Trung Quốc và Philippines thỏa hiệp về bãi cạn Scarborough?

Thứ hai, 10/04/2017, 18:48
Dù Trung Quốc cho phép tàu cá Philippines quay trở lại đánh bắt ở bãi cạn tranh chấp Scarborough trên Biển Đông, nhưng Manila vẫn lo ngại tham vọng của Bắc Kinh tại đây.  

Tàu hải cảnh Trung Quốc tại khu vực bãi cạn tranh chấp Scarborough ngày 5.4.2017

Vào tháng 7.2016, Toà Trọng tài thường trực (PCA, tại The Hague, Hà Lan) ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc liên quan vấn đề Biển Đông. Theo đó, Bắc Kinh không có “quyền lịch sử”, không có cơ sở pháp lý cho cái gọi là “đường lưỡi bò” hay "đường chín đoạn" chiếm trọn gần cả Biển Đông. PCA khẳng định Trung Quốc cản trở Philippines thực hiện quyền đánh bắt tại bãi cạn Scarborough, theo Reuters. Trung Quốc bác bỏ phán quyết và tiếp tục tăng cường tàu cá và tàu hải cảnh đến bãi cạn này trong vòng 9 tháng qua.

Tuy nhiên, hiện nay tàu cá Philippines và Trung Quốc hoạt động san sát nhau ở quanh Scarborough, điều này cho thấy sự tuân thủ phán quyết của PCA, theo Reuters. Sau chuyến thăm Bắc Kinh của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, Trung Quốc không còn xua đuổi tàu cá Philippines kể từ tháng 10.2016 và cho phép các ngư dân đánh bắt quanh bãi cạn.

Từ tàu cá, ngư dân Trung Quốc lên xuồng tiến đến bãi cạn Scarborough đánh bắt ngày 6.4.2017

Các phóng viên của Reuters hồi tuần rồi đã đến Scarborough, lần đầu tiên kể từ khi Trung Quốc chiếm bãi cạn từ tay Philippines vào năm 2012. Họ chứng kiến hàng chục tàu cá nhỏ đánh bắt cả ngày lẫn đêm. “Đây là điều tốt lành, ngư dân giờ đây được phép vào ngư trường, tôi có thể đánh bắt kiếm tiền lo cho gia đình. Tôi không muốn người Trung Quốc có mặt ở đây, bởi vì họ quá đông, có thể ảnh hưởng đến việc đánh bắt… Nhưng chúng tôi sẵn sàng chia sẻ và không muốn bị xua đuổi”, ông Vicente Palawan, một ngư dân Philippines nói với Reuters.
Mặc dù thể hiện sự nhượng bộ, nhưng Trung Quốc tiếp tục tăng cường sự hiện diện với đội tàu cá, tàu tuần duyên và hải cảnh với số lượng lớn hơn so hồi cuối năm 2016, theo nhận định của Reuters dựa trên các hình ảnh vệ tinh. Điều này khiến Manila lo ngại Bắc Kinh có tham vọng bành trướng ở Scarborough giống như những đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng phi pháp ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam trên Biển Đông.

Ngư dân Trung Quốc (đội nón lá) tiếp cận tàu cá Philippines để trao đổi hàng hóa ở bãi cạn tranh chấp Scarborough ngày 5.4.2017

Chung sống hòa bình
Phóng viên Reuters mô tả ngư dân Philippines và Trung Quốc “chung sống hòa bình”, với các tàu cá hoạt động cách nhau chưa đến 100m. Người Trung Quốc vẫy tay trao đổi thuốc lá, rượu và cá với người Philippines. Dù vậy, số lượng tàu cá Philippines chỉ bằng 1/10 của Trung Quốc. “Người Trung Quốc đánh bắt nhiều hơn và chúng tôi phải chia sẻ ngư trường với họ. Nhưng ít ra họ không quấy nhiễu, thậm chí còn giúp đỡ chúng tôi”, ngư dân Philippines, ông Ramil Rosal với 20 năm kinh nghiệm đi biển chia sẻ.
Sáu tàu hải giám Trung Quốc cũng túc trực trong một khu vực mà PCA tuyên bố là ngư trường truyền thống cho tất cả các quốc gia. PCA không ra phán quyết về chủ quyền đối với bãi cạn. Ngoại trưởng Philippines, ông Enrique Manalo cho rằng khả năng tiếp cận ngư trường được cải thiện “chắc chắn là do (Trung Quốc) tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng tài”.
Trung Quốc vẫn giám sát chặt chẽ
Các ngư dân cho Reuters biết tàu hải cảnh Trung Quốc cấm tàu cá cỡ lớn vào bãi cạn, theo dõi tàu lạ, chỉ cho phép những xuồng nhỏ vào đánh bắt tự do. “Điều này áp dụng đối với cả tàu cá Trung Quốc lẫn Philippines”, ông Rosal nói. Nhưng chính quyền Philippines từng bày tỏ lo ngại về sự hiện diện của ba tàu hải cảnh Trung Quốc có khả năng nạo vét, trong đó có một chiếc túc trực ở Scarborough.
Dù tình hình đánh bắt được cải thiện, nhưng căng thẳng ở Scarborough vẫn còn cao. Hồi tháng rồi, tờ Nhật báo Hải Nam cho rằng Trung Quốc lên kế hoạch xây một trạm giám sát môi trường ở Scarborough. Điều này khiến Philippines lo ngại và Tổng thống Duterte tuyên bố ông không thể ngăn chặn Trung Quốc. Nhưng sau khi Bộ Ngoại giao Trung Quốc bác bỏ thông tin này, Tổng thống Duterte cho biết ông tin Bắc Kinh sẽ không xây dựng công trình trên bãi cạn vì tình hữu nghị giữa hai nước.
Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn