Ngoại trưởng Sergey Lavrov hôm 6/8 bày tỏ tin tưởng phía Mỹ sẽ sẵn sàng đối thoại với Nga về các vấn đề phức tạp, bất chấp căng thẳng trong quan hệ giữa hai nước.
Phát biểu sau cuộc gặp Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tại Manila (Philippines) bên lề Hội nghị ASEAN, Ngoại trưởng Lavrov cho rằng, Nhà Trắng đã sẵn sàng nối lại đối thoại về những vấn đề phức tạp bất chấp căng thẳng giữa hai nước.
Ngoại trưởng Nga và người đồng cấp Mỹ gặp gỡ bên lề Hội nghị ASEAN. |
Ngoại trưởng Lavrov cho rằng, vấn đề đầu tiên mà người đồng cấp Mỹ quan tâm tại cuộc hội đàm này là việc Nga đáp trả các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ.
Ngoại trưởng Nga cũng dẫn lời Tổng thống Nga Vladimir Putin giải thích sự cần thiết Nga phải trả đũa Mỹ sau khi Mỹ trừng phạt Nga về vai trò trong cuộc xung đột Ukraine và mới đây mở rộng lệnh trừng phạt vì cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.
Ngay sau cuộc hội đàm giữa hai Ngoại trưởng, Bộ Ngoại giao Nga ra thông cáo khẳng định Mosow sẵn sàng bình thường hóa đối thoại với Mỹ nhưng sẽ đáp trả những hành động thù địch của Washington.
"Việc Mỹ thông qua luật về các biện pháp trừng phạt Nga là một mắt xích trong chuỗi hành động thù địch và nguy hiểm đối với ổn định thế giới, giáng đòn mạnh vào triển vọng hợp tác song phương" - thông cáo của Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ.
Phía Nga cảm nhận, Mỹ đã sẵn sàng tiếp tục đối thoại và ông nhấn mạnh "không có cách nào khác".
Hai bên đã nhất trí rằng Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov và người đồng cấp Mỹ Thomas Shannon sẽ tiếp tục thảo luận về các vấn đề phức tạp trong chương trình nghị sự song phương.
Sau đó, phát biểu trên kênh truyền hình Rossiya24 (RU24), Ngoại trưởng Nga cho biết, đại diện đặc biệt của Mỹ về Ukraine Kurt Volker sẽ có cuộc gặp với ông Vladimir Surkov, Cố vấn cấp cao của Tổng thống Nga "trong tương lai gần nhất".
Không khó hiểu khi Ngoại trưởng Lavrov bày tỏ tin tưởng vào nỗ lực đối thoại của phía Mỹ về các lệnh trừng phạt của cả 2 bên.
Trên thực tế, các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào Nga dù không thể đạt được kết quả nào nhưng vẫn cần thiết tại chính trường Mỹ hiện nay. Và nó phù hợp hơn là các phương án đáp trả quân sự hay "án binh bất động".
Bên cạnh đó, việc trừng phạt Nga mạnh tay thể hiện quan điểm mạnh mẽ của Mỹ hơn so với các biện pháp áp đặt vào Nga trước đây chứ không thể làm suy yếu đi nước Nga.
Một nghiên cứu độc lập năm 2008 của Gary Clyde Hufbauer và một số học giả khác tại Viện nghiên cứu Peterson về Kinh tế Quốc tế đã xem xét 174 trường hợp trừng phạt kinh tế và kết luận rằng: "Các lệnh trừng phạt thường không thành công trong việc thay đổi hành vi của chính phủ nước ngoài".
Như vậy, Mỹ cần một biện pháp trừng phạt Nga trong thời điểm này. Đó cũng là một biện pháp vừa đủ mạnh để thể hiện quan điểm của Washington, vừa mở hé cánh cửa cho Nhà Trắng và Điện Kremlin có điều kiện để không gây thù địch, lại không trở nên quá thân thiết.
Do vậy, việc cải thiện quan hệ tốt đẹp với Mỹ là điều khó xảy ra nhưng Nga và Mỹ sẽ không phải chịu thêm cú sốc nào ảnh hưởng tới quan hệ hai nước là điều hoàn toàn có thể tin tưởng.
Với hàng loạt các biện pháp trừng phạt Nga đưa ra từ năm 2012 với đạo luật Magnitsky, 2014 với sự kiện sáp nhập Crimea, cùng với hàng loạt lần gia hạn trừng phạt, trục xuất các nhà ngoại giao Nga, tịch thu nhà ngoại giao Nga tại Mỹ... vừa qua đã đẩy quan hệ Nga- Mỹ xuống thấp hơn cả ngưỡng lịch sử Chiến tranh Lạnh, Ngoại trưởng Nga hoàn toàn có thể lạc quan.
Theo Đất Việt