TP.HCM huy động 20.000 tỷ đồng trong dân để đầu tư giao thông

Thứ sáu, 04/08/2017, 09:03
Do tỷ lệ điều tiết ngân sách giảm, tiếp cận vốn ODA khó khăn hơn trước, TP.HCM đang lên đề án huy động 20.000 tỷ đồng trong dân để bổ sung nguồn vốn phát triển giao thông.

Chiều 3/8, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến chủ trì cuộc họp về tình hình giải ngân kế hoạch vốn 7 tháng đầu năm 2017.

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, từ đầu năm đến nay, tổng kế hoạch vốn ngân sách giao cho TP.HCM là 26.183 tỷ đồng, vốn thành phố đã giải ngân đến hết tháng 7 là 13.214 tỷ đồng, đạt 50,5%. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương đạt 22%, vốn ODA do Trung ương cấp phát đạt 72% và vốn ngân sách thành phố đạt 51%.

Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết năm 2017, nhu cầu vốn ODA cho các dự án trên địa bàn khoảng 7.700 tỷ đồng, nhưng Trung ương cấp phát chỉ 50%.

Với số vốn này, thành phố rất khó triển khai để đưa các dự án vào sử dụng đúng thời gian, phát huy hiệu quả kinh tế - xã hội. Điều này còn ảnh hưởng đến các hợp đồng quốc tế đã ký kết, dễ gây phát sinh khiếu nại và các khoản tiền phạt, lãi do chậm thanh toán.

Tuyến Metro số 1 đội vốn do chi phí tư vấn phát sinh. Ảnh: Lê Quân

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn ODA cho các dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu UBND TP.HCM kiến nghị Trung ương tiếp tục xem xét, bổ sung vốn ODA là 3.648 tỷ đồng.

Trong đó, tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) là 3.303 tỷ đồng, dự án cải thiện môi trường nước giai đoạn 2 là 345 tỷ đồng. Thành phố cam kết sử dụng hết vốn được Trung ương giao.

Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo hiện nay do dự án tuyến metro số 1 đang trong quá trình điều chỉnh dự án (tăng tổng mức đầu tư từ 17.400 tỷ đồng lên 47.325 tỷ đồng), chưa được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, nên chưa có cơ sở xem xét, bổ sung vốn ODA trung hạn và hàng năm theo quy định.

Ông Trần Vĩnh Tuyến cho biết dự án metro số 1 vượt dự toán do khâu tư vấn có nhiều vấn đề phát sinh. Thành phố đã giao cho chủ đầu tư hoàn chỉnh hồ sơ báo cáo lên Trung ương để trình Quốc hội phê duyệt.

Tại cuộc họp, nhiều quận cũng báo cáo tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 7 tháng đạt dưới 50%. Một số quận dọc tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) đang chậm giải ngân vốn bồi thường giải phóng mặt bằng vì chưa phê duyệt đơn giá.

Phó chủ tịch thành phố đề nghị các đơn vị liên quan sớm rà soát, phối hợp thông qua đơn giá bồi thường cho người dân. Ông cho rằng trong việc thẩm định giá bồi thường giải phóng mặt bằng có điểm nào hở thì phải điều chỉnh. Metro là dự án lớn của thành phố nên phải nỗ lực lớn để hoàn thành sớm.

Ông Tuyến lưu ý Sở Tài chính phải rà soát lại nhân sự, nếu thiếu thì bổ sung còn yếu thì phải thay đổi để đáp ứng nhiệm vụ. Sở Nội vụ sớm có ý kiến về phân cấp, ủy quyền cho địa phương liên quan đến thẩm định giá để giảm áp lực.

“Quận, huyện nào phân cấp rồi mà không dám làm thì xem lại cách làm. Phân quyền đi kèm với trách nhiệm, nhưng địa phương phải mạnh dạn”, ông Tuyến nói.

Ông yêu cầu các quận có giải pháp để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn, phát huy hiệu quả vốn đầu tư công, phải giải ngân 100% vào cuối năm.

“Vốn ngân sách là tiền thuế của dân, sử dụng có hiệu quả là có trách nhiệm với người dân. Đề nghị HĐND TP.HCM giám sát, làm rõ trách nhiệm. Vốn xài không hết thì thành phố cũng giải trình trước Quốc hội. Vốn ai cũng muốn ôm nhưng xài không hết rồi cuối năm trả lại thì không có hiệu quả, làm tăng nợ công”, ông Tuyến nói.

Một thông tin đáng chú ý được Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết là hiện nay, nguồn vốn cho đầu tư phát triển hạ tầng gặp nhiều khó khăn, thành phố đang lên đề án huy động 20.000 tỷ đồng trong dân để phát triển giao thông.

Theo Zing

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích