Đại hội đồng cổ đông của Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) diễn ra trong bầu không khí căng thẳng. Bởi trước đó, dư luận xôn xao vì thông tin về tình hình kinh doanh kém khả quan của công ty này trước sự cạnh tranh của Grab và Uber.
Đấu pháp của Mai Linh, Vinasun
Các cổ đông nhỏ lẻ chấp nhận sự thật về sự cạnh tranh khốc liệt thời công nghệ, và đề nghị Ban lãnh đạo Vinasun phải thay đổi chiến lược kinh doanh. Trong khi đó, ông Đặng Phước Thành, Chủ tịch HĐQT Vinasun lại hùng hồn tuyên bố, đầu tháng 5 công ty sẽ nộp đơn khởi kiện các công ty công nghệ như Uber, Grab, vì những cạnh tranh không công bằng.
Vài tháng trở lại đây, ban lãnh đạo Vinasun rốt ráo tìm các kế hoạch để “đấu lại” Uber, Grab.
Theo ông Thành, công ty đang dần thay đổi sang nhượng quyền với cách thức chậm và chắc, để nhận được sự đồng thuận của toàn bộ nhân viên. Toàn bộ hoạt động của Vinasun đang trên đà thay đổi và cần được sự ủng hộ của các cổ đông.
“Uber, Grab có phần mềm trước, chuyên nghiệp hơn, nhưng nếu cạnh tranh về dịch vụ thì Vinasun không thua. Họ hơn về tiền, nhất là có sự ủng hộ về chính sách của Chính phủ khiến chúng tôi thất thế”, ông Thành cho biết.
Trong khi hai hãng taxi truyền thống tìm mọi cách đổ lỗi chuyện kinh doanh giảm sút thì hai hãng taxi công nghệ liên tục cho ra mắt ứng dụng giá rẻ. Ảnh minh họa. |
Năm nay, Vinasun sẽ đầu tư thêm tối thiểu 750 xe và thanh lý 1.050 xe cũ, nhằm đảm bảo chất lượng phục vụ. Đặc biệt, có thể trong tháng 6, công ty nhượng quyền được 4.000 xe và phát triển thêm khách hàng sử dụng thanh toán online, kết hợp với các ứng dụng thanh toán khác.
Tuy nhiên, theo các cổ đông, Vinasun vẫn quá chậm đổi mới. Ví như nền tảng công nghệ chưa ăn khớp với dịch vụ gọi qua điện thoại của phần mềm đặt xe Vinasun app.
“Mức độ nhận diện thương hiệu mạnh của Vinasun là trên 70%, thị phần trên 45% cho thấy khả năng cạnh tranh về giá cước và gia tăng lợi nhuận trong tương lai của công ty vẫn còn nhiều tiềm năng. Song công ty phải học hỏi hai công ty công nghệ kia, để tối đa lợi nhuận thì mới có thể cạnh tranh được. Vì nếu cạnh tranh về giá, Vinasun không đủ năng lực”, một cổ đông cho biết.
Các cổ đông còn cho rằng ban lãnh đạo công ty có thể gây sức ép hoặc bằng cách nào đó buộc Grab, Uber cũng phải sử dụng logo; ra ứng dụng gọi xe ôm.
“Chúng tôi kỳ vọng HĐQT mới sẽ có tư duy và quyết tâm hành động nhanh hơn. Mong sẽ có nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào công ty để nâng cao được trình độ quản lý của ban lãnh đạo. Đặc biệt, thái độ của lái xe cần được cải thiện…”, một cổ đông đề xuất.
Trước Vinasun, Công ty Mai Linh còn công kích Grab và Uber trực diện hơn. Tuy nhiên, trước khi đại hội đồng cổ đông diễn ra, Mai Linh đã kịp thời có thông tin để trấn an cổ đông. Thậm chí, có người còn cho đó là màn đánh lạc hướng cổ đông, khi cho biết công ty đã trở thành nhà phân phối dòng xe điện chạy taxi cho DiMora Enterprises, LLC (Hoa Kỳ).
DiMora Enterprises, LLC sẽ sản xuất hàng loạt loại xe điện 5 đến 7 chỗ ngồi cho dịch vụ taxi tại Việt Nam vào năm 2020. Hãng sẽ chi 500 triệu USD để triển khai chương trình ôtô điện tại Việt Nam.
Công ty đặt mục tiêu sẽ sản xuất khoảng 5.000-10.000 xe điện mỗi năm, nâng công suất 50.000 xe/năm. Hiện công ty này đang tìm kiếm vị trí tốt nhất để thành lập nhà máy sản xuất, dự kiến xây dựng vào quý III năm nay.
Ông Alfred J. Dimora, Chủ tịch DiMora Enterprises, LLC tỏ ra rất tự tin với các dòng xe của mình có thể hỗ trợ Mai Linh trong việc cạnh tranh với các công ty công nghệ cung cấp dịch vụ gọi xe có trên thị trường, như Uber và Grab. Đặc biệt, hãng đang làm việc chặt chẽ với chính phủ và các cơ quan liên quan để thiết lập một số loại ưu đãi cho xe điện.
Lợi nhuận giảm sút, Vinasun tuyên bố kiện 2 hãng taxi công nghệ. Ảnh: Vinasun. |
Liệu dự án mới này có giúp tình hình kinh doanh của Mai Linh bứt phá trong thời gian tới?
Thời gian sẽ trả lời, nhưng nhiều người còn nhớ, Mai Linh từng là hãng taxi lớn nhất cả nước, song đã bị Vinasun qua mặt vì sai lầm trong chiến lược, đầu tư đa ngành, quá dàn trả. Thậm chí có thời gian doanh nghiệp còn rất chểnh mảng ngành kinh doanh cốt lõi là taxi, khiến công ty liên tục gặp khó khăn trong giai đoạn 2012- 2013.
Được biết, kết thúc năm tài chính 2016, doanh thu của Mai Linh vẫn tăng 32,3% so với năm 2015, đạt 3.730 tỷ đồng, do tập đoàn đẩy mạnh đầu xe. Doanh thu từ hoạt động taxi/tổng doanh thu năm 2016 là 86,22%, cho thấy hoạt động taxi đóng vai trò là mảng kinh doanh chủ lực của Mai Linh.
Doanh thu tăng đáng kể, nhưng do các khoản chi phí tài chính và chi phí quản lý tăng, nên lợi nhuận trước thuế năm 2016 đạt 61,12 tỷ đồng, giảm 100 tỷ đồng so với năm 2015.
Giải thích về lợi nhuận của công ty sa sút, ông Hồ Huy, Chủ tịch Mai Linh mới đây đã đưa ra thông điệp đổ lỗi cho Uber và Grab. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, điều nay khó có thể chấp nhận được.
Thời gian qua, cách mà Vinasun và Mai Linh phản ứng với đối thủ Grab và Uber được giới phân tích thị trường cho là thiếu khôn ngoan, cho thấy sự yếu thế trước đối thủ.
Thậm chí, hai hãng này còn kéo Sở Giao thông - Vận tải của Hà Nội, TP.HCM, Khánh Hòa vào cuộc, và đề nghị không phát sinh thêm xe Uber và Grab, vì gây tắc đường, bất bình đẳng.
Trong khi đó, kinh doanh vận tải taxi không phải là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện.
Grab, Uber thừa thắng xông lên
Trong khi Vinasun và Mai Linh loay hoay với các kế hoạch đổi mới và đổ lỗi cho Grab và Uber khiến tình hình kinh doanh của họ sa sút, thì hai hãng này lại đang chuẩn bị tung ra thị trường chiêu thức kinh doanh mới. Đó là sử dụng nguyên lý đi chung xe, nhằm giảm chi phí cho khách hàng và tăng thu nhập cho tài xế.
Trong tháng 5/2017, Grab sẽ triển khai dịch vụ GrabShare (đi chung xe) đầu tiên tại Việt Nam như một giải pháp nhằm chung tay góp phần cải thiện tình hình giao thông. Hiện dịch vụ này đang được thử nghiệm tại TP.HCM.
GrabShare cho phép đối tác tài xế có thể nhận 2 cuốc đặt xe trên cùng lộ trình di chuyển (mỗi cuốc xe tối đa 2 hành khách, đồng nghĩa với việc sẽ có tối đa 4 hành khách trên xe). Hành khách có thể có chi phí tiết kiệm lên đến 30% so với dịch vụ GrabCar thông thường.
“Trong giai đoạn thử nghiệm, GrabShare được các đối tác tài xế tiếp nhận khá hào hứng”, bà Nguyễn Thu An, Giám đốc truyền thông Grab Việt Nam cho biết.
Hiện Grab hoạt động tại 44 thành phố tại 7 quốc gia với hơn 780.000 đối tác tài xế trong mạng lưới. Với hơn 38 triệu lượt tải ứng dụng Grab về điện thoại di động tính đến nay, Grab đạt 95% thị phần của các ứng dụng đặt xe và hơn 70% thị phần xe tư nhân ở các thị trường mà Grab có mặt. Tuy nhiên, Grab lại từ chối chia sẻ thông tin tại thị trường Việt Nam.
Uber cũng đang nghiên cứu kế hoạch ra mắt dịch vụ UberPool tại Việt Nam, khi dịch vụ này đã rất thành công trên thế giới.
Ở San Francisco - nơi Uber đã đưa vào ứng dụng Uberpool, giá taxi còn rẻ hơn cả xe bus.
Trong nền kinh tế thị trường, khi có nhiều đơn vị và loại hình kinh doanh vận tải khác nhau, thì người dân sẽ được hưởng lợi. Khi đó, họ sẽ có quyền lựa chọn dịch vụ phù hợp nhất với nhu cầu của mình.
Giá rẻ, tiện lợi, được người tiêu dùng chuộng và cả xã hội thừa nhận là những thế mạnh không thể chối bỏ của Grab và Uber. Hai hãng đang tận dụng triệt để điểm mạnh này để mang đến ngày càng nhiều lựa chọn di chuyển tiện lợi, an toàn và tiết kiệm cho cả đối tác tài xế và khách hàng.
Động thái đó cho thấy doanh nghiệp cũng cần thường xuyên chuyển động và đổi mới để theo kịp xu hướng phát triển của thị trường.
Và viễn cảnh các hãng taxi truyền thống phải gánh chịu thêm thiệt hại nếu như họ chậm chân hơn đối thủ trong việc thay đổi, nhất là trong bối cảnh các ứng dụng công nghệ sẽ lên ngôi trong ngành công nghiệp 4.0.
Theo Zing