|
Ngân hàng giữ 5,7 tấn vàng VN tại Thụy Sĩ - Ảnh tư liệu, Vietcombank cung cấp |
Hồi tôi làm Tổng giám đốc Ngân hàng Nhà nước, có Việt kiều về nước đã hỏi thẳng tôi rằng: Sau ngày 30-4-1975, chính quyền Việt Nam cộng hòa để lại nhiều thứ. Đôla ở ngân hàng Mỹ, vàng đầy trong kho bạc Bến Chương Dương. Cơ sở hạ tầng miền Nam cũng còn gần như nguyên vẹn.
Thành phố Sài Gòn thì vẫn 100% như cũ, kể cả hàng chục ngàn doanh nhân, hàng chục ngàn cơ sở doanh nghiệp lớn nhỏ chẳng cái nào bị đốt phá.
Vậy tại sao sau ngày 30-4 nước mình lại khó khăn như vậy? - những ngày cuối đời, ông Lữ Minh Châu đã tâm sự với người viết như thế...
"Cuộc chiến vừa kết thúc, chúng tôi đã lật từng sổ sách, chứng từ, kiểm tra từng kho quỹ, tầng hầm ngân hàng để tìm nguồn khôi phục đất nước sau chiến tranh. Thấy thỏi vàng nào cũng mừng. Tìm ra đồng đôla nào cũng vui". Ông LỮ MINH CHÂU |
Những khó khăn
Đó là hệ quả Mỹ không chỉ cắt hoàn toàn viện trợ mà còn cấm vận khắc nghiệt, đặc biệt là miền Nam vốn đã sử dụng phương tiện sản xuất của Mỹ và phương Tây nên không có phụ tùng để tiếp tục hoạt động. Năm 1977 đến lượt Trung Quốc cắt viện trợ.
Liên Xô và Đông Âu dù vẫn còn giúp đỡ vài năm nữa, nhưng do trượt giá đồng tiền của họ nên lượng hàng hóa, nguyên liệu thực về nước chỉ còn phân nửa trước đây.
Tình hình như vậy làm sao tránh khỏi khó khăn? Ngay cả Việt Nam cộng hòa gần đến hồi kết thúc cuộc chiến cũng khẩn thiết, van nài vay thêm tiền từ Mỹ.
1 tỉ USD không có, 700 triệu USD không ra, cuối cùng 300 triệu USD cũng không được, phải đôn đáo qua cả Ả Rập để tìm hy vọng cuối cùng mà vẫn bất thành.
Ý kiến cho rằng do chính sách cứng rắn cải tạo, quốc hữu hóa nền kinh tế miền Nam sau năm 1975 đã làm đất nước rơi vào khó khăn là đúng nhưng chưa đầy đủ.
Còn rất nhiều nguyên nhân khó khăn khác, chưa kể hai cuộc chiến biên giới nổ ra khốc liệt sau đó.
Ông Ba Châu tâm sự mình gắn với ngành tài chính - ngân hàng từ trước tháng 4-1975 đến gần 20 năm sau đó, nên là chứng nhân trong cuộc của nhiều vấn đề.
“Cuộc chiến vừa kết thúc, chúng tôi đã lật từng sổ sách, chứng từ, kiểm tra từng kho quỹ, tầng hầm ngân hàng để tìm nguồn khôi phục đất nước sau chiến tranh. Thấy thỏi vàng nào cũng mừng. Tìm ra đồng đôla nào cũng vui. Trung ương cử người vào giám sát chặt chẽ và chúng tôi vẫn liên tục báo cáo ra Hà Nội” - ông Ba Châu kể.
Riêng vàng của Việt Nam cộng hòa lúc ấy để lại có hai nguồn. Thứ nhất là nguồn trong nước với 16 tấn vàng dự trữ ở tầng hầm Ngân hàng Quốc gia.
Về sau, lượng vàng này được đưa qua Liên Xô bán cùng với các loại vàng có trong nước gồm tất cả 40 tấn, để trả nợ và giải quyết các nhu cầu khó khăn.
Thứ hai là 5,7 tấn vàng do Việt Nam cộng hòa ký gửi ở Thụy Sĩ. Theo ông Ba Châu, số vàng dự trữ này vô cùng quý giá với tình hình của đất nước lúc bấy giờ. Nó cần được bán ra để giải quyết các khó khăn cấp bách.
Thu hồi và... bán
Tuy nhiên, chuyện bán vàng dự trữ quốc gia không hề đơn giản, nhanh chóng như nhiều người tưởng. Nó được trung ương đặt lên đặt xuống, cân nhắc rất nhiều.
Ông Dễ (nguyên phó tổng giám đốc Vietcombank) kể có lần ông nghe cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng nói: “Khó khăn quá, không còn cách gì khác thì phải bán vàng thôi. Sau này mình có điều kiện, mình sẽ mua lại”.
