Chiều 7/8, anh Nguyễn Danh Cường (ở xã An Bình, huyện Nam Sách, Hải Dương) đăng lên mạng xã hội bức ảnh chụp mặt sau của bản sơ yếu lý lịch kèm bút phê và con dấu của UBND xã này.
Người đăng ảnh kèm nội dung: "Đứa em năm nay mới học xong đại học xuống dưới xã làm hồ sơ xin việc thì các bác ở dưới xã phết ngay dòng này. Nguyên nhân là xã em chủ trương làm đường nhưng vì mỗi khẩu mức đóng 2 triệu, bố mẹ em không đủ khả năng đóng. Đứa em mới học xong chưa có việc làm, chưa có kinh tế mà các bác ấy làm như này có quá đáng và đúng đắn không?"
Bài đăng của anh Cường về việc giải quyết thủ tục hành chính nhanh chóng thu hút hàng nghìn lượt xem và bình luận trên mạng xã hội.
Chia sẻ với Zing.vn, anh Cường cho biết trước đó, anh đưa em gái 23 tuổi đến UBND xã An Bình để xin dấu xác nhận nhân thân vào bản khai sơ yếu lý lịch nhằm hoàn thiện hồ sơ xin việc.
Sau khi làm thủ tục, tại phần xác nhận của địa phương xuất hiện bút phê của ông Trương Phúc Thực, Phó chủ tịch UBND xã, với nội dung: "Bản thân và gia đình chưa chấp hành tốt quy định của địa phương”.
Bản sơ yếu lý lịch với bút phê của vị Phó Chủ tịch xã. Ảnh: NVCC. |
Khi anh Cường thắc mắc em gái mới học xong, chưa có công việc thì tại sao cán bộ xã lại phê bình như vậy vị Phó chủ tịch xã lý giải do cô gái không chấp hành đúng quy định của địa phương.
Theo anh Cường, nguyên nhân là giữa năm 2016, xã An Bình triển khai làm đường liên xã và có huy động đóng tiền mỗi nhân khẩu 2 triệu đồng. Gia đình anh này không đủ khả năng đóng góp nên khi lên xin dấu xác nhận đã bị lãnh đạo "làm khó".
“Em gái tôi mới học xong đại học, trước kia chưa từng làm gì sai trái ở địa phương, giờ muốn xin dấu xác nhận vào hồ sơ để đi xin việc mà lãnh đạo xã phê vào hồ sơ như vậy thì còn đơn vị nào dám tuyển dụng”, anh Cường chia sẻ.
Trao đổi với Zing.vn, ông Lê Đình Khoa, Chủ tịch UBND xã An Bình cho biết sau khi nắm bắt được thông tin trên mạng xã hội, Đảng ủy xã đã mời những người liên quan đến trụ sở vào ngày mai (8/8) để làm rõ.
Nói về bút phê của Phó chủ tịch UBND xã Trương Phúc Thực lên phần xác nhận trong sơ yếu lý lịch của cô gái, ông Khoa cho hay nếu cá nhân chưa chấp hành các quy định đóng góp ở địa phương, thì cán bộ xã vẫn phải xác nhận là chưa chấp hành. “Người ta làm tốt mà cũng xác nhận như người làm chưa tốt thì sau này thế nào”, ông Khoa phân bua.
Theo Chủ tịch xã, địa phương không còn cách nào khác để cho người dân chấp hành, nên cán bộ xã mới ghi nội dung lên phần xác nhận lý lịch.
Lý giải về trường hợp của gia đình anh Cường, ông Khoa thông tin thêm, người này là cán bộ xã. Trước đó, An Bình có chủ trương vận động nhân dân hiến đất làm đường nông thôn mới. Người dân đã đồng tình việc đóng góp 2 triệu đồng/nhân khẩu và tự nguyện hiến đất để làm đường.
Chủ trương dân chủ đã được cấp trên đồng ý và không cưỡng ép, trong khi người dân ủng hộ thì gia đình anh Cường (4 người) đến nay vẫn chưa chấp hành việc đóng tiền và tháo dỡ một phần tường rào để làm đường liên xã.
Theo Zing