Nga sẵn sàng đánh chặn
Hãng thông tấn Sputnik dẫn tuyên bố của Chủ tịch Ủy ban Liên bang Nga Viktor Ozerov cho biết, các đơn vị thuộc Quân chủng Phòng không của Liên bang Nga ở vùng Viễn Đông đã chuyển sang tình trạng báo động cao, lực lượng vũ trang Nga tăng cường kiểm soát không phận trong khu vực trách nhiệm, trong thời điểm diễn ra vụ phóng tên lửa của Bắc Triều Tiên.
"Nga hết sức chăm chú theo dõi diễn biến ở Bắc Triều Tiên. Các đơn vị Quân chủng Phòng không Liên bang Nga tại Viễn Đông đã chuyển sang tình trạng báo động cao. Chúng tôi siết chặt kiểm soát không phận trong khu vực trách nhiệm của Không quân Nga", Chủ tịch Viktor Ozerov nói.
Triều Tiên phóng tên lửa. |
Mặc dù đặt hệ thống phòng thủ trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu nhưng theo lời ông Viktor Ozerov, Nga biết nước mình không phải là mục tiêu đối với các vụ phóng tên lửa của Bắc Triều Tiên.
"Nhưng mặt khác, kỹ thuật vẫn là kỹ thuật, và các quân nhân của chúng ta đang làm mọi thứ có thể để trong trường hợp xảy ra tình huống bất thường sẽ không để cho tên lửa ngẫu nhiên lạc sang lãnh thổ Nga", ông Ozerov tuyên bố.
Dù biết không phải là mục tiêu của tên lửa Triều Tiên nhưng đâu là nguyên nhân khiến hệ thống phòng thủ Nga phải đặt trong tình trạng báo động cao độ? Theo nhận định của một số chuyên gia, động thái này có thể liên quan đến tuyên bố của trước đó của Mỹ rằng sẽ có hành động quân sự nếu Triều Tiên tiếp tục phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa.
"Chúng tôi sẽ không hành động trừ khi ông ấy (Kim Jong-un) tạo ra lý do khiến chúng tôi phải làm gì đó. Mục đích của chúng tôi không phải là bắt đầu một cuộc chiến", đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley trả lời khi được hỏi Mỹ có đang xem xét tấn công phủ đầu Triều Tiên trong chương trình "Today" của đài NBC trước khi Bình Nhưỡng phóng tên lửa vào sáng 29/4.
Theo bà Haley, lý do có thể là Triều Tiên tấn công một căn cứ quân sự hoặc phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM). "Ngay lúc này, chúng tôi muốn nói 'đừng thử nghiệm, đừng dùng tên lửa hạt nhân, đừng cố và có thêm hành động nào khác'. Tôi nghĩ ông ấy hiểu điều đó. Trung Quốc đang giúp chúng tôi tạo áp lực", bà Haley cảnh báo. Nếu Triều Tiên thử ICBM hoặc hạt nhân, "tổng thống Mỹ sẽ quyết định chuyện gì xảy ra".
Tuy nhiên, bất chấp tuyên bố của Mỹ, Triều Tiên vẫn tiếp tục thực hiện vụ phóng tên lửa vào sáng 29/4. Và vụ phóng này khiến phòng thủ Nga phải cảnh giác cao độ và sẵn sàng đối phó.
Phòng thủ Mỹ vô dụng
Trong khi Nga chứng minh khả năng phản ứng nhanh và sẵn sàng đánh chặn thì hệ thống phòng thủ tối tân THAAD của Mỹ tại Hàn Quốc lại bị cho là vô dụng trong nhiệm vụ đối phó với tên lửa Triều Tiên.
Theo chuyên gia quân sự Trung Quốc Đỗ Văn Long, hệ thống đánh chặn THAAD được Mỹ triển khai tại Hàn Quốc không có cách nào đối phó với đòn tấn công bằng tên lửa KN-02 từ Bình Nhưỡng.
Những tên lửa này có thể đạt tốc độ tối đa trong 3-4 phút và khai hỏa lại trong khoảng 15 phút, vì vậy rất khó bị phát hiện bằng radar. Theo vị chuyên gia này, KN-02 là tên lửa được cải tiến từ 9K79 Tochka (SS-21 Scarab) có khả năng mang đầu đạn thông thường, hoá học và hạt nhân.
Khác với hầu hết các tên lửa đạn đạo khác, tên lửa KN-02 sử dụng nhiên liệu rắn, do đó tiết kiệm thời gian bắn và khởi động lại. KN-02 có thể đạt tầm bắn tối đa tới 170km. Đạn tên lửa KN-02 có chiều dài 6,4m, đường kính thân 0,65m và trọng lượng phóng hơn 2 tấn. Nó có khả năng lắp đầu đạn thuốc nổ thường nặng 485kg.
Vì tên lửa KN-02 mà hồi tháng 10/2013, Hàn Quốc đã tuyên bố không gia nhập Hệ thống phòng thủ tên lửa khu vực do Mỹ đứng đầu. Theo đó, Hàn Quốc sẽ nâng cấp các loại tên lửa đánh chặn hiện có, đồng thời sẽ nghiên cứu, chế tạo một loại tên lửa đất đối không thế hệ mới, xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa nội địa.
Lý giải điều này, chuyên gia quân sự Trung Quốc Đỗ Văn Long cho rằng, hệ thống phòng thủ tên lửa của Hàn Quốc và Mỹ hoàn toàn khác nhau. Hệ thống phòng thủ của Hàn Quốc đối phó với các loại tên lửa đạn đạo từ tầm trung trở xuống của Triều Tiên, còn hệ thống phòng thủ của Mỹ nhắm tới các loại tên lửa có thể vươn tới Mỹ.
Ông Đỗ Văn Long nhấn mạnh, loại tên lửa đối đất tầm ngắn KN-02 của Triều Tiên có tầm phóng trên 150km, vì vậy quỹ đạo phóng của nó rất thấp. Chính loại tên lửa này chứ không phải các loại tên lửa có tầm bắn xa hơn, đã trở thành sự uy hiếp khủng khiếp đối với thủ đô Seoul của Hàn Quốc, chỉ cách vĩ tuyến 38 (ranh giới 2 nước) khoảng trên dưới 50km.
Các loại tên lửa đánh chặn hiện có của Mỹ và Hàn Quốc là Patriot 3 có thể đánh chặn được các loại tên lửa dòng Scud có tầm bắn 500-700km hoặc các tên lửa tầm trung như Musudan, nhưng không có cách nào đánh chặn được tên lửa có quỹ đạo bay thấp như KN-02.
Theo Đất Việt