Theo ông Dễ, sở dĩ 5,7 tấn vàng từ Thụy Sĩ không được bán ở thị trường quen thuộc Liên Xô vì đã bán ở quốc gia này 40 tấn vàng rồi.
Tuy nhiên, nếu để yên ở ngân hàng Thụy Sĩ thì cũng không yên tâm trước các biện pháp cấm vận ngày càng khắt khe của Mỹ.
Sau năm 1975, chính quyền nước này đã phong tỏa hơn 97 triệu USD của Việt Nam cộng hòa gửi ở các nước. Rất có thể Thụy Sĩ, một nước trung lập, rồi cũng có thể phải chịu áp lực từ Mỹ, gây khó khăn cho Việt Nam.
Các cuộc họp của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và Vietcombank đã đặt vấn đề phải xử lý an toàn 5,7 tấn vàng này.
Cân nhắc ban đầu là chuyển về nước, nhưng trước tình hình khó khăn nên buộc phải tìm cách bán. Khả năng bán ở Liên Xô cũng được xem xét, nhưng cuối cùng quyết định chuyển về ngân hàng Tiệp Khắc.
Theo ông Dễ, có nhiều nguyên nhân, trong đó có cả nguyên nhân “chia nhỏ ra thì hay hơn dồn tất cả vào một chỗ”.
Đầu tiên, ông Dễ và các cán bộ nghiệp vụ của Vietcombank tiến hành đàm phán với Bank fur Internationnalen Zahlung Sausgleih, ngân hàng Thụy Sĩ đang giữ 5,7 tấn vàng của Việt Nam gửi.
Công việc hơi tốn thời gian và đòi hỏi nhiều chi tiết, nhưng cuối cùng cũng hoàn tất vì trước đó Việt Nam đã chứng minh quyền thừa kế hợp pháp ở các tổ chức tài chính quốc tế.
Sau đó, họ làm việc với ngân hàng quốc gia Tiệp Khắc đề nghị tiếp nhận số vàng Việt Nam chuyển đến từ Thụy Sĩ.
Giai đoạn đàm phán này diễn ra nhanh gọn hơn nhiều, vì Tiệp Khắc đã có mối quan hệ từ lâu với chính phủ Hà Nội và viện trợ cho Việt Nam rất nhiều trong chiến tranh.
Các thủ tục chuyển giao quốc tế hoàn tất. 5,7 tấn vàng được đưa về ngân hàng quốc gia Tiệp Khắc an toàn. Số vàng này được Việt Nam nhờ Tiệp Khắc bán để lấy ngoại tệ.
Còn nửa tấn cuối cùng thì chính trường Tiệp Khắc xảy ra bất ổn, nhưng Vietcombank đã kịp thời chuyển về nước an toàn.
Riêng 2,7 tấn vàng còn lại chưa bán hết ở Liên Xô cũng được chuyển về Việt Nam trước khi nước này xảy ra thay đổi chính trị.
Đặc biệt, số ngoại tệ khả dụng của Việt Nam cộng hòa gửi ở nước ngoài cũng được Vietcombank tiến hành các thủ tục rút dần về nước để giải quyết tình trạng khan hiếm ngoại tệ nghiêm trọng.
Riêng hơn 93 triệu USD bị Mỹ phong tỏa cũng được thu hồi sau khi Mỹ bãi bỏ chính sách cấm vận với Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Duy Lộ, nguyên phó tổng giám đốc Vietcombank, Việt Nam không chỉ thu hồi được tất cả số tiền gốc ngoại tệ ký gửi ở nước ngoài mà còn lấy được cả lãi với tổng số lên đến gần 396 triệu USD.
Đó cũng được xem là một thắng lợi lớn của những nhà hoạt động ngân hàng ở Việt Nam sau khi tiếp quản ngành ngân hàng mà VNCH để lại...
Nguyên phó tổng giám đốc Vietcombank Nguyễn Văn Dễ là người trực tiếp thu hồi 5,7 tấn vàng gửi ở Thụy Sĩ. Ông kể: “Cuộc tiếp quản hệ thống ngân hàng miền Nam sau tháng 4-1975 đã đạt kết quả tốt đẹp. Chính nghiệp vụ sổ sách chặt chẽ, khoa học của các ngân hàng, đặc biệt là Ngân hàng Quốc gia VNCH trước năm 1975 đã giúp chúng tôi nắm được chính xác tất cả tài sản quốc gia mà chính quyền miền Nam để lại. Chúng tôi có thể biết rõ lượng ngoại tệ và vàng còn bao nhiêu, đang nằm ở ngân hàng nào, nước nào, số nào bị Mỹ phong tỏa, số nào có thể rút ra ngay được”. Ngay từ tháng 9-1975, Việt Nam đã cử đại diện tham dự các hội nghị thường niên của tổ chức tiền tệ IMF, WB, ADB. Được Nhà nước ủy nhiệm thực hiện quyền thừa kế từ chính quyền trước, đoàn đã chuẩn bị tất cả tài liệu, số liệu để đàm phán thu hồi quyền lợi. |
Theo TTO