Người Sài thành ăn bánh cuốn nghe chuyện "kiếp chồng chung" nửa thế kỷ

Thứ hai, 07/08/2017, 11:05
Không phải bánh cuốn nơi nào cũng giống nhau. Và ắt hẳn, phải có sự khác biệt nào đó thì bánh cuốn Song Mộc trở nên đặc biệt, thu hút thực khách suốt 63 năm qua.

Bà Thủy luôn tự hào khi nhắc đến quán bánh cuốn được mẹ chồng giao lại và vẫn giữ được hương vị của món ăn suốt 63 năm qua

Người Sài Gòn vốn dĩ đã quá quen với tiết trời nắng gay gắt, hẳn sẽ vô cùng thích thú với những cơn mưa “trái gió trở trời”. Trong cái se lạnh của buổi giao mùa, con người ta lại thòm thèm biết bao món ăn nóng hổi, mềm mướt đến ngon lành.

Và có lẽ, món bánh cuốn với “xuất thân” từ miền Bắc sẽ là lựa chọn phù hợp nhất để xoa dịu cơn đói những ngày đầu thu này.

Tôi ghé Song Mộc, quán bánh cuốn mà theo lời chị đồng nghiệp là của một gia đình gốc Bắc di cư vào Nam những năm 50 thế kỷ trước. Quán bánh nho nhỏ với tấm biển hiệu hơi cũ, nép sát vào gốc cột điện ngay đầu con hẻm 107 Vườn Chuối (quận 3, TP.HCM).

Tầm 9 giờ sáng, khách ghé ăn đông như nêm. Không cần biết thân quen hay xa lạ, họ vô tư ngồi cùng nhau bên những chiếc bàn nhỏ, hít hà cái nắng sớm, làn khói bếp, mùi thơm phức của bột bánh và vui vẻ cùng bà chủ nói những câu chuyện ngẫu hứng, không đầu không đuôi…

