Giải thích thiếu căn cứ
Sáng 31/7, tại diễn đàn kinh tế tư nhân diễn ra tại Hà Nội, nhiều ý kiến đặt câu hỏi về con số người Việt chi 3 tỷ USD, thậm chí có thể còn lớn hơn, chảy sang Mỹ để mua nhà theo công bố của Hiệp hội Địa ốc Quốc gia Mỹ (NAR).
Đưa ra ý kiến về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, con số này chưa hẳn tất cả đều là của doanh nhân. Ông Đông cũng cho biết, có thể lý giải rằng con số này một phần nằm trong nguồn kiều hối mà kiều bào đưa vào, song sau đó chảy ra lại.
TS, Luật sư Bùi Quang Tín, giảng viên khoa Quản trị Kinh doanh, Đại học Ngân hàng TP.HCM khẳng định bản thân chưa đồng tình với giải thích của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Nếu số tiền chuyển đi hợp pháp thì khó có thể đạt đến con số 3 tỷ USD trong năm 2017 như báo cáo của NAR đã nêu.
Theo ông Tín, hiện nay pháp luật có nghị định số 50 năm 2014, quy định cụ thể về quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước. Do đó khi các kiều bào chuyển tiền về nước thì sẽ không dễ dàng có thể chuyển lại ra nước ngoài.
Lý giải 3 tỷ USD mua nhà Mỹ từ dòng kiều hối chưa được các chuyên gia đồng tình. Ảnh minh họa |
“Giải thích như vậy là thiếu căn cứ và lạ lùng. Ở đây thể hiện rõ nhất là sự thiếu quyết liệt và trách nhiệm trong quản lý của các cơ quan nhà nước, để các đối tượng tìm cách lách luật, chuyển một khối lượng lớn tiền ra nước ngoài để mua nhà cũng như các bất động sản”, TS Tín nhấn mạnh.
TS Tín cho rằng có 4 trường hợp cần phải xem xét hết sức cụ thể, khách quan để lý giải việc số tiền người Việt bỏ ra tới hơn 3 tỷ USD để mua nhà ở Mỹ.
“Số tiền 3 tỷ USD có từ nhiều nguồn khác nhau. Thứ nhất, những người sinh sống ở Việt Nam nhưng đi du lịch, học tập ở nước ngoài nên mang theo để có thể mua bất động sản. Thứ hai là người Việt Nam định cư ở nước ngoài và có quốc tịch Mỹ.
Thứ ba, người Việt đang định cư, sinh sống, làm việc ở Việt Nam và chuyển tiền qua bên Mỹ để mua nhà.
Thậm chí, có thể ở 1 quốc gia khác để chuyển tiền qua Mỹ để mua nhà”, ông Tín dẫn chứng.
Để chuyển tiền với một số lượng lớn sang Mỹ, ông Tín cho rằng các cá nhân, doanh nghiệp chủ yếu dựa vào những khe hở của hệ thống pháp luật để tìm cách lách luật, hợp thức hóa việc chuyển tiền.
“Ngoài số ít chuyển tiền theo kênh hợp pháp được pháp luật chấp nhận thì nhiều người câu kết với đối tác nước ngoài, hay còn gọi là rửa tiền ngoại tệ bằng cách chuyển đi nước ngoài.
Chẳng hạn những người này thuê một hợp đồng tư vấn của 1 công ty hay đối tác ở nước ngoài. Giá thực tế có thể chỉ 10-20.000 USD. Tuy nhiên trong hợp đồng có thể ghi là một triệu hoặc vài triệu USD để trả cho hợp đồng dịch vụ đó. Sau đó những người này sẽ dựa vào hợp đồng đó để chuyển tiền ra nước ngoài.
Trường hợp khác, doanh nghiệp hay cá nhân tiến hành làm thủ tục để mua một lô hàng nhập khẩu của nước ngoài. Thực tế có thể hàng hóa không chuyển về Việt Nam nhưng họ vẫn thanh toán tiền bình thường.
Hoặc thậm chí lô hàng đó chỉ trị giá rất nhỏ nhưng chúng ta nâng lên thành hàng triệu USD. Bằng cách này, nhiều người có thể qua mắt lực lượng chức năng để chuyển tiền hợp pháp đi nước ngoài. Tuy nhiên trên thực tế, cách này lại không đúng và vi phạm pháp luật”, TS Tín nhấn mạnh.
Chế tài phải mạnh hơn
TS Bùi Quang Tín thừa nhận, hiện nay để quản lý việc chuyển tiền ra nước ngoài không phải dễ dàng. Đây là việc làm cần sự vào cuộc của các ban, ngành chức năng chứ không thể riêng lẻ một vài cá nhân.
“Đối tượng chuyển tiền ra nước ngoài thường là những người kinh doanh và kiếm ra 1 số tiền lợi nhuận rất lớn và phần nhiều trong số đó là không hợp pháp. Chuyển bất hợp pháp thường có các đường dây, có lợi ích nhóm xuất hiện theo. Nếu chúng ta động vào thì sẽ vô cùng khó khăn”, ông Tín nhấn mạnh.
Để giải quyết vấn đề trên, vị chuyên gia đề nghị cần phải hoàn thiện các hệ thống pháp luật, có chế tài xử lý mạnh mẽ hơn và cần phải xử nghiêm các đối tượng chuyển tiền trái phép ra nước ngoài làm gương.
“Chúng ta cần 1 quyết tâm rất cao. Cùng với đó phải có cơ chế pháp lý có quy trình kiểm soát, thanh tra giám sát. Đồng thời phải xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm pháp luật, còn nếu chúng ta cứ bao che thì sẽ không thể nào xử lý được”, TS Tín khẳng định.
Theo Đất Việt