TS Võ Kim Cương – nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP.HCM – cho rằng một trong những giải pháp phát triển đô thị TP.HCM hiện nay là theo mô hình phát triển theo định hướng giao thông TOD (Transit Oriented Development). Tức là đô thị phát triển theo giao thông. TP.HCM phát triển hệ thống xe buýt rộng khắp và tuyến metro hướng tâm qua các khu đô thị “nén” sẽ tạo điều kiện người dân tiếp cận giao thông công cộng.
TS Võ Kim Cương – nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP.HCM |
Theo TS Cương, mô hình này có 2 cái lợi. Người dân được tiếp cận, sử dụng giao thông công cộng dễ dàng. Còn nhà ga cũng sẽ “hút” được nhiều khách. “Còn như thành phố mình thì đô thị trải rộng, thiếu tính kết nối nên bất lợi trong việc tập trung được hành khách. Cho nên giao thông công cộng khó phát triển, người dân đi xe cá nhân nhiều”, ông Cương nói.
Đồng quan điểm, chuyên gia giao thông – TS Phạm Sanh - cho biết, mô hình TOD đã được nói trên 10 năm nay. Mô hình này khởi đầu từ các nhà tư vấn Nhật và rất phù hợp với hiện trạng nghẹt xe và cấu trúc đô thị của Việt Nam. Tất nhiên, trong tình hình phát triển hiện nay, đây không phải là mô hình quy hoạch hiệu quả duy nhất, mà phải áp dụng tùy thực tế từng khu vực trong đô thị.
TS Sanh lấy làm tiếc vì đã 10 năm qua không ai quan tâm mô hình này vì bong bóng bất động sản và các hệ lụy của nó tác động, thậm chí khống chế công tác quy hoạch. “Không có các quy chuẩn, thí điểm, nghiên cứu sâu hơn để áp dụng. Trách nhiệm chính nằm ở Bộ Xây dựng, Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch Kiến trúc, ngay cả chuyện nghẹt xe, nhưng người ta cứ nhằm vào ngành giao thông vận tải”, ông nói.
GS – TSKH Nguyễn Trọng Hòa – nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu và Phát triển TP.HCM – cho rằng phát triển giao thông công cộng bao gồm xe buýt và hệ thống metro. Theo ông, chính giao thông công cộng tạo ra tác phong công nghiệp ở các nước làm thay đổi lối sống đô thị. Hiện đại trong giao thông, hiện đại trong quản lý thì sẽ có văn minh trong đô thị.
TP.HCM hợp long thành công cầu vượt sông Sài Gòn của tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên |
“Hiện đại giao thông không chỉ giải quyết vấn đề đi lại mà còn thay đổi lối sống, tác phong đô thị. Ở thành phố cũng phải phát triển theo hướng đó. Anh không thể lề mề, cà kê uống cà phê… Sở dĩ có nhiều cán bộ cắp ô là có nhiều quán cà phê mọc trước cửa các cơ quan. Bây giờ uống cà phê vào căn tin, nhà hàng… thì lối sống khác đi. Chẳng hạn anh đi làm bằng metro thì phải đúng giờ”, ông Hòa nói.
GS Hòa đánh giá tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) của thành phố sẽ thành công. Bởi vì dọc tuyến này có nhiều khu đô thị “nén” như khu Thảo Điền, Ba Son, Bến Thành…; trung tâm hành chính, trung tâm thương mại; trường đại học… Hành khách dễ dàng tiếp cận metro và các nhà ga sẽ đông khách.
Song theo GS Hòa, phát triển giao thông công cộng không nhất thiết phải là metro. Đối với đặc thù TP.HCM thì phát triển xe buýt trước thì hợp lý hơn. Theo ông, không phải tuyến metro nào cũng hội tụ những điều kiện thuận lợi như tuyến số 1.
“Xây metro thì phải có luồng khách để vận chuyển. Tuyến metro số 1 sẽ thành công vì không gian đô thị phù hợp. Nhưng tôi lo các tuyến metro khác chạy vào khu dân cư, hay hai bên là biệt thự thì khó hút khách. Chúng ta vay tiền làm metro và một trong những nguồn tiền trả nợ là từ bán vé. Nhưng không có khách đi thì lấy tiền đâu trả nợ? Sẽ gây gánh nặng nợ nần cho con cháu”, ông Hòa thẳng thắn.
GS – TSKH Nguyễn Trọng Hòa – nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu và Phát triển TP.HCM |
GS Hòa cho biết thành phố nên tập trung phát triển xe buýt nhanh. Ông nói: “Một số nước, người ta làm động tác trước khi làm metro để đảm bảo hiệu quả đầu tư. Đó là dự kiến trục giao thông nào phát triển metro thì làm xe buýt nhanh trước. Vì làm metro giá đắt gấp 10 lần xe buýt nhanh. Xe buýt hoạt động hiệu quả, tần suất cao thì mới tính toán làm metro. Người ta phải tính kinh tế rất kỹ và có tầm nhìn. Chúng ta là tiền đi vay nên không thấy đắt chứ tiền trong túi bỏ ra đắt lắm”.
TS Võ Kim Cương cho rằng để tăng tính kết nối giữa các khu đô thị thì phải có đường cao tốc đô thị. Như vậy mới có điều kiện phát triển giao thông công cộng. Khu đô thị không nên phát triển 2 bên cao tốc mà nên tập trung lân cận và có đường nhánh ra vào là mô hình lý tưởng.
“Còn ở mình mở đường là xí đất, cái này rất tệ. Trục này như dòng sông ô nhiễm, phải tránh ra. Buông lỏng là lao ra làm điểm buôn bán gây nhiều hệ lụy cho đô thị như kẹt xe, tai nạn giao thông... Đáng lẽ quốc lộ 1 có thể làm cao tốc nhưng người dân ra “xí” chỗ buôn bán, quốc lộ 22 người dân buôn bán sát lề đường, thậm chí còn tràn ra đường”, ông Cương nói.
Theo ông Cương, một trong những cái rất tiếc của giao thông TP.HCM là Xa lộ Đại Hàn (tên gọi quốc lộ 1A từ ngã ba Thủ Đức đến ngã ba An Lạc), quy hoạch cũ là 200m, sau này rút còn 120m (năm 1993).
Kẹt xe trên quốc lộ 1, đoạn qua quận Bình Tân, TP.HCM |
“Mình cũng sa vào không đền bù giải tỏa, cắm lộ giới đó rồi để người dân làm nhà không giải tỏa được… Sau này làm đường Xuyên Á (An Sương về Thủ Đức) chỉ vài chục mét. Quy hoạch nói 120m mà mở rộng rất khó. Bây giờ Bộ Giao thông quy hoạch làm đường trên cao từ Thủ Đức tới An Lạc dài 34km” – ông Cương cho rằng đây là điều đáng tiếc vì đường trên cao phù hợp với đường hướng tâm hơn là đường vành đai.
Cũng theo TS Cương, hiện nay trung tâm quận 9 phát triển tự phát vẫn rất mạnh, quy hoạch chạy theo không kịp. Ông cho rằng điều này rất nguy hiểm vì quận 2, quận 9 là hy vọng của TP. “Vì khu đô thị cũ khó giải tỏa. Nếu phát triển đô thị hiện đại thì phải ra ngoài đó, nhưng nếu ngoài đó không quyết tâm giữ trục lớn để phát triển tự phát thì cũng sẽ giống như mảng đô thị lụp xụp trong này”, ông Cương cảnh báo.
Theo Dân Trí