Đừng đặt giờ giới nghiêm ở 'TP không ngủ'

Thứ hai, 01/05/2017, 13:08
Xây dựng “thành phố không ngủ” nhưng chỉ nới thời gian được hoạt động của một số điểm kinh doanh đến 2 giờ sáng ở một số cơ sở kinh doanh, thì các chuyên gia nhận xét TP.HCM vẫn đang “ép khách đi ngủ”.  

Phố Tây Bùi Viện dù về đêm nhưng vẫn huyên náo, chật kín khách du lịch

Chuyên gia du lịch Huỳnh Văn Sơn đánh giá việc cho phép các cơ sở kinh doanh này hoạt động đến 2 giờ, 3 giờ hay 5 giờ thực chất không phải vấn đề quan trọng. Các nước có nền du lịch phát triển đều phục vụ cho tới khi người khách cuối cùng ra về. Nếu đã xác định xây dựng “TP không ngủ” thì giới nghiêm phải tùy thuộc vào lượng khách chứ không phải khung giờ.

Mà lượng khách đông hay ít, chơi lâu hay mau chóng ra về là do năng lực tổ chức, kinh doanh của các doanh nghiệp (DN). “Chỗ nào làm dở, làm chán thì có bắt ở lại đến 2 giờ họ cũng không ở. Chỗ nào trình độ tổ chức, năng lực kinh doanh tốt, sản phẩm hấp dẫn thì tại sao lại ép khách phải về trong khi họ còn muốn chơi tiếp, tiêu tiền tiếp?”, ông Sơn nói.

Đồng tình với ý kiến trên, giám đốc một công ty du lịch lâu năm ở Sài Gòn dẫn chứng công ty ông thường dẫn các đoàn khách Mỹ, châu Âu sang VN. Do lệch múi giờ nên sau 22 giờ mới là thời điểm vui chơi, giải trí, ăn uống của họ. Các khách đến từ Tây Ban Nha thậm chí 24 giờ mới bắt đầu ra khỏi khách sạn. Nếu chỉ giới hạn đến 2 giờ thì khách chơi chưa “đã”, các cơ sở kinh doanh cũng chưa kịp “móc hầu bao” của khách.

"Chỗ nào làm dở, làm chán thì có bắt ở lại đến 2 giờ họ cũng không ở. Chỗ nào trình độ tổ chức, năng lực kinh doanh tốt, sản phẩm hấp dẫn thì tại sao lại ép khách phải về trong khi họ còn muốn chơi tiếp, tiêu tiền tiếp?".

Chuyên gia du lịch Huỳnh Văn Sơn

“Đặc biệt là các đoàn khách MICE (khách hội nghị) rất đông và có mức chi tiêu cao hơn rất nhiều so với khách thường. Nếu về đêm không có đủ thời gian cũng như các hoạt động, sản phẩm du lịch thu hút, hấp dẫn, tạo điều kiện cho họ tiêu tiền thì thật sự rất lãng phí. Cho nên không cần thiết phải áp đặt khung giờ ăn chơi của khách”, ông đề nghị.

Với cái nhìn thận trọng, ông Trịnh Quảng Thang, Phó trưởng khoa Du lịch - Trường ĐH Văn Lang, lại cho rằng muốn mở cửa thì phải mở từ từ. Tháo nước ồ ạt thì rác rưởi cũng có cơ hội tràn vào bể. Cần đưa ra quy chế, quy định rõ ràng đối với các DN phục vụ du lịch sau 0 giờ. Buông lỏng sẽ có rất nhiều đối tượng lợi dụng ảnh hưởng xấu tới hình ảnh chung của TP.

Ông Phan Đình Huê, Giám đốc Công ty du lịch Viet Circle, thì cho rằng nếu TP lo ngại vấn đề quản lý, có thể phân loại đối tượng khách. Đơn cử cho phép các khách sạn, DN chuyên phục vụ khách Tây Âu, Mỹ, Canada… được phép hoạt động 24/24. Như vậy vừa tạo sự chủ động cho khách, vừa không gây khó khăn cho vấn đề quản lý và quyền lợi của khách vẫn được đặt lên hàng đầu.

Không đồng tình với ý kiến này, một chuyên gia du lịch phản đối, không nên phân biệt chỗ đón khách này, chỗ đón khách kia mà đưa ra giờ giới nghiêm hoạt động kinh doanh. “Vậy không lẽ khách châu Á phải về ngủ sớm”, vị này đặt câu hỏi và cho rằng đã xây dựng “TP không ngủ” mà bắt khách về ngủ sớm thì “TP thức với ai, thức để làm gì?”.

Nhiều du khách chọn bar, vũ trường làm điểm đến
Cứ sau 0 giờ là bị kiểm tra
Theo một luật sư, pháp luật hiện hành không quy định về “giờ giới nghiêm” mà chỉ có quy định thời gian được phép kinh doanh trong ngày của một số loại hình như bar, vũ trường... Tuy nhiên lâu nay, khái niệm “giờ giới nghiêm” bị đánh đồng và nhiều cấp quản lý cũng mặc nhiên lấy “giờ giới nghiêm” để kiểm tra các cơ sở kinh doanh về đêm. Việc này trở thành thói quen đến mức, khi “giờ giới nghiêm” được nới lên tới 2 giờ sáng thì theo phản ánh của nhiều DN, cứ sau 0 giờ họ vẫn bị kiểm tra nhiều lần, gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh.

