|
Có cầu vượt nhưng lối vào sân bay Tân Sơn Nhất vẫn kẹt xe cả bên trên cầu và dưới đất. |
Khu vực cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất đang được xem là điểm nóng của tình trạng kẹt xe tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhất vào giờ cao điểm. Điều đáng nói là các cầu vượt bằng thép được xây dựng xung quanh các nút giao thông dẫn vào sân bay được xem là giải pháp trước mắt cho tình trạng kẹt xe của khu vực nhưng tới thời điểm này chưa thấy phát huy tác dụng. Vì thế, dư luận tỏ ra nghi ngờ về tính hiệu quả của cây cầu vượt này. Vậy thực tế cầu vượt này hiệu quả như thế nào?
“Chỉ đỡ một phần chứ không hiệu quả lắm, nhiều cái vô lý lắm, chẳng hạn như làm ngã rẽ lại bít đi, nhiều người muốn quay đầu cũng không được. Còn qua khỏi sân bay một đoạn thì có chỗ 49 Trường Sơn và đường Hậu Giang, xe ra vào rất nhiều gây ùn tắc. Chỉ cần có sự cố nhỏ là tê liệt, không thể di chuyển được”, anh Nguyễn Văn Hải, ngụ quận Gò Vấp nói.
|
Ùn tắc kéo dài. |
Ông Huỳnh Muối, làm nghề chạy xe ôm, thường xuyên dừng xe ngay chân cầu vượt nhận xét: “Chỉ có ngày chủ nhật mới đỡ chứ ngày nào cũng kẹt như thường. Sáng thì tầm 8 - 9h đến 11h trưa, chiều kẹt từ 3, 4 giờ đến 8, 9h tối luôn. Thấy có cầu vượt mà cũng không giải quyết giao thông gì nhiều”.
Công bằng mà nói, cầu vượt tại nút giao sân bay Tân Sơn Nhất đã giúp cho giao thông từ đường Trường Sơn vào sân bay khá thuận lợi bởi cầu vượt chữ Y này chỉ cho một chiều lưu thông thẳng từ đường Trường Sơn đi vào ga quốc nội và quốc tế. Vì thế, người đi vào sân bay sẽ ít phải đối mặt với nguy cơ trễ giờ, những hình ảnh như người dân phải xuống taxi, mang, vác vali chạy vào sân bay ít thấy hơn so với thời điểm giáp Tết Nguyên đán.
Có mặt cùng PV tại hiện trường, Tiến sỹ Phạm Sanh, chuyên gia giao thông đánh giá: Việc xây dựng một cầu vượt thép trị giá đến 240 tỷ đồng chỉ để giúp cho luồng xe lưu thông vào sân bay dễ dàng nhưng lại không giúp cải thiện giao thông trong khu vực là khá lãng phí.
|
Các ngả ra vào sân bay Tân Sơn Nhất luôn trong tình trạng kẹt xe. |
Thực tế, lượng xe đi trên Trường Sơn vào sân bay chỉ khoảng 15%, trong khi 85% còn lại là lưu thông trên Trường Sơn để vào Hồng Hà ra Phạm Văn Đồng. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại từ trong sân bay ra thì tình hình vẫn như cũ, thậm chí là xung đột, ùn tắc nhiều hơn bởi lượng xe vào sân bay nhanh hơn thì lại đi ra nhanh hơn, xung đột với dòng xe từ Bạch Đằng vào Trường Sơn về Lăng Cha Cả.
Theo chuyên gia Phạm Sanh, bài toán sân bay Tân Sơn Nhất phải giải quyết trước mắt lẫn lâu dài. Về lâu dài đó là phải chờ quy hoạch mở rộng của sân bay Tân Sơn Nhất ra sao, để từ đó có bài toán qui hoạch giao thông hoàn chỉnh.
Trước mắt, mới chỉ có một lối tiếp cận duy nhất ở đường Trường Sơn thì phương án cầu vượt này đã không thành công bởi đơn vị tư vấn đã không nghiên cứu kỹ tất cả dữ liệu giao thông, dòng xe…
Phải cố gắng nâng cao hiệu quả của cầu vượt, giải quyết các điểm xung đột lớn, có thể tổ chức thêm đèn giao thông ngay tại cửa ngõ để có thể điều tiết và cho phép xe từ trong sân bay rẽ vào Hồng Hà, tận dụng phần tiểu đảo dưới cầu vượt để thêm lối thoát.
|
Dòng phương tiện nhích từng tí một. |
“Như vậy nó chỉ gỡ phần nào sai lầm của cầu vượt này thôi. Còn chúng ta phải nghĩ bài toán lâu dài. Nếu bài toán qui hoạch sân bay có rồi, chỉ khoảng 6 tháng nữa thì chúng ta có thể làm giải pháp bền vững. Còn nếu chưa có thì cần suy nghĩ tiếp, đánh giá lại cầu vượt có nên thêm nhánh nào không, có nên thêm đường hầm nào không trong lúc chờ đợi các giải pháp ổn định đó”, Tiến sỹ Phạm Sanh đề nghị.
Xung quanh sân bay Tân Sơn Nhất có 22 dự án đã và đang được nghiên cứu thực hiện như mở rộng nút giao Lăng Cha Cả, đường Hoàng Minh Giám, Hoàng Hoa Thám, mở đường Phan Thúc Duyện song song với Cộng Hòa, nghiên cứu tuyến metro kết nối từ Công viên Hoàng Văn Thụ vào sân bay, thậm chí là nghiên cứu đường trên cao…
|
Nhiều người tỏ ra nghi ngờ về khả năng hạn chế kẹt xe của cầu vượt Sân bay Tân Sơn Nhất. |
Tuy nhiên, việc chọn giải pháp nào thì cũng phải dựa trên quy hoạch mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất mà Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các cơ quan chức năng khẩn trương nghiên cứu. Phần lớn các chuyên gia đều cho rằng hiệu quả nhất là phải làm thêm hướng kết nối, phá thế độc đạo trên đường Trường Sơn, mà cụ thể là sử dụng đất sân golf để mở thêm hướng kết nối tại quận Gò Vấp… Còn thực tế trước mắt, cơ quan chức năng cũng chỉ có thể “hạn chế” ùn tắc bằng các biện pháp điều tiết.
“Vừa qua trên đường Trường Sơn có xảy ra ùn ứ giao thông do tại khu vực Lăng Cha Cả có sự cố giao thông. Trong thời gian tới, Khu quản lý giao thông đô thị số 1 sẽ tăng cường phối hợp với các đơn vị cơ quan chức năng có liên quan, đồng thời cố gắng hạn chế ùn ứ giao thông tại khu vực này”, ông Nguyễn Quang Tú, Trưởng ban Quản lý dự án trọng điểm, Khu Quản lý giao thông đô thị số 1, Sở Giao thông vận tải nói.
Việc giải bài toán giao thông khu vực sân bay Tân Sơn Nhất đã không còn là vấn đề của riêng Thành phố Hồ Chí Minh mà nó rất cần sự vào cuộc một cách quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành trong bối cảnh mà sân bay đã quá tải cả trên trời lẫn dưới đất.
Theo VOV