|
Những dãy nhà bỏ hoang cho cỏ moc. |
Mấy hôm nay dư luận lại xôn xao với câu chuyện xài tiền ngân sách kiểu “Công tử Bạc Liêu đốt tiền nấu trứng” của Trung tâm Phát triển Quỹ nhà và đất Bạc Liêu. Nhằm giải quyết bức xúc về nhà ở cho cán bộ công chức có chỗ ở trong thời gian công tác trên địa bàn, cách đây 5 năm, tỉnh đã chi ngân sách 11 tỷ đồng ra mua 43 căn nhà, nhưng đến giờ 37 trong số 43 căn nhà đó đang bỏ hoang, xuống cấp tàn tạ.
Kết luận của Thanh tra Nhà nước tỉnh Bạc Liêu đối với trung tâm này cho thấy, 43 căn nhà tại đường số 15, khu dân cư Thiên Long, phường 5, thành phố Bạc Liêu sau khi nhận bàn giao từ Công ty Thiên Long, thay vì giải quyết cho các đối tượng khó khăn về nhà ở thì trung tâm chỉ cho mượn, cho thuê 6 căn, còn lại 37 căn bỏ trống, hiện xuống cấp trầm trọng.
Trên báo Lao động, một cán bộ bức xúc cho biết: “Chúng tôi không có ở nhà phải thuê nhà trọ nhiều năm nay, hồ sơ nộp vào trung tâm xin được thuê nhà của Nhà nước nhưng không được giải quyết. Trung tâm trả lời hiện nay không có nhà để bố trí, vậy mà nơi đây bỏ không 37 căn mặc cho mưa gió”.
Theo những gì người dân đang được chứng kiến ở khu nhà có giá trị này thì nhà xây xong rồi bỏ hoang tàn, không có người ở và bảo vệ nên nhiều cửa kính bị vỡ, tường rạn nứt, mái tôn bị tốc, cỏ cây mọc um tùm, rất nguy hiểm đối với trẻ em chơi tại khu vực này. Khổ nữa là đường sá tại đây mùa mưa luôn ngập lụt, mùa khô bụi mù mịt. Việc đi lại của người dân nơi đây rất khổ, nhất là các em học sinh, nhiều hôm đường ngập lụt, té ngã.
Tuy nhiên, quả bóng trách nhiệm về 43 ngôi nhà này đang được Trung tâm Phát triển Quỹ nhà và đất Bạc Liêu đá sang cho Công ty Thiên Long, phía Trung tâm cho biết, Công ty Thiên Long xây xong nhưng hạ tầng thiếu đồng bộ đường sá thì sình lầy, điện, nước sinh hoạt chưa bảo đảm; chất lượng xây dựng nhiều căn nhà quá tệ, chưa sử dụng đã xuống cấp, hư hỏng nặng… Trung tâm đề nghị sửa chữa nhưng công ty này phớt lờ, kết quả là những căn nhà cứ để đó phơi mưa phơi nắng, mặc cho hư hỏng.
Đúng là “tiền chùa”, đúng là “cha chung không ai khóc”, mặc dù số tiền chùa 11 tỷ ấy là tiền thuế của người dân. Chi ra 11 tỷ mua 43 căn nhà, cuối cùng không cho ai thuê, để cho xuống cấp hư hỏng cũng không ai xót xa, vì đó là “tiền chùa”.
Chỉ có người dân là xót xa, tiếc đến đứt ruột vì nhà thì không được ở, mà những căn nhà khang trang thì bỏ hoang để cho cỏ mọc, nhưng dân thì không có quyền, cũng không biết kêu với ai, làm thế nào để có thể được dọn vào những căn nhà đó.
Những công trình bỏ hoang như vậy, có thể tìm thấy ở rất nhiều nơi, những con đường vừa làm đã hỏng, những cây cầu chưa kịp khánh thành đã sập, những bờ kè vài chục tỷ chỉ cần một cơn mưa lớn là cuốn trôi… Tất cả đang sờ sờ trước mắt, nhưng vẫn cứ là chuyện “cha chung không ai khóc”, tiền ngân sách là tiền chung, chẳng ai phải chịu trách nhiệm.
Nếu không xử lý nghiêm những vụ việc thế này, đất nước sẽ bị chảy máu ngân sách đến kiệt quệ vì các công trình hoang phí, trong khi nguồn lực thì không có để xây những công trình dân sinh thiết yếu phục vụ người dân.
Cứ nghĩ đến những bệnh viện chật chội, bệnh nhân phải chen nhau nằm dưới gầm giường và những dãy nhà khang trang để tan hoang thế này mà nghẹn ngào xót ruột. Trong khi người dân phải chắt bóp từng đồng để đóng thuế, thì ở chỗ nọ chỗ kia, người ta vung tiền tiêu như phá, vung tiền ra để xây dựng những công trình bỏ hoang thế này. Đó là mơ hay là sự thật?
Theo Đất Việt