|
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh (thứ tư, trái sang) chụp ảnh cùng các ngoại trưởng tại lễ khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 50 ở Philippines ngày 5/8. Ảnh: TTXVN. |
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hôm qua nói rằng, các cuộc đàm phán giữa ASEAN và Trung Quốc về COC sẽ bắt đầu trong năm nay, và dù thỏa thuận đạt được như thế nào cũng phải tuân theo. Phát biểu với báo giới bên lề diễn đàn khu vực, ông Vương Nghị nói rằng, đây là “tiến triển thực chất” giữa ASEAN và Trung Quốc nhằm giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông, và tất cả các bên cần coi trọng thành quả này. Ngoại trưởng Trung Quốc còn nói rằng, tình hình giữa các bên liên quan trên Biển Đông tương đối khác những năm trước và nay đã thoải mái hơn và tiến tới ổn định, Reuters đưa tin.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, ngay cả khi đạt được COC thì các bằng chứng cho thấy nó cũng không có nhiều tác dụng trong việc tiết chế những hành động thực tế của Trung Quốc trên Biển Đông. Nói cách khác, phần khung COC hay ngay cả khi COC được hoàn tất cũng không có nhiều ý nghĩa vì Trung Quốc sẽ vẫn bất chấp tất cả để đạt được mục tiêu của họ.
Theo bài biết tựa đề “Liệu bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc có thực sự ý nghĩa” đăng trên tạp chí The Diplomat ngày 5/8, đến nay, vẫn chưa có bước đột phá nào giữa Trung Quốc và ASEAN về vấn đề Biển Đông. Trung Quốc gần đây luôn nói đến cái gọi là giai đoạn “hạ nhiệt” trên Biển Đông, nhưng thực tế là nước này thường đan xen các giai đoạn cưỡng ép, hung hăng với giai đoạn xoa dịu, quyến rũ để củng cố những thành quả họ đạt được, trong khi tránh xung đột với ASEAN, các nước lớn và cộng đồng quốc tế. Một quan chức một nước ASEAN từng ví cách hành động này giống như kẻ vũ phu không bao giờ dừng đánh đập vợ nhưng luôn bôi phấn lên mặt để che đậy.
Không phải ngẫu nhiên mà Trung Quốc chỉ chấp nhận tham gia Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2012 sau khi họ đã chiếm đá Vành Khăn năm 1995 và vấp phải phản ứng cứng rắn hơn tính toán sau khi thử thách quyết tâm của các nước Đông Nam Á cũng như Mỹ.
Tương tự, Trung Quốc giờ đây luôn nói về cái gọi là giai đoạn “hạ nhiệt” sau khi đã hoàn thành các hoạt động bồi đắp, xây dựng đảo nhân tạo và chứng kiến nhiều sự kiện xảy ra, đáng chú ý nhất là quan điểm yếu hơn của Philippines về Biển Đông dưới thời Tổng thống Rodrigo Duterte mở đường để Trung Quốc và ASEAN “bước sang trang mới” (cụm từ yêu thích của các quan chức Trung Quốc trong năm qua) sau thất bại mất mặt vì phán quyết của Tòa Trọng tài Quốc tế.
Không theo kịp thực tế
Trên thực tế, Trung Quốc vẫn chưa thể hiện dấu hiệu gì cho thấy họ sẽ từ bỏ mục tiêu dài hạn trên Biển Đông. Đó là có đủ khả năng và có thể hành động để cuối cùng biến các đòi hỏi chủ quyền trên quy mô lớn và trái pháp luật trên Biển Đông thành hiện thực, khiến các nước khác phải chịu thua thiệt, trong khi vẫn không hoàn toàn xa lánh các nước láng giềng và gây nguy hiểm cho sự trỗi dậy của họ.
Hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa vẫn tiếp diễn, song song với những hành động bắt nạt, cưỡng ép quen thuộc mà họ sử dụng với các nước láng giềng cũng như gây sức ép lên các nước trong và ngoài khu vực khác để họ không “can thiệp”.
Lãnh đạo Trung Quốc tiếp tục tuyên bố, như trong bài phát biểu của ông Tập Cận Bình dịp kỷ niệm 90 năm thành lập quân đội Trung Quốc, rằng Trung Quốc sẽ không nhượng bộ tấc đất lãnh thổ nào. Những tuyên bố như vậy càng kích thích thêm tư tưởng dân tộc chủ nghĩa trong dư luận Trung Quốc.
Đối với ASEAN, việc Tổng thống Philippines Duterte có quan điểm khác về vấn đề Biển Đông đúng trong năm Philippines làm chủ tịch ASEAN, cộng thêm những nhân tố khác như sự bất định trong chính sách đối ngoại của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump, càng hạ thấp mức độ đồng thuận của ASEAN trong vấn đề này.
Trong cuộc họp cuối tuần qua, các ngoại trưởng ASEAN không thể đưa ra một tuyên bố chung như truyền thống do không đạt được đồng thuận về cách đề cập đến vấn đề Biển Đông trong văn bản này. Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines không giải thích sự chậm trễ, chỉ cho biết tuyên bố chung sẽ được đưa ra sau các hội nghị diễn ra tại Manila trong vài ngày tới, Channel News Asia đưa tin.
Ngay cả khi Trung Quốc tiếp tục kêu gọi thực hiện đầy đủ DOC - chủ yếu là chiến thuật trì hoãn đàm phán về COC - thì bản thân họ cũng đã vi phạm DOC bằng rất nhiều hoạt động bồi đắp đảo và quân sự hóa. Những dấu hiệu khác, từ việc ông Tập Cận Bình vi phạm cam kết đưa ra tại Washington rằng sẽ không quân sự hóa quần đảo Trường Sa đến việc Bắc Kinh kiên quyết bác bỏ phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế, cho thấy không có cơ sở để tin Trung Quốc thực lòng muốn có COC mang tính ràng buộc pháp lý và sẽ tuân thủ nó, giới quan sát nhận định.
Một số người có thể tiếp tục hy vọng Trung Quốc sẽ thay đổi quan điểm trong tương lai, sẽ làm rõ cái gọi là “đường 9 đoạn” hay dần dần chấp nhận bộ quy tắc ứng xử mang tính ràng buộc. Nhưng sự chờ đợi đó có vẻ vô vọng, và cũng không có cơ sở vì vấn đề không phải mức độ tuân thủ của Trung Quốc có tiến triển hay không, mà là nó sẽ tiến triển đến mức độ nào để bắt kịp thực tế diễn ra, nhiều nhà phân tích nhận định.
Theo giới quan sát, đến nay, những gì chúng ta thấy là nỗ lực nhằm tiết chế hành động của Trung Quốc (hoặc buộc Trung Quốc phải tự điều chỉnh hành vi của họ) đều không theo kịp những điều diễn ra trên thực tế.
Nếu tình hình tiếp tục đà này thì ngay cả khi chúng ta đạt được một COC có ý nghĩa và mang tính ràng buộc thì khi đó Trung Quốc cũng đã giành được quyền kiểm soát thực tế trên Biển Đông. Nói cách khác, Trung Quốc có thể tham gia COC khi họ đã đạt được mục tiêu trên Biển Đông; khi đó, COC sẽ không có mấy ý nghĩa, nhiều nhà phân tích nhận định.
Theo Tiền Phong