Chuyên gia du lịch Huỳnh Văn Sơn nhận xét: Chúng ta đều biết rằng, có cấm mà khách chưa muốn về thì họ vẫn sẽ tìm chỗ, tìm cách để chơi. Đây là yếu tố được hình thành tự nhiên khi cung và cầu gặp nhau. Nhà nước không nhất thiết phải cấm hay đề ra giờ giới nghiêm.

Ông Phan Đình Huê phân tích tâm lý khách nước ngoài rất ngại đụng chạm tới lực lượng cảnh sát. Đến một nơi đã được cấp phép mà liên tiếp bị kiểm tra cũng gây tâm lý hoang mang cho khách du lịch. Không chỉ ở VN mà trên cả thế giới, đến vũ trường, bar là nơi hay dẫn tới việc “quá đà”, thậm chí là tệ nạn xã hội.
Tuy nhiên, lực lượng chức năng nên tính toán làm sao làm cho tế nhị. Hạn chế trường hợp “úp nguyên cả vũ trường” trừ vấn đề quá nghiêm trọng. “TP có quy chế ứng xử đối với du khách thì cũng nên xây dựng bộ nguyên tắc, quy chế ứng xử của cơ quan chức năng đối với các cơ sở, DN phục vụ khách du lịch. Như vậy mới công bằng cho DN”, ông Huê kiến nghị.
Không cho rằng hiện tượng thanh tra kiểm tra quá nhiều một cơ sở kinh doanh hoạt động sau 0 giờ là hiện tượng phổ biến, nhưng thạc sĩ Dương Đức Minh, giảng viên bộ môn du lịch - Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, thừa nhận đây cũng là vấn đề nan giải vì khi triển khai hoạt động thanh tra đồng nghĩa với việc phải đột xuất thì mới hiệu quả. Mà đột xuất thì chắc chắn gây náo động, bất ngờ cho khách. Vì vậy, nếu có kiểm tra thì cũng nên triển khai sao cho ít ảnh hưởng nhất đến tâm lý chung của khách.
Thạc sĩ Dương Đức Minh thông tin thêm cảm nhận của khách nước ngoài về lực lượng an ninh của VN rất tốt nên đây cũng không phải trở ngại quá lớn. Quan trọng là các cơ sở kinh doanh phải có ý thức tự giác bảo vệ uy tín thì sẽ tạo được lòng tin cho cả khách và lực lượng chức năng. Như vậy, sẽ hạn chế được tình trạng kiểm tra.
Khó thức vì quy hoạch da beo
Để TP.HCM thực sự trở thành “TP không ngủ” như các TP du lịch khác trên thế giới, các chuyên gia trong ngành cho rằng vấn đề cần thực hiện đầu tiên đó là phải quy hoạch lại một cách đồng bộ. Chuyên gia Huỳnh Văn Sơn nhận xét: “TP.HCM đang có quy hoạch kiểu da beo. Quán bar, khu vui chơi giải trí về đêm nằm xen lẫn với khu dân cư, như vậy vừa khó tổ chức, vừa khó phát triển. Muốn tạo khu ăn chơi về đêm cho khách du lịch, phải quy hoạch ở những nơi phù hợp, tách biệt”.
Nên quy hoạch những khu phức hợp khép kín, tập trung các đơn vị có đủ năng lực cùng tổ chức, hoạt động. “Quy hoạch tại bất cứ khu nào cũng phải cân nhắc đến lợi ích của dân cư xung quanh. Ví dụ tại các khu du lịch, người dân có chuyển sang thương mại hay không? được hưởng giá trị kinh tế nào?... Cần được tính toán vì chỉ khi người dân thấy có lợi thì họ mới ủng hộ”, ông Sơn nói.
Đồng quan điểm này, thạc sĩ Dương Đức Minh gợi ý, hoạt động về đêm không chỉ đi bar, uống rượu mà cần tạo những nét riêng về văn hóa để thể hiện tính chuyên nghiệp. Khách du lịch mang tâm lý muốn trải nghiệm, khám phá. Vì vậy, muốn họ ở lâu hay chi tiền nhiều thì điều đầu tiên là phải có những sản phẩm thu hút.
Quy hoạch riêng một khu phố đầy đủ ẩm thực, mua sắm, có mở các show diễn về đêm mà qua đó truyền tải được văn hóa, bản sắc riêng của cộng đồng thì khu phố này sẽ trở thành điểm nhấn du lịch, là lõi hạt nhân để phát triển thêm các dịch vụ khác. Theo thạc sĩ Dương Đức Minh, việc quy hoạch chung về một mối như vậy không chỉ khiến du lịch TP có sự gắn kết, tập trung mà còn giúp các cơ quan chức năng dễ dàng quản lý, đồng thời không ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân.
Cụ thể hơn, một chuyên gia du lịch đề xuất có thể quy hoạch các tụ điểm ăn chơi về đêm dọc bờ sông Sài Gòn, cảng Sài Gòn... những khu vực tách riêng, không ảnh hưởng đến người dân. Các đơn vị kinh doanh cũng cần phải chứng minh năng lực, đủ điều kiện mới được tham gia tổ chức tập trung. Như vậy thỏa mãn nhu cầu của khách, DN có cơ hội phát triển, cũng nhẹ cho những người làm chính sách vì không bị dân phàn nàn khiếu kiện.
Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn