Sáng sớm, làng Tắk Ngo, xã Trà Linh (Nam Trà My, Quảng Nam) mây mù vây kín. Ông Hồ Văn Suốt (70 tuổi) cho lương thực, thực phẩm vào gùi để vượt núi vào rừng canh giữ sâm. Nhiều năm nay bà con trồng sâm trên núi theo nhóm hộ để tiện việc cắt cử người trông coi.
“Hôm nay đến lượt bố lên thay cho người khác về, mặt trời chưa lên núi phải tranh thủ đi cho mát. Trưa nắng vượt rừng vất vả lắm, vắng người trên vườn sâm thì kẻ gian nhổ hết”, ông Suối nói.
Chuyện mất trộm sâm xảy ra rất phổ biến. Cách đây 2 năm, anh Hồ Văn Bộ, làng Măng Lùng, xã Trà Linh, bị nhổ trộm hơn 5 ký sâm trên 10 năm tuổi, thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Hôm đó cơn mưa đầu mùa đổ xuống, anh cùng một số người ra suối soi ếch dưới khe suối, kẻ trộm lợi dụng vào vườn.
Do cây sâm bước vào giai đoạn “ngủ đông”, anh Bộ dùng que tre cắm ngay bên củ làm dấu nhận dạng, tránh dẫm đạp. Lần theo dấu vết que tre, trộm đã nhổ rất dễ dàng. “Mười mấy năm đổ biết bao mồ hôi, nước mắt để chăm sóc, bảo vệ, tôi mất trắng trong chốc lát”, anh Bộ nhớ lại.
Anh Hồ Văn Hình cũng từng xót xa khi mất số lượng sâm lớn. Cuối năm 2014, biết anh đi học lái ôtô, kẻ gian đột nhập vườn, nhổ hơn 30kg củ sâm, thiệt hại trên một tỷ đồng. “Nhiều năm ăn nằm trên núi làm người rừng, vậy mà kẻ gian lấy hết. Mình đã đầu tư hơn 100 triệu đồng mua tubin phát điện sử dụng còi báo động, hy vọng sẽ hạn chế trộm đột nhập”, anh Hình nói.
Khi sâm Ngọc Linh có giá trị lớn, rừng sâm trồng trở thành mục tiêu của kẻ trộm. |
Mới đây nhất, đầu tháng 3 công an huyện Nam Trà My phá thành công vụ án Phan Quốc Duân (28 tuổi, cán bộ Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Tranh) cùng một số thanh niên nhổ trộm hơn 500 gốc sâm với khối lượng khoảng 10kg của ông Hồ Văn Dương, làng Tắk Ngo.
Duân được phân công bấm tọa độ, vẽ sơ đồ, cắm mốc khu vực gần rừng trồng sâm của người dân. Nhiều ngày ở đây Duân biết rõ vị trí có sâm trồng và lên kế hoạch cùng đồng phạm lấy sâm. Sau 5 ngày trộm, Duân bị bắt giữ.
Ông Hồ Văn Thể, Phó chủ tịch xã Trà Linh, cho biết từ năm 2014 đến nay địa bàn xảy ra 8 vụ trộm sâm. Những người liên quan đã bị bắt giữ và xử lý. Cũng vì nhiều vụ mất trộm nên người dân Xê Đăng rất cảnh giác với người lạ. Họ bí mật về chuyện trồng bao nhiêu gốc sâm, ai hỏi cũng lắc đầu không có. Bà con không cho người lạ, không cùng huyết thống bước vào khu vực trồng sâm của mình.
Cắm chông dày đặc
Để bảo vệ vườn sâm Ngọc Linh, người dân trồng nhiều loại bẫy giăng kín lối đi. Đầu tiên là lưới sắt B40, tiếp đó phía ngoài dùng tre, nứa vót chông cắm xuống.
Anh Hồ Văn Rủi, cắm chông quanh vườn chống trộm đột nhập vào vườn nhổ sâm. |
“Loại bẫy này gây sát thương cao, nếu giẫm phải bị đâm thấu bàn chân. Dính bẫy, kẻ gian không thể đi xa, người trồng sẽ phát hiện và bắt giữ. Nguy hiểm nhất là đào hố sâu rồi cắm chông phía dưới, dùng lá cây tấp lên ngụy trang. Một khi rơi xuống hố sẽ bị hàng chục cái chông đâm vào người”, anh Hồ Văn Rủi (32 tuổi) giải thích.
Ngoài loại bẫy nói trên, anh Rủi còn đặt thêm bẫy thò, vốn dùng bắt thú rừng. Bẫy được làm đơn giản, chỉ một cây nứa vót nhọn hoắt, một cành cây to bằng cổ tay dài khoảng 3m và ít dây leo. Cành cây được buộc chặt uốn cong tạo lực và dùng dây giăng trên lối đi. Khi có người bước qua vướng dây thì lập tức cây nứa vót nhọn bay như tên bắn găm vào. “Các loại động vật như heo rừng, gấu dính bẫy đi vài bước chân gục xuống liền”, anh Rủi nói.
Chông, bẫy chống trộm chưa bắt kẻ gian nhổ trộm sâm, nhưng mới đây một kiểm lâm đo đạc đất rừng dính phải bẫy chông đâm gần thấu bàn chân. Trước đó anh Hồ Văn Tuấn khi đang làm hàng rào bảo vệ vườn sâm không may vấp dây rừng ngã xuống vạt chông. Một cây chông thọc vào hông trái sâu hơn 10cm. Đầu chông gãy nằm trong người, mất máu rất nhiều.
Dùng cành lá cây ngụy trang bẫy chông. |
Mặc dù bẫy được đặt nhiều nơi ở vườn sâm, nhưng tình trạng mất trộm vẫn diễn ra. Gần đây nhiều hộ đầu tư cả trăm triệu đồng lắp máy báo trộm. Giữa núi rừng, tubin nước được lắp ở các con suối để cung cấp điện cho máy hoạt động.
Chỉ cần bước vào cổng trại sâm gốc Tắc Ngo (Trung tâm sâm Ngọc Linh huyện Nam Trà My), còi sẽ hú vang. Anh Nguyễn Mạnh Tuấn, trưởng trại cho biết, ngoài 4 lớp lưới sắt B40 bảo vệ, trại lắp thêm máy báo động. “Mỗi khi có người xuất hiện hoặc thú rừng thì hệ thống phát ra tín hiệu cảnh báo. Tại vườn luôn có người canh giữ nghiêm ngặt”, anh Tuấn chia sẻ.
Ngọc Linh là núi cao nhất miền Trung Việt Nam, nằm trên dải Trường Sơn, thuộc địa phận tỉnh Kon Tum và Quảng Nam. Từ xa xưa ngọn núi này đã tồn tại rất nhiều cây thuốc quý, nổi bật nhất là sâm Ngọc Linh. Loài sâm này hiện sinh sống ở huyện Nam Trà My (Quảng Nam) và Tu Mơ Rông (Kon Tum).Ngày 12/4, tại Lào Cai, chủ trì hội nghị toàn quốc về phát triển dược liệu Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, ngành dược liệu vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, dù đã có một số cây dược liệu có tính chất hàng hóa như: nghệ, thảo quả, táo mèo, atiso và một số sản phẩm từ sâm Ngọc Linh. Riêng về sâm Ngọc Linh, Thủ tướng dẫn lời các nhà khoa học cho rằng dược tính của sâm nước ngoài không bằng sâm Ngọc Linh. |
Theo VNE