|
TS Nguyễn Sĩ Dũng |
Đó là đề xuất của các chuyên gia. Nhiều ý kiến đề nghị cần phân tích tình trạng cần “quan hệ” trong kinh doanh và cho rằng điều này khiến doanh nhân phải bỏ tiền và gánh nhiều hệ lụy sau đó.
Ông Nguyễn Sĩ Dũng (nguyên phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội):
Không thể đổ hết lỗi cho doanh nhân
Nếu một người vi phạm, cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng thì đó là sự suy thoái về đạo đức. Nhưng có 10 người gây hậu quả nghiêm trọng thì đó là một nét của văn hóa kinh doanh. Có tới hàng trăm người cố ý làm trái, có lẽ hệ thống pháp luật có vấn đề.
Hệ thống pháp luật, thể chế bất cập sẽ đẻ ra tình trạng “hợp lý nhưng không hợp pháp” và ngược lại. Dẫn tới, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp bị đẩy vào tình thế phải áp dụng linh hoạt, tuân thủ theo sự “hợp lý” nhưng lại “bất hợp pháp”.
Bởi vì nếu tuân thủ đúng quy định lại không kinh doanh được. Tình trạng doanh nghiệp phải “quà cáp” để giữ quan hệ, không sẽ khó có hợp đồng, hưởng lợi trong kinh doanh là một ví dụ.
Không thể đổ hết lỗi cho doanh nhân, cần xem lại hệ thống quan chức hiện nay và tình trạng không có quà và quan hệ thì doanh nghiệp không kinh doanh được.
Bộ máy chức quyền bị tha hóa thì doanh nghiệp không có cách hành xử khác. Tổng bí thư nói không phải tất cả bộ máy nhưng đó là bộ phận không nhỏ.
Ông Nguyễn Văn Nam (Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh):
|
Ông Nguyễn Văn Nam |
Răn đe đủ để ngăn ngừa
Doanh nghiệp nhà nước hay trong những lĩnh vực ngân hàng gần đây bộc lộ thêm những vụ án lớn, song những ung nhọt này đã có từ lâu.
Nguyên nhân có thể là thể chế quản lý lỏng lẻo, buông lỏng quản lý, ưu tiên cho doanh nghiệp nhà nước, thậm chí tình trạng chống lưng, sân sau... Cần cảnh giác những lợi ích nhóm, quan hệ thân hữu giữa nhà quản lý với doanh nghiệp.
Hội nghị Trung ương 5 khóa XII vừa đưa ra nghị quyết có ý nghĩa lớn về kinh tế, nhưng vấn đề là từ xưa đến nay giữa nghị quyết với thực hiện vẫn có khoảng cách.
Lý do là việc thực hiện còn phụ thuộc vào các bộ, ngành, cán bộ có thực sự muốn làm hay không, hay vẫn muốn giữ những lợi ích nhóm.
Do đó, từ những vụ việc gần đây đã cho thấy tinh thần quyết liệt của lãnh đạo cao nhất của Đảng, Chính phủ, thì cần tiếp tục quyết liệt, truy tận gốc các vụ án, chống thân hữu.
Trong triển khai thực hiện các yêu cầu khó, đơn vị nào không làm thì cách chức lãnh đạo, người đứng đầu chứ không có chuyện phổ biến nghị quyết xong để đó. Cần có biện pháp làm cụ thể, có tính răn đe để ngừa tái diễn vụ việc tương tự.
Nếu phạt thật nặng từ đầu... Nhìn lại các sự việc gần đây, hầu hết đại gia ngân hàng vướng lao lý đều chưa từng một ngày làm các nghiệp vụ ngân hàng. Thực tế, các ngân hàng Việt Nam hoạt động với sự giám sát của Ngân hàng Nhà nước. Nếu ngay từ đầu “con hư” lỗi nhỏ, bị phạt thật nặng thì sẽ không có ngày phạm lỗi lớn hơn. Tôi không sốc khi các sự việc khởi tố nhiều đại gia liên quan đến ngành ngân hàng gần đây, đáng ra việc này cần làm sớm hơn, quyết liệt hơn. Dù sao, động thái gần đây cho thấy Việt Nam đang muốn xử lý quyết liệt. Thông điệp đã rõ ràng, chúng ta không chấp nhận những kiểu làm ăn đi trên cả pháp luật. Một doanh nhân (đề nghị giấu tên): Truy đến cùng xem có ai đứng sau Tôi cũng đồng tình với các ý kiến trong bài ““Đại gia” và vòng lao lý” ( ngày 6-8), là việc các đại gia vi phạm pháp luật có yếu tố họ “mua bán quan hệ”, và theo tôi, việc vi phạm của họ lớn và lâu như thế, phải xem xét truy đến cùng xem chỉ riêng họ có làm được như thế không, khâu kiểm soát thế nào, có sự liên kết nào không. Là doanh nhân, tôi hiểu những đại gia bị bắt họ cũng khát khao làm giàu, từ đó đóng góp cho xã hội. Chỉ có điều cách làm của họ sai. Họ có bất chấp pháp luật không, hay họ chỉ là một mắt xích... cần phải điều tra làm rõ. Nếu nhìn vào nhiều doanh nghiệp lớn, có thể thấy không ít doanh nghiệp liên tục có được các dự án rất lớn, và “có mối quan hệ” để được điều đó là điều rất nhiều người nghĩ tới. Nếu thật, rõ ràng không có cạnh tranh sòng phẳng và điều này gây hệ lụy lớn là doanh nhân phải tìm cách “đầu tư” vào mối quan hệ, cả một bộ phận doanh nghiệp không lớn lên nhờ năng lực cốt lõi của mình. Vì vậy, nếu không truy đến cùng, sự méo mó và vòng lao lý có thể đến với nhiều doanh nhân khác. |
Theo TTO