Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, Trung Quốc hiện là nhà nhập khẩu số một mặt hàng dầu thô của Việt Nam với lượng nhập khẩu gần 50% tổng lượng dầu thô xuất đi của Việt Nam trong ba tháng đầu năm nay.
Việt Nam xin tăng khai thác dầu thô để bù tăng trưởng |
Đáng chú ý, so sánh với các đối tác nhập khẩu dầu thô của Việt Nam, giá dầu nhập của phía Trung Quốc luôn thấp hơn khá nhiều. Ví dụ giá dầu thô mà các đối tác từ Nhật Bản nhập của Việt Nam là 9,8 triệu đồng/tấn, cao hơn 400.000 đồng/tấn so với mức giá phía Trung Quốc nhập.
Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh giá dầu thô thế giới vẫn ở mức thấp, Việt Nam phải xin tăng khai thác để bù tăng trưởng.
Cụ thể, tại nội dung báo cáo bổ sung tình hình kinh tế xã hội do Bộ KH-ĐT thực hiện để phục vụ thẩm tra tình hình kinh tế - xã hội, chuẩn bị cho kỳ họp Quốc hội thứ 3 có đề cập tới sức ép tăng trưởng kinh tế đang gặp nhiều khó khăn.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, việc duy trì ổn định kinh tế vĩ mô trong các tháng cuối năm là cần thiết nhưng đang chịu nhiều sức ép và thách thức trong điều hành các chính sách tài chính, tiền tệ.
Báo cáo nêu rõ, với nhiệm vụ thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế của cả năm 2017 đạt 6,7%, đồng thời vẫn đảm bảo mục tiêu trung và dài hạn là cơ cấu lại nền kinh tế, các giải pháp đề ra vẫn cần có sự kết hợp hài hoà giữa giải pháp ngắn hạn và giải pháp căn cơ dài hạn.
Trong nhóm ngắn hạn, giải pháp nhanh đầu tiên được đề cập là thực hiện tăng thêm sản lượng khai thác dầu thô trong nước cao hơn so với kế hoạch đã được Thủ tướng giao, nhằm đóng góp trực tiếp vào tăng trưởng GDP và không để ngành khai khoáng giảm sâu.
Như vậy, khi giá dầu thô xuống thấp (từ năm 2014 đến nay, khi giá dầu thô rớt xuống khoảng 40 USD/thùng), Việt Nam phải xin tăng khai thác để giữ chỉ tiêu tăng trưởng, Trung Quốc đã tranh thủ nhập dầu thô từ Việt Nam để hưởng lợi.
Theo Đất Việt