Quán mở bán từ 5 giờ sáng đến 12 giờ trưa mỗi ngày
Thoạt nhìn, bánh cuốn nơi đây không có gì khác nhiều so với những quán khác, nhưng khi thưởng thức rồi, mới thấy thật lạ. Cũng là bột gạo tráng rồi hấp, nhưng bánh trắng mịn, mỏng, mềm và rất thơm.
Bánh vừa ra lò, thực khách có thể gắp từng miếng chấm nước mắm hoặc chan ngập cả chén mắm vào, cứ ăn miếng bánh lại cắn một miếng chả quế béo ngậy mới thấy hết vị ngon của dĩa bánh cuốn độc đáo này. Mà hình như ở Sài Gòn ít có quán bánh cuốn nào phục vụ duy nhất một món chả quế như ở đây.
Quán bánh cuốn bày biện đơn giản chỉ vài bộ bàn ghế con con nhưng luôn tất nập, đông khách, kẻ vào người ra
Anh Lợi (ngụ quận 3) là một thực khách thường xuyên ghé quán, nhận xét: “Tôi rất thích ăn bánh cuốn ở đây, ăn một dĩa là no từ sáng tới chiều. Bánh thì chỉ có ba cuốn thôi, nhưng đầy nhân bên trong. Còn chả thì một khúc "bự chà bá". Mà chả do chủ quán tự làm, ăn ở đâu cũng không giống vị ở đây”.
Món bánh cuốn chỉ dùng gạo xay mà không cho thêm bất cứ thứ phụ gia gì khác, bánh sẽ không bị chua. Đó cũng là một cái độc đáo
Đồng quan điểm với anh Lợi, bà Lan (ngụ quận Tân Bình) cho biết lý do khiến bà trở thành khách ruột của bánh cuốn Song Mộc là: “Hương vị đặc trưng của miền Bắc, cộng thêm cách thức chế biến gia truyền qua mấy đời, chả nhà làm beo béo, lớp vỏ bánh ấm nóng, thơm mùi gạo cùng với vị cay nhẹ trên đầu lưỡi của nước chấm ngòn ngọt, mằn mặn, ăn kèm với hành phi giòn tan thực sự rất tuyệt vời”.
Tôi bị thu hút bởi đôi tay thoăn thoắt tráng bột, đậy nắp nồi hấp chờ bánh chín, rồi chế nhân thịt băm, mộc nhĩ, củ sắn… nhìn bà Thủy lúc nấu nướng không khác gì một nghệ nhân thực thụ
Bà Cao Thị Ngọc Bích Thủy (49 tuổi, chủ quán đời thứ 2) cho biết: “Bánh cuốn có ngon hay không phụ thuộc vào chất lượng của gạo. Gạo làm bánh nhất định phải là gạo tẻ, hạt trắng, thơm như mùi cốm mới, không dẻo quá cũng không khô quá. Điều này sẽ quyết định đến mức độ trắng mịn, thơm tho của bánh. Gạo sau khi được lựa chọn sẽ được nhà tui xay nhuyễn bằng cối xay tay”.
Cũng theo lời bà Thủy, tất cả mọi nguyên liệu tạo thành món ăn đều do gia đình tự làm: "Nước mắm pha chế như thế nào, bột bánh tráng ra sao rồi cách làm chả cũng đều phải cân đo đong đếm theo đúng công thức của mẹ chồng tui để lại".
Chính những sự khác biệt nho nhỏ đến từ các thành phần của món ăn đem lại sự đặc trưng cùng hương vị rất riêng cho món bánh cuốn tưởng chừng đã rất quen thuộc này
Giữa lúc đang thưởng thức món ăn, giọng một vị khách vang lên thắc mắc: “Quán bán lề đường mà sao đặt tên hay quá trời quá đất vậy bà chủ?”.
Bà Thủy vừa cười vừa đáp lời: “Hồi đó ba chồng tui làm thầy giáo nè, chữ nghĩa của ông hay lắm. Lúc đó ba cùng với hai má vô đây lập nghiệp, ông mở quán bánh cuốn cho hai bà bán. Ngày xưa thì chỉ có hai cây cọc dựng lên tấm bạt che nắng che mưa nên ông mới đặt là Song Mộc, nghĩa là hai cái cây đó”.
Ăn bánh cuốn ở đây thì ai kêu cô Thủy mới làm, chứ không làm trước sợ mất ngon
Xưa nay cứ hễ nhắc đến chuyện “kiếp chồng chung”, tôi luôn nghĩ đến hai câu thơ của Hồ Xuân Hương “Chém cha cái kiếp lấy chồng chung/Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng”. Vậy nên ngay khi biết ba chồng của bà Thủy là thầy giáo mà lại cưới hai vợ, tôi buột miệng hỏi: “Ông có vợ lớn vợ bé như vậy rồi họ có chung sống hòa thuận không cô?”
Cảm giác thật ấm áp khi ngắm nhìn làn khói và hơi nước bốc lên từ nồi hấp cuồn cuộn nóng hổi
Bà Thủy nói liền một mạch: “Ba chồng tui hồi đó đẹp trai, phong độ quá trời. Ông là thầy giáo mà, vừa giỏi vừa tốt bụng thì ai mà không ưa”.
Rồi chẳng đợi tôi hỏi, bà thao thao bất tuyệt kể thêm một ý nghĩa ẩn sâu trong cái tên Song Mộc của quán: “Chữ song là hai, ông có hai bà vợ nhưng vẫn chung sống hòa thuận với nhau, còn chữ mộc ngoài nghĩa là cái cây, còn dùng để nói đến tình yêu bền chặt, vững chải như thân cây mà hai má dành cho ba chồng tui”, bà Thủy bộc bạch.
Câu chuyện về những người chủ đầu tiên của quán bánh cuốn cũng kết thúc một cách không đầu không đuôi như thế. Tôi không thắc mắc cũng chẳng tha thiết muốn hỏi thêm về chuyện vợ chồng ông giáo ngày trước nữa.
Bánh cuốn ở đây có giá khá cao khi dao động từ 35.000 - 40.000 đồng/dĩa, tuy nhiên, nhiều thực khách nhận xét là mức giá xứng đáng với chất lượng
Một quán bánh cuốn đúng kiểu Bắc với những câu chuyện thú vị ngay giữa lòng Sài Gòn
Chỉ là, tôi cảm thấy tình yêu là một điều gì đó vô cùng khó lý giải, nó rắc rối như cái cách con người ta chấp nhận cùng yêu thương một người dưng hơn chính bản thân mình…
Nó phức tạp như việc ông giáo già đưa vợ từ phương Bắc vào trong Nam, xoay sở mọi cách để dựng nên quán bánh Song Mộc này… Và tình yêu, nó cũng như món bánh cuốn với đầy đủ các hương vị từ béo bùi, chua cay cho đến ngọt ngào, nồng ấm.
Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn