Những căn nhà nằm chình ình giữa đường

Thứ bảy, 05/08/2017, 09:16
Những căn nhà này nằm chình ình giữa đường nhiều năm nay tại TP.HCM do chính quyền chưa giải tỏa được, trong khi dự án mở rộng đường đã kết thúc.

Nhà 845A Âu Cơ, P.Tân Thành, Q.Tân Phú (TP.HCM) án ngữ ngay giao lộ Âu Cơ - Lũy Bán Bích - Ba Vân

Do đó có những tuyến đường đã được mở rộng nhưng vẫn bị “thắt cổ chai” dẫn đến kẹt xe.

Nhà ở giữa đường

Vào giờ cao điểm sáng, tình trạng kẹt xe nặng nề thường diễn ra tại giao lộ Lũy Bán Bích - Âu Cơ - Ba Vân (Q.Tân Phú). Khu vực này, vào các khung giờ cao điểm kẹt xe kéo dài cả tiếng đồng hồ vì dòng xe từ đường Âu Cơ, đường Ba Vân đổ ra bị ùn ứ không nhúc nhích được.

Một số người đi đường phải quay ngược xe chạy về hướng đường Trường Chinh. Nhiều tài xế xe tải cho biết ngày nào cũng phải đợi từ 30 phút đến 1 giờ mới thoát khỏi chỗ kẹt xe này.

Trong khi đó, tại khu vực này có căn nhà 845A Âu Cơ (P.Tân Thành, Q.Tân Phú) án ngữ ngay giao lộ đã hơn 3 năm qua khiến xe cộ đi qua khó khăn hơn. Một số người đi đường tỏ ra bức xúc vì bị “chôn chân” ở đoạn đường này.

Chị Nguyễn Thị Hạnh - một người dân trong khu vực - cho biết căn nhà trên không chấp nhận di dời, trong khi rất nhiều hộ dân đã di dời. Hậu quả là các hướng lưu thông về đến giao lộ Lũy Bán Bích - Âu Cơ - Ba Vân đều tê liệt vì kẹt xe.

Tệ hơn nữa là những căn nhà nằm chình ình ở giữa đường đã hơn 11 năm trên đường số 3, P.Trường Thọ, Q.Thủ Đức.

Năm 2006, quận Thủ Đức triển khai mở rộng tuyến đường dài 3km, mặt đường rộng hơn 10m và làm vỉa hè, nhưng đến nay vẫn còn các căn từ 61-65 đường số 3 (khu phố 8) nằm án ngữ ra đường.

Tương tự, các căn từ 58-60 đường số 3 (khu phố 5) chiếm hết vỉa hè và lấn ra gần giữa đường.

Chị Nguyễn Thanh Mai, một người dân địa phương, cho biết hầu hết người dân ở khu vực trên đều hiến đất mở đường, nhưng có một số chủ nhà không chịu hiến đất mà yêu cầu bồi thường nên mới có chuyện khi làm đường xong vẫn còn lại những căn nhà nằm choán ra đường.

Một căn nhà trên đường số 3, P.Trường Thọ, Q.Thủ Đức (TP.HCM) chiếm mất vỉa hè và lấn ra gần giữa đường

Xử lý ra sao?

Tại sao khi thực hiện dự án mở rộng đường Lũy Bán Bích không giải tỏa nhà 845A nói trên?

Trả lời câu hỏi này của chúng tôi, ông Lê Thanh Liêm - giám đốc Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình nâng cấp đô thị TP.HCM (chủ đầu tư dự án) - cho biết đã nhiều lần đề nghị UBND Q.Tân Phú đẩy nhanh công tác đền bù giải tỏa.

Thế nhưng, do không chờ được nữa nên dự án mở rộng đường Lũy Bán Bích kết thúc vào cuối năm 2014. Còn chuyện nhà 845A án ngữ ngay giao lộ, chủ đầu tư đã đề nghị UBND quận Tân Phú xử lý.

Theo ông Liêm, việc giải tỏa căn nhà này nhằm mở rộng tầm nhìn để xe lưu thông qua nút giao này thông thoáng hơn.

Khu quản lý giao thông đô thị số 1 (Sở GTVT TP) cũng cho biết đã tiếp nhận quản lý đường Lũy Bán Bích từ tháng 11-2016 và đang đề nghị địa phương xem xét giải tỏa nhà 845A để mở rộng giao lộ này.

Một cán bộ UBND Q.Tân Phú cho biết quận đã gặp chủ nhà 845A để bàn về việc bồi thường, di dời căn nhà này. Trong thời gian tới, quận tiếp tục thỏa thuận với hộ này nhằm thống nhất việc di dời nhà.

Trường hợp nhà nằm dưới đường tại quận Thủ Đức, ông Nguyễn Nam Hải - trưởng Phòng quản lý đô thị quận Thủ Đức - cho biết năm 2006, quận đầu tư công trình nâng cấp, mở rộng đường số 3 với hình thức Nhà nước đầu tư kinh phí, vận động nhân dân hiến đất làm đường.

Trong quá trình thực hiện còn một số hộ dân không đồng ý hiến đất. Cụ thể, các hộ từ nhà 61-65 đường số 3 nói trên, nhà đất có nguồn gốc là lề đường do các hộ dân tự lấn chiếm sử dụng trước năm 1999.

UBND phường Trường Thọ có vận động hiến đất để làm đường nhưng do diện tích nhà sau khi hiến đất không đủ để sử dụng ở nên các hộ dân chỉ hiến đến phần bó vỉa, không hiến đất phần vỉa hè.

Còn các hộ dân từ nhà 58-60 đường số 3 nói trên, nguồn gốc nhà đất do các hộ dân sử dụng từ trước năm 1995. Thời điểm thực hiện dự án, các hộ dân không đồng ý hiến đất và yêu cầu bồi thường đối với phần diện tích nhà đất nằm trong ranh dự án.

“Đây là dự án vận động nhân dân cùng thực hiện, không có kinh phí bồi thường, không có quyết định thu hồi đất. Hiện tại quận Thủ Đức và phường Trường Thọ vẫn tiếp tục vận động những hộ dân này giao đất để cải tạo đoạn đường này” - ông Hải nói.

Dự án làm xong vẫn còn vướng giải tỏa 1-2 
căn nhà

Ông Võ Khánh Hưng, phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho biết có những dự án xây dựng cầu, đường đến lúc hoàn thành rồi mà vẫn còn vướng giải tỏa 1-2 căn nhà, dù chủ đầu tư và chính quyền địa phương đã nỗ lực xúc tiến đền bù giải tỏa.

Vì những lý do khách quan khó khăn về giải tỏa, chủ đầu tư đã xin cấp thẩm quyền chấp thuận cho quyết toán để kết thúc dự án chứ không thể chờ đợi giải tỏa gây kéo dài thời gian thực hiện dự án.

Ông Hưng dẫn chứng dự án xây cầu ở kênh N31A tỉnh lộ 8, H.Củ Chi xây cầu xong vẫn còn vướng 1-2 căn nhà; hay dự án cải tạo chỉnh trang công viên Gia Định cũng vướng giải tỏa vì nhiều hộ dân sinh sống ở đây đã lâu nhưng nhà đất không có giấy tờ gì...

“Dù dự án đã kết thúc, chủ đầu tư vẫn phải tiếp tục làm việc với chính quyền địa phương để giải tỏa những căn nhà gây cản trở giao thông” - ông Hưng nói.

Theo TTO

Các tin cũ hơn