộng đồng trong thời gian tới. Lãnh đạo các nước cũng sẽ ký kết Tuyên bố ASEAN về vai trò của nền công vụ làm chất xúc tác trong việc đạt được Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025. Chủ tịch ASEAN 2017, Philippines, sẽ ra Tuyên bố Chủ tịch Hội nghị Cấp cao ASEAN 30. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ có bài phát biểu tại các phiên họp toàn thể, phiên họp hẹp của hội nghị và các cuộc đối thoại giữa các nhà lãnh đạo ASEAN với Liên minh Nghị viện ASEAN và với thanh niên. Trong thời gian dự hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự kiến có các cuộc gặp song phương với một số nhà lãnh đạo các nước ASEAN. |
Theo Tiền Phong