|
Những máy bay sử dụng sau 30.4.1975 hiện thành phế tích cạnh sân bay Tân Sơn Nhất |
Thế nhưng chỉ 2 ngày sau đó, Tân Sơn Nhất (TSN) đã hoạt động bình thường trở lại, đón các chuyến bay thống nhất. Công lao này thuộc về những người tiếp quản và hàng trăm nhân viên hàng không chế độ cũ, cùng đồng sức chung lòng gìn giữ sân bay...
Lời kêu gọi đặc biệt
Trong căn nhà nhỏ của ông Phan Tương (nguyên Giám đốc sân bay khu vực miền Nam) ở đường Hát Giang (P.2, Q.Tân Bình, TP.HCM) có treo tấm hình 5 phi công từ trẻ đến già, trong đó có Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines Phan Xuân Đức. Ông Tương chỉ tấm hình bảo: “Ngoài tôi và con trai Phan Xuân Đức, 3 cháu kia cũng đang là phi công dân sự kế thừa truyền thống cha ông”.
Tháng 3.1975, khi đang là thư ký của thượng tướng Hoàng Văn Thái (Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, kiêm Phó Tổng tham mưu trưởng thứ nhất, Ủy viên thường vụ Đảng ủy Quân sự T.Ư), ông Phan Tương được điều sang Quân chủng Phòng không - Không quân làm tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh tiếp quản các căn cứ không quân, hàng không phía Nam. Trưa 30.4.1975, khi đang tiếp quản sân bay Nha Trang thì nhận được tin Sài Gòn giải phóng, tổ công tác do ông Tương chỉ huy lập tức lên xe jeep chạy thần tốc vào phía Nam.
4 giờ ngày 1.5.1975 vào đến sân bay Biên Hòa, trung tướng Lê Trọng Tấn (khi ấy là Phó tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh) đợi sẵn đưa giấy ủy quyền và lệnh: “Cậu vào ngay Sài Gòn tổ chức quản lý TSN, chuẩn bị đón các vị lãnh đạo từ Hà Nội vào”. Nhớ lại những ngày này, ông Phan Tương trầm ngâm: “Quãng đường từ Biên Hòa về TSN chỉ 30km nhưng xe jeep phải nhích từng chút vì cả rừng người dân ngược ra miền Trung. Tới cầu Sài Gòn, không đi nổi bởi các ụ bê tông chướng ngại vật, chưa đánh mìn giải tỏa. Bộ đội bảo vệ cầu phải áp tải đi theo đường vòng”.
3 giờ ngày 2.5.1975, chiếc xe jeep chở tổ công tác của ông Phan Tương mới đến TSN và làm thủ tục tiếp quản ngay trong đêm. 10 giờ, nhìn cảnh ngổn ngang hiu hắt của sân bay, ông Tương quyết định chạy ra đài phát thanh, đưa giấy ủy quyền của tướng Lê Trọng Tấn thay mặt ban quân quản sân bay đọc lời kêu gọi: “Hỡi anh chị em làm việc tại sân bay TSN, miền Nam đã hoàn toàn giải phóng, chính phủ ông Thiệu đã đầu hàng. Anh chị em muốn trở lại làm việc cho hàng không, chúng tôi xin mời đến ghi danh tại nhà ga quốc nội. Chúng tôi sẵn sàng tiếp nhận anh chị em”.
Sân bay Tân Sơn Nhất tấp nập máy bay hiện nay |
Ông Phan Tương, nguyên Giám đốc sân bay khu vực miền Nam |
Sân bay TSN do chế độ cũ để lại từ năm 1975, chia thành 2 khu vực quân sự và dân sự, có nhà ga dân dụng quy mô so với lúc bấy giờ là khá lớn, công suất khoảng 1,5 triệu lượt khách/năm. Do lực lượng QĐND VN vào tiếp quản sớm nên hầu hết các cơ sở vẫn còn nguyên.
Sau đó, các trang thiết bị - cơ sở vật chất được sửa chữa khôi phục và đưa vào hoạt động bình thường, trong đó đáng kể là việc tiếp quản Nha Kỹ thuật thuộc “Hãng hàng không VN”, “Sở khai thác không vận” thuộc Nha Hàng không dân sự, khôi phục hệ thống thông tin chỉ huy, sửa chữa và ổn định lại nhà ga dân dụng...
Ngày 1.5.1975, chiếc trực thăng Mi-6 do phi công Lê Đình Ký thuộc Trung đoàn không quân 916 lái, hạ cánh xuống sân bay TSN. Ngày 3.5.1975, chiếc máy bay vận tải IL-14 của Lữ đoàn 919 chở cán bộ và phương tiện kỹ thuật hạ cánh xuống TSN nhằm tăng cường công tác đảm bảo kỹ thuật phục vụ các chuyến bay thường lệ đi, đến TSN.
Ngày 15.5.1975, máy bay IL-18 của Lữ đoàn 919 đưa Chủ tịch Tôn Đức Thắng và các lãnh đạo cao cấp vào Sài Gòn dự lễ mừng chiến thắng. Cũng ngày 15.5, lực lượng tiếp quản đã khôi phục hoàn chỉnh và đưa vào hoạt động 4 máy bay vận tải dân dụng vừa mới tiếp thu. Đường hàng không Sài Gòn - Hà Nội và ngược lại, Sài Gòn đi các địa phương miền Nam bắt đầu hoạt động với tần suất 5 - 6 chuyến/ngày.
|