Mỹ phải hạ nhiệt với Nga vì nhân tố Trung Quốc?

Thứ sáu, 28/04/2017, 20:41
Nga và Mỹ thừa năng lực hủy diệt lẫn nhau nếu tình hình có nguy cơ vượt tầm kiểm soát, trong khi Trung Quốc cũng trở thành một mối đe dọa.

Nguy cơ

Tổng thống Mỹ Donald Trump sắp kỷ niệm 100 ngày đầu tiên cầm quyền. Nếu như trong chiến dịch tranh cử Tổng thống, ông Donald Trump đã có những phát biểu đầy cảm tình đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin, thì hành động cụ thể của ông lại khác hẳn.

Mối quan hệ Nga-Mỹ đặc biệt căng thẳng sau khi Mỹ phóng 59 quả tên lửa xuống Syria. Washington và Moscow đã vướng vào một cuộc khẩu chiến gay gắt.

Washington đổ lỗi cho Nga để xảy ra vụ tấn công bằng khí độc ngày 4/4 tại một thị trấn ở tỉnh Idlib của Syria và là cái cớ để Mỹ tấn công 3 ngày sau đó, còn Moscow cáo buộc Mỹ vi phạm luật quốc tế và quyết định dừng thỏa thuận phối hợp hoạt động trên không ở Syria giữa hai bên.

Tổng thống Mỹ Donald Trump

Ông Trump nói rằng quan hệ Mỹ-Nga “có lẽ đang ở mức thấp nhất”, còn ông Putin cho rằng mối quan hệ này đã trở nên tồi tệ hơn kể từ khi ông Trump lên nắm quyền.

Trong tình hình nóng như hiện nay, hãng tin Reuters vừa đăng tải bài phân tích cho rằng việc “quay lưng” lại với Nga giúp ông Trump có được sự ủng hộ của giới diều hâu trong đảng Cộng hòa và thậm chí là một số thành viên đảng Dân chủ. Tuy nhiên, việc cải thiện quan hệ với Nga sẽ mang lại lợi ích cho Mỹ.

Với hơn 14.000 vũ khí hạt nhân hiện có, Nga và Mỹ có khả năng hủy diệt lẫn nhau rất nhiều lần. Cả hai bên đều đang hiện đại hóa các kho hạt nhân của mình để chúng càng thêm nguy hiểm hơn, và nguy cơ nổ ra chiến tranh hạt nhân bất ngờ  không phải không được tính đến.

Nga và Mỹ đủ năng lực hủy diệt lẫn nhau nhiều lần

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Trump đang cho thấy ông không quan tâm đúng mức tới nguy cơ này khi đưa ra bình luận "để mặc cho chạy đua vũ trang" và dứt khoát bãi bỏ một hiệp ước hạn chế Mỹ và Nga triển khai các đầu đạn hạt nhân.

Reuters cho rằng nếu ông Trump thực sự chắc chắn với chính sách đối ngoại “Nước Mỹ trên hết” thì ông nên tập trung làm giảm nguy cơ chiến tranh hạt nhân Mỹ-Nga, và điều này chỉ có thể được thực hiện nếu Washinton "nói chuyện" với Moscow.

Lợi ích chung

Lý do thứ hai được đưa ra để Mỹ cải thiện quan hệ với Nga là cả hai nước đều muốn chống khủng bố toàn cầu. Vụ tấn công liều chết mới đây trên tàu điện ngầm ở St. Petersburg và vụ đánh bom một vũ trường ở Istanbul hồi tháng 1/2017 cho thấy ngày càng có nhiều người nói tiếng Nga ở các nước thuộc Liên Xô trước đây đang trở nên quá khích.

Nhiều tay súng đến từ Nga đã gia nhập IS ở Syria

Ước tính có 5.000-7.000 người như vậy đang tham gia tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, trong đó có 2.400 người từ chính nước Nga.

Thứ ba, Mỹ cũng cần Nga hỗ trở giải quyết, hoặc ít ra là ngăn chặn, rất nhiều cuộc khủng hoảng ở các "điểm nóng" trong khu vực. Ví dụ, ở Syria, mối quan hệ của Nga với chính quyền của Tổng thống Assad đồng nghĩa rằng không thể có giải pháp nào chấm dứt cuộc nội chiến ở đây nếu không có sự hỗ trợ của Nga, nhất là nếu chính quyền Trump muốn ông Assad rời bỏ quyền lực.

Thứ tư, Nga đã tăng cường liên kết kinh tế với Bình Nhưỡng và là một trong 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) có thể giúp hoặc ngăn cản bất cứ nỗ lực tiếp theo nào của Mỹ muốn gây áp lực với Triều Tiên về kinh tế hay chính trị.

Nga vừa ngăn chặn dự thảo tuyên bố của Mỹ tại HĐBA LHQ lên án cuộc thử tên lửa mới đây nhất của Triều Tiên. Điều này một lần nữa cho thấy khả năng của Nga trong việc tác động tới lợi ích quốc gia của Mỹ.

Máy bay chiến đấu của Nga tại Syria

Thứ năm, Washington và Moskva cũng có lợi ích chung trong việc giảm bớt nguy cơ đối đầu quân sự giữa tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) với Nga ở châu Âu. Nhưng sau các sự kiện ở Ukraine, các kênh liên lạc giữa Nga và Mỹ đã bị hạn chế, làm gia tăng nguy cơ tình hình vượt khỏi tầm kiểm soát chỉ cần một rắc rối nhỏ giữa hai bên.

Việc Nga dùng chiến lược đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân như cách gây sức ép buộc các đối thủ phải lui bước càng làm tăng cơ hội xảy ra thảm họa.

Kéo Nga khỏi Trung Quốc

Đặc biệt, giới phân tích phương Tây đã nêu ra lý do rất quan trọng để Mỹ cải thiện quan hệ với Nga là yếu tố Trung Quốc. Theo đó, Mỹ sẽ “lãnh đủ” nếu Nga và Trung Quốc liên kết chống lại Mỹ. Sự suy giảm hiện nay trong quan hệ Mỹ-Nga có thể đẩy Nga vào vòng tay của Trung Quốc, khiến Mỹ trở thành kẻ lạc lõng trong cái tam giác ngoại giao mà cựu Ngoại trưởng Mỹ này Henry Kissinger đã theo đuổi thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Với khả năng Trung Quốc có thể trở thành đối thủ địa chính trị hàng đầu của Mỹ trong những năm tới, Washington nên tránh để xảy ra viễn cảnh này - điều mà một mối quan hệ cải thiện giữa Mỹ và Nga có thể làm được.

Trung Quốc và Nga vẫn đang thể hiện mối thân tình đặc biệt

Để làm được điều này, Mỹ cần vượt qua rất nhiều trở ngại lớn đang tồn tại. Nhiều chức vụ cấp cao mà ông Trump bổ nhiệm, như người được ông chỉ định làm Đại sứ Mỹ ở NATO Richard Grenell, chuyên gia về Nga tại Hội đồng An ninh Quốc gia Fiona Hill và Cố vấn An ninh Quốc gia H.R. McMaster, được đánh giá là có phần còn diều hâu hơn cả ông Trump trong giai đoạn tranh cử.

Cuộc điều tra về sự dính líu của Kremlin trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ càng gây khó khăn về mặt chính trị cho ông Trump trong việc theo đuổi một mối quan hệ tốt đẹp hơn với Moscow. Có một số đồn đoán rằng ông Trump gần đây tỏ thái độ cứng rắn hơn phần nào là do chính quyền Mỹ muốn phản bác quan điểm cho rằng ông Trump vẫn quá thân thiện với Nga.

Bên cạnh đó, giữa Nga và Mỹ hiện vẫn tồn bất đồng trong hàng loạt vấn đề lớn, từ hệ thống phòng thủ tên lửa cho tới vấn đề Syria, Ukraine.

Theo Đất Việt

Các tin cũ